Ninh Bình

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền

Thái Bá

(Dân trí) - Những cánh đồng đất xen kẹp giáp chân núi, trũng thấp trồng lúa kém hiệu quả, nông dân ở Ninh Bình đã chuyển sang trồng sen Nhật kết hợp thả cá và làm du lịch, mỗi năm đút túi dễ dàng 300 triệu đồng.

Những ngày giữa thu, khi những đầm sen nhiều nơi ở Ninh Bình đang tàn lụi dần, thì trên nhiều cánh đồng ở các xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Trường Yên… của huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vẫn bạt ngàn một màu xanh mơn mởn của loài sen Nhật, đang đâm lên những chồi non, nụ và hoa tràn đầy sức sống.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 1

Cánh đồng sen Nhật nở bạt ngàn ở xã Ninh Xuân huyện Hoa Lư.

Trên những cánh đồng sen Nhật, bà con nông dân ngày ngày vẫn cần mẫn chăm sóc, thu hoạch hết lứa sen này đến lứa sen khác. Hàng ngày đón những đoàn khách du lịch từ khắp nơi đổ về chụp ảnh với mùa sen trái vụ trên đất cố đô Hoa Lư (thu tiền vé mỗi lượt khách). Khách đến đông nhất là vào những ngày cuối tuần khiến bà con vui mừng phấn khởi.

Lãnh đạo huyện Hoa Lư cho biết, huyện là địa phương ở Ninh Bình phát triển du lịch rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ. Từ khi có Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du khách đến tham quan ngày một đông hơn, người dân các xã sống cạnh các khu du lịch chuyển sang làm dịch vụ với đủ ngành nghề khác nhau.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 2

Nông dân ở huyện Hoa Lư chăm sóc, thu hoạch sen Nhật.

Du lịch kéo theo các ngành nghề dịch vụ phát triển nên từ nhiều năm qua, nhiều bà con nông dân ở Hoa Lư không mấy mặn mà với nghề làm nông nghiệp trồng lúa nước gắn bó bao đời nay. Nhiều diện tích đất trồng lúa là đất xen kẹp giáp chân núi, đất ngập nước (vùng đất khó sản xuất) thường xuyên bị người dân bỏ ruộng hoang.

Theo thống kê của huyện Hoa Lư, toàn huyện có hơn 3.000ha đất trồng lúa. Những năm gần đây, tình trạng người dân bỏ ruộng tăng lên. Từ năm 2019 đến nay, huyện Hoa Lư đã định hướng người dân phát triển mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch để góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành du lịch tại địa phương.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 3

Trồng sen Nhật thu hoạch sản phẩm, bán vé cho khách đến tham quan chụp ảnh khiến nông dân ở Ninh Bình kiếm bộn tiền mỗi năm.

Một lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư chia sẻ, đầu năm 2019, UBND huyện đã chuyển đổi 6,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen Nhật kết hợp thả cá, gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Ninh Hải, Ninh Xuân và Trường Yên.

Ông Vũ Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoa Lư chia sẻ, qua nghiên cứu để tìm ra loại cây trồng vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, cho thấy cây sen là loại cây phù hợp.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 4

Loài sen Nhật hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Ninh Bình nên cho hiệu quả kinh tế cao. Nông dân thu nhập 300 triệu đồng/năm nhờ trồng sen Nhật.

“Hoa sen là một loài hoa đẹp, thanh khiết, gắn liền với thế giới tâm linh của người Việt. Bên cạnh giá trị làm cảnh, cây sen còn cho giá trị kinh tế cao; ngoài việc lấy hoa, lấy củ, lấy ngó, còn có thể trồng xen canh, kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Thông cho hay.

Nói về giống sen Nhật được địa phương chọn lựa giống đưa về cho bà con nông dân trồng canh tác, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoa Lư tâm sự: “Giống sen Nhật có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với loại sen bản địa, thời gian ra hoa kéo dài hơn, số lượng hoa, đài nhiều hơn, hoa sen có bộ cánh kép dày, đẹp, nhiều màu sắc hơn.

Các xã Ninh Hải, Ninh Xuân và Trường Yên đều có các khu du lịch nổi tiếng như Khu di tích lịch sử Cố Đô Hoa Lư, Hang Múa, Tam Cốc Bích Động... phù hợp để kết hợp triển khai mô hình nông nghiệp gắn với du lịch. Vì vậy, huyện Hoa Lư đã chọn cây sen để trồng thử nghiệm tại các xã này”.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 5
Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 6

Người dân thu hoạch hạt sen Nhật để bán.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Hoa Lư, ghi nhận tại các xã triển khai mô hình trồng sen Nhật, thả cá kết hợp làm du lịch cho thấy, đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, giống sen hồng cánh đơn phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng, thời gian ra hoa 3 vụ/năm.

Từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm là điểm nhấn nổi bật thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng. Mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá còn cho lợi nhuận kinh tế cao với trên 300 triệu đồng/năm với các sản phẩm từ sen (cao hơn trồng lúa gấp 5 - 6 lần) và nguồn thu từ khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Anh Dũng ở xã Trường Yên chia sẻ, việc nuôi cá rô trên ruộng đã tận dụng được diện tích đất mặt nước, mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 2 - 3 lần. Đây là nguồn thực phẩm ưa thích của nhiều du khách khi đến với huyện Hoa Lư cũng như tỉnh Ninh Bình.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 7

Du khách từ nhiều nơi đổ về tham quan những cánh đồng hoa sen nở trái vụ khiến nông dân ở Ninh Bình có thêm nhiều thu nhập từ các dịch vụ nhờ trồng sen Nhật.

“Mô hình này còn góp phần giúp người dân tại địa phương có thêm thu nhập từ việc cho du khách thuê trang phục chụp ảnh tại đầm sen. Nhiều người dân, cơ sở lưu trú tại địa phương cũng đã triển khai trồng sen, tạo nên cảnh sắc thơ mộng, đặc trưng tại địa phương, góp phần thu hút đông đảo khách tham quan”, anh Dũng nói.

Được biết, trước những thành công ban đầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, huyện Hoa Lư đang tiếp tục triển khai mô hình này và mở rộng diện tích lên 42ha tại các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên.

Chị Lê Thị Phương, du khách đến từ Thanh Hóa chia sẻ, đến Ninh Bình mùa này đúng vào mùa sen Nhật đang nở rộ. Những cánh đồng sen được bố trí trồng ở nơi rất đẹp, giữa mênh mang của núi, của cây cỏ và vẻ đẹp cổ kính của những di tích lịch sử, hiện lên bạt ngàn những búp sen hồng, sen trắng, xen lẫn trong gió mùi thơm dịu mát của loài hoa này, càng làm tăng thêm vẻ đẹp lãng mạn cho đất trời Ninh Bình. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời và muốn quay lại đây để thưởng ngoạn thêm nhiều lần nữa”.

Trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch ở ruộng lúa, nông dân kiếm bộn tiền - 8

Thu nhập cao từ trồng sen Nhật, thả cá và làm du lịch, nông dân ở Ninh Bình đang ngày càng mở rộng hơn diện tích trồng sen.

Ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư cho biết, Năm 2019, xã thử nghiệm trồng 1,2ha sen tại khu du lịch Hang Múa đã cho hiệu quả kinh tế cao nhờ các sản phẩm thu hoạch từ sen và doanh thu từ du lịch. Từ đầu năm 2020, xã đã đầu tư thêm để trồng hơn 17ha sen kết hợp đón du khách đến tham quan, chụp ảnh.

“Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến tham quan đầm sen giảm so với năm 2019, nhưng lượng khách nội địa quay trở lại các địa điểm du lịch này tăng cao. Thời gian tới, xã khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để vừa tạo nên cảnh sắc cho quê hương, vừa mang lại lợi ích kinh tế cao”, ông Kim nói.