Trót cho con vợ chồng người Pháp, bà mẹ cạn nước mắt đi tìm suốt hơn 20 năm

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trở về từ bệnh viện, bà Bảy không thấy đứa con 20 ngày tuổi của mình đâu. Bà hỏi chuyện thì chồng bảo đã cho con cặp vợ chồng người Pháp để sau này con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xót xa cuộc chia ly khi con chưa đầy tháng

Công cuộc tìm kiếm người thân chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Đó là một hành trình khắc khoải, day dứt và cạn khô nước mắt của những người không may vì một lý do nào đó phải lìa xa người thân, cha mẹ hay con cái của mình. 

Suốt hơn 20 năm qua, bà Trần Thị Bảy (62 tuổi, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cũng đang đi trên hành trình gian nan ấy. Đói nghèo, bệnh tật đã khiến bà đưa ra một quyết định mà nhiều năm sau này, bà phải ân hận khôn nguôi.

Trót cho con vợ chồng người Pháp, bà mẹ cạn nước mắt đi tìm suốt hơn 20 năm - 1

Vợ chồng bà Bảy trong buổi gặp lại con ở TPHCM (Ảnh: T. P. C).

Quê gốc của bà Bảy ở vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió. Cuối những năm 80, bà một mình dẫn theo 3 đứa con nheo nhóc vào Bình Thuận, rồi sau đó là Bà Rịa Vũng Tàu sinh sống. Thời gian này, bà gá nghĩa với người chồng thứ hai để có thêm chỗ dựa cho mấy mẹ con.

Chẳng có nghề nghiệp ổn định, cả hai chỉ đành đi làm thuê làm mướn đắp đổi qua ngày. Nhớ lại những ngày tháng đói khổ cùng cực, bà Bảy gạt nước mắt nói: "Tôi thường nhịn đói đi nhập rau cải về bán quanh xóm. Song lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Có ngày, nhà chẳng còn lấy một hạt gạo".

Khi ấy, người mẹ khốn khổ đành phải đi xin quanh xóm. Người thương tình cho mỳ, cho gạo, người thì giới thiệu cho công việc làm thêm.

Trót cho con vợ chồng người Pháp, bà mẹ cạn nước mắt đi tìm suốt hơn 20 năm - 2

Người mẹ bịn rịn trước giờ phút chia xa con (Ảnh: T. P. C).

Thấy các con lúc nào cũng ở trong cảnh đói khổ, thu nhập từ việc làm thuê phập phù, vợ chồng bà Bảy đành để hai đứa con đầu đi ở mướn, giữ bò cho những nhà giàu có đất đai, ruộng vườn để kiếm miếng ăn. Năm 1996, bà mang thai đứa con thứ 4. Vui vì nhà có thêm con nhưng bà lại lo nhiều hơn bởi đẻ ra rồi thì lấy gì mà nuôi con.

Ngày 19 tháng 3 năm 1997, bà Bảy sinh một bé gái ở Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu). Vợ chồng bà đặt tên cho con là Phan Thị Giang Hà và tự nhủ dù có khó khăn thì cũng cố gắng rau cháo nuôi con.

Nhưng đói khổ, bệnh tật khiến ước nguyện của người mẹ này không trở thành hiện thực. Sau khi sinh Giang Hà, sức khỏe của bà Bảy suy giảm nghiêm trọng. Về nhà chẳng được bao lâu, bà phải nhập viện điều trị, đôi chân không hiểu sao cứ tê dại, di chuyển khó khăn.

"Khi vào viện điều trị, tôi phải để con gái ở nhà. Sau khi ra viện về đến nhà thì chồng tôi bảo đã cho con đi làm con nuôi rồi. Ông ấy không bàn bạc trước với tôi về chuyện này nên tôi rất sốc và khóc rất nhiều. Khi ấy, con bé mới được 20 ngày tuổi", bà Bảy nhớ lại.

Sau đó, người chồng thuyết phục rằng, cho con đi là để con có cuộc sống tốt đẹp hơn, còn ở với hai vợ chồng thì chắc chắn con sẽ khổ. Nghĩ gia cảnh bần hàn, bệnh tật, ốm đau, bà Bảy đành nuốt nước mắt vào trong, thuận theo ý chồng.

Việc cho con được thực hiện thông qua một người phụ nữ trong xóm nên sau đó ít hôm, qua người này, bà Bảy đã lên một khách sạn ở quận Phú Nhuận, TPHCM để ký tá các giấy tờ liên quan.

Tại đây, bà được gặp lại Giang Hà. Ôm đứa con bé bỏng trên tay, lòng bà nhói đau. Dù rất xót xa nhưng nghĩ về tương lai của con, bà lại run run ký vào tờ giấy chấp nhận cho con.

"Tôi đồng ý ký giấy với điều kiện là sẽ được biết thông tin về con và giữ những giấy tờ liên quan đến sự việc này. Người phụ nữ kết nối và một luật sư khi đó đồng ý với yêu cầu của tôi. Tuy nhiên họ nói tôi cứ trở về trước, sau này họ sẽ chuyển giấy tờ về cho tôi sau", bà Bảy kể.

Sau lần ấy, bà Bảy cứ chắc mẩm sẽ nhận được các thông tin và địa chỉ của con. Tuy nhiên, khi bà hỏi những người liên quan thì người nọ lại đùn đẩy người kia, không ai cung cấp các giấy tờ như bà yêu cầu. Ngoài thông tin cặp vợ chồng này sống ở Paris thì bà hoàn toàn không biết gì về những người đã nhận nuôi con gái mình.

Mấy tháng sau, vị luật sư có đem về cho bà Bảy 500.000 đồng, vài bộ quần áo, hình ảnh của Giang Hà và một lá thư tay mà tới giờ bà vẫn còn giữ của cặp vợ chồng người Pháp gửi.

Họ nói rằng con bà vẫn rất khỏe mạnh. Họ không quên cảm ơn bà đã sinh cho họ một đứa bé vô cùng đáng yêu. Biết được con bình an, yên ấm, bà Bảy vừa mừng nhưng cũng thấy tủi cho phận mình.

Có lẽ thời khắc ấy bà không ngờ đó là những thông tin đầu tiên và cũng là cuối cùng cho đến lúc này bà nhận được về con gái.

Mấy năm sau đó, thấy những đứa trẻ từng được cho đi làm con nuôi ở nước ngoài được bố mẹ nuôi đưa về thăm gia đình còn con mình thì bặt vô âm tín, bà Bảy vô cùng sốt ruột. Bởi từ sau lá thư ngắn ngủi kia, bà không còn được biết thêm tin tức gì về con.

Người anh trai chưa một lần được gặp em

Bà Bảy bắt đầu ngờ ngợ về việc mình sẽ không bao giờ được gặp con nữa. Bà chạy đôn chạy đáo đi tìm những người từng biết việc cho con nuôi của mình nhưng cũng chẳng ai giúp ích được gì.

Khi cho Giang Hà đi làm con nuôi được ít lâu, người chồng thứ hai đã bỏ bà đi. Vì vậy mấy năm sau, bà chuyển về Bình Thuận sinh sống. Từ đó đến nay, bà cùng các con trong gia đình đã nhiều lần đi lại giữa Bình Thuận, TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu để dò la tung tích của con nhưng bất thành.

Suốt hơn 20 năm, dường như không đêm nào trước khi chợp mắt, bà không nghĩ đến con. Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu bà: "Giang Hà bây giờ ra sao? Con có khỏe mạnh không? Thích ăn gì, học có giỏi không, đã có bạn trai hay chưa?...".

Bà Bảy tâm sự: "Mới đầu tôi không ân hận vì nghĩ làm như vậy là tốt cho con. Nhưng càng về sau này tôi lại không thể tha thứ cho mình. Nếu cho tôi lựa chọn lại, tôi chắc chắn sẽ không rời xa con".

Suốt cuộc trò chuyện, người mẹ này không ngừng giơ tay gạt những giọt nước mắt trên gương mặt già nua, khắc khổ. Bà bảo cách đây 3 năm, thấy sức khỏe của mình yếu đi, bà nghĩ dại chẳng biết mình còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, bà càng hối thúc các con việc tìm lại Giang Hà.

 Anh Trần Phi Cường (36 tuổi, con trai thứ hai của  bà Bảy) đã làm cha nên càng hiểu hơn nỗi lòng của mẹ. Suốt nhiều năm qua, anh tìm mọi cách nghe ngóng hỗ trợ mẹ tìm kiếm người em gái.

Ngày mẹ mang bầu sinh em, anh Cường đang đi ở mướn cho nhà người khác nên người anh này chẳng có chút ký ức gì về em gái. Những gì anh biết về em là qua lời kể của mẹ và một vài bức ảnh hiếm hoi bà Bảy nhận được.

Cách đây 3 năm, biết đến mạng xã hội, anh thường xuyên đăng tin trong các hội nhóm về tìm người thân, hội nhóm của người Việt ở Pháp nhờ tìm em gái nhưng vẫn chưa có phản hồi.

Trót cho con vợ chồng người Pháp, bà mẹ cạn nước mắt đi tìm suốt hơn 20 năm - 3

Bà Bảy thường xuyên đem những tấm hình thời bé của con ra ngắm nhìn (Ảnh: T. P. C).

"Tôi có đăng tải hình ảnh và bức thư mẹ tôi nhận được cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, do thư bị mờ và rách nên những người biết tiếng Pháp chỉ dịch được nội dung cơ bản. Khi tôi hỏi trong thư có thông tin về địa chỉ hay không thì họ bảo thông tin bị mờ rất nhiều, không rõ. Nhiều người nói sẽ dùng các phần mềm về chỉnh sửa ảnh để khôi phục nhưng sau đó lại không thấy hồi âm gì", anh Cường kể.

Ngoài mạng xã hội, anh Cường còn gửi thư lên các chương trình tìm kiếm người thân của truyền hình những mong tìm lại người em cùng mẹ khác cha.

Nói về tâm nguyện của mình, bà Bảy bảo, ở cái tuổi lay lắt như ngọn đèn trước gió bà  ao ước được nhìn mặt con dù chỉ một lần. Khi gặp lại, dù con có oán trách hay không tha thứ, bà cũng cam lòng.

Quý độc giả có thông tin hoặc biết con gái của bà Trần Thị Bảy có thể cung cấp thông tin cho gia đình qua số điện thoại 0792300828.

Ngoài ra, có thể liên hệ đến đường dây nóng báo điện tử Dân trí: 0973-567-567.