Tránh gây tổn thương con trẻ trong giai đoạn "ở nhà chống dịch"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Con mải chơi, lười ăn, không nghe lời… dễ khiến các bậc phụ huynh trở nên "sôi máu"trong mùa giãn cách làm việc tại nhà hơn. Cha mẹ cần có những giải pháp giúp kiểm soát cơn giận dữ để cùng con an toàn vượt qua giai đoạn "không mấy dễ chịu" này.

Cha mẹ căng thẳng, con cái tổn thương

Đại dịch kéo dài khiến nhiều bậc cha mẹ đuối sức khi vừa phải làm việc tại nhà, vừa chăm con toàn thời gian. Nhiều phụ huynh không kiểm soát được cảm xúc của mình mà quát mắng, thậm chí là đánh con.

Theo nghiên cứu tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tinh thần gia đình của Đại học British Columbia, cha mẹ có nhiều tương tác tiêu cực hơn với con cái của họ trong đại dịch, bao gồm nhiều xung đột hơn (22,2%), la hét (16,7%), kỷ luật (16,0%) và sử dụng từ ngữ thô bạo (10,7%).

Tránh gây tổn thương con trẻ trong giai đoạn ở nhà chống dịch - 1
Chịu nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống khiến cha mẹ dễ trở nên cáu giận với con

Đa phần bố mẹ đều nhận thức được việc không nên cáu giận, quát mắng hay đánh đập con thế nhưng khi đi vào thực tế thì khó kiểm soát được mình trong những tình huống căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy trong đại dịch, tỷ lệ trẻ em đến khám về các bệnh tâm thần tăng xấp xỉ 30%.

Không có gì bảo vệ sức khỏe tinh thần và đảm bảo sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ tốt bằng những tình cảm ấm áp và yêu thương trong gia đình. Chương trình "nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" do các tổ chức quốc tế uy tín như ĐH Oxford, UNICEF, WHO, The Human Safety Net của Generali… phối hợp xây dựng và triển khai đã đưa ra nhiều gợi ý hữu ích nhằm hỗ trợ phụ huynh kiểm soát cơn giận, duy trì không khí tích cực cho tổ ấm.

Gợi ý 3 bước kiểm soát cơn giận

Đầu tiên, cha mẹ hãy nhận diện cơn tức giận đang xuất hiện, cố gắng giữ bình tĩnh, hướng sự tức giận vào hành động của con chứ không phải vào con, để con hiểu bạn đang giận về việc con làm nhưng vẫn rất yêu thương con.

Nếu thấy cơn giận tăng lên, hãy đảm bảo an toàn cho con và thay đổi năng lượng tiêu cực bằng cách rời đi trong vài phút, uống nước, rửa mặt… kêu gọi sự trợ giúp khi cảm thấy bé ở một mình hoặc ở với bạn lúc này sẽ không an toàn. Tuyệt đối không đánh và làm đau con, không quát mắng, hay tiếp tục đôi co. Cha mẹ có thể tham khảo phương pháp số "3 kỳ diệu" trên trang facebook The Human Safety Net Việt Nam (facebook.com/TheHumanSafetyNetVietnam) nhằm lấy lại bình tĩnh.

Bước 3, khi bình tĩnh trở lại, hãy nói cho con biết hành động của con đã khiến bạn cảm thấy ra sao, tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lại làm vậy và hãy lắng nghe trẻ. Nếu bạn đã mất bình tĩnh với con, hãy xin lỗi. Ghi nhận những nỗ lực của con và cả của bạn sau mỗi lần kiểm soát được cơn giận, đây là liều thuốc có tác dụng lâu dài giảm thiểu những tình huống căng thẳng trong tương lai.

Tránh gây tổn thương con trẻ trong giai đoạn ở nhà chống dịch - 2
Khi bình tĩnh trở lại, hãy trao đổi cởi mở với con, và ghi nhận những nỗ lực kiểm soát cơn giận của cả hai

Duy trì năng lượng tích cực trong gia đình

Điều cốt lõi là cha mẹ hãy luôn ý thức nỗ lực duy trì nguồn năng lượng tích cực trong gia đình trong thời gian giãn cách và có những kỳ vọng "thực tế hơn" đối với con trẻ. Ở trường, trẻ sẽ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, học tập, múa hát.. hay tương tác cùng bạn bè, thầy cô. Nay trẻ ở nhà, đừng bắt trẻ phải trật tự, ngồi im hay không bày bừa.

Tránh gây tổn thương con trẻ trong giai đoạn ở nhà chống dịch - 3

Tham khảo nhiều gợi ý, kỹ năng nuôi dạy trẻ hữu ích tại trang facebook The Human Safety Net Việt Nam (facebook.com/TheHumanSafetyNetVietnam).

Cha mẹ hãy điều chỉnh những "tiêu chuẩn" và thói quen, nền nếp sinh hoạt một chút cho phù hợp. Hãy cho phép trẻ vui đùa tự do vào những khoảng thời gian, không gian phù hợp. Thay vì la mắng vì trẻ bày bừa, chơi giỡn ồn ào, hãy phân công để trẻ "bận rộn" với các công việc nhà vừa sức như quét nhà, xếp quần áo… hay các bài tập đọc sách, vẽ tranh, tô màu… Khi con hoàn thành tốt, hãy khen ngợi hoặc tặng thưởng con để khích lệ và giúp con cảm nhận được sự quan tâm.

Với trẻ thiếu niên, cần đưa ra các quy tắc về thời gian sinh hoạt và việc sử dụng thiết bị điện tử thông minh để kết nối cùng bạn bè. Bạn cũng cần tắt hoặc cất điện thoại những khi sinh hoạt tập thể để làm gương cho con.

Tham khảo thêm tình huống và cách kiểm soát cơn tức giận qua một tiểu phẩm từ chương trình Sinh Con, Sinh Cha.

Hãy thử xem giãn cách như một cơ hội để dành nhiều thời gian bên con hơn, hiểu và chăm sóc cho con nhiều hơn trước khi tất bật trở lại với cuộc sống. Bạn sẽ thấy khoảng thời gian này thật ra lại rất trân quý và tràn đầy yêu thương.

"Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng" là chương trình cộng đồng trực tuyến nhằm lan tỏa những nội dung làm cha mẹ hữu ích trong bối cảnh Covid-19. Các tình nguyện viên của Generali Việt Nam tích cực tham gia xây dựng, chia sẻ và lan tỏa trên các kênh trực tuyến trong thời gian giãn cách.