TikToker review dọa "đánh sập" nhà hàng, chủ quán than "quá ám ảnh"

Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiều TikToker review quán ăn bằng cách chửi bới, đập phá đã gây hiệu quả ngược, khiến người xem khó chịu và bị kêu gọi tẩy chay.

Review gây sốc bằng cách "tạo drama" phản cảm

Anh Lê Mạnh Khang (34 tuổi), chủ nhà hàng buffet lẩu nướng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) từng tiếp một số nhóm TikToker, YouTuber và Food Reviewer.

"Tôi không bỏ tiền thuê quảng cáo, mà họ tự tìm đến với tâm thế người trải nghiệm", anh nói, cho biết các nhóm review không đòi hỏi "đặc quyền" gì, ngoài vị trí ngồi tiện quay video. 

Theo chủ nhà hàng, mỗi người một khẩu vị và họ có quyền nêu quan điểm cá nhân sau khi sử dụng dịch vụ. Một số người từng góp ý việc bát đũa chưa sạch, anh Khang lắng nghe và cải thiện chất lượng. Anh cân nhắc thay đổi để thỏa mãn phần đông khách hàng, chứ không theo khẩu vị của riêng bất kỳ ai.

Tuy nhiên, anh cho rằng, 90% TikToker đánh giá sai chất lượng sản phẩm, dịch vụ, do không có nền tảng, kiến thức chuyên môn. Một số khác lại sử dụng chiêu trò, mánh khóe để lôi kéo người xem bằng cách đi ngược lại với lối review thông thường. Điều này khiến người xem khó chịu, đe dọa "đánh sập" các quán ăn, nhà hàng.

Trên thực tế, nhiều TikToker thường cố tình "tạo drama" như giả vờ chê nhưng thực chất là đang khen; đập bàn ghế, quát mắng nhân viên; sáng tạo kiểu ăn mới không có trong thực đơn.

TikToker review dọa

Nờ Ô Nô đập phá đĩa hàu nướng, tạo drama để thu hút người xem (Ảnh cắt từ clip).

Trong phần mở đầu video review một quán hàu nướng tại quận Gò Vấp (TPHCM), TikToker tai tiếng Nờ Ô Nô đã ném đĩa hàu xuống đất, quát mắng nữ nhân viên và những người xung quanh.

Tuy nhiên, đây chỉ là tình huống Nờ Ô Nô tạo ra để gây sự chú ý với người xem, về sau lại dành nhiều lời khen ngợi cho quán. Đây thực chất là đoạn video quảng cáo tạo điểm nhấn bằng cách "gây sốc", nhưng bị đánh giá thô lỗ và kém văn minh.

Trước đó, người này cũng từng xây dựng "kịch bản" bị bảo vệ đuổi khỏi quán lẩu, ngồi trong nhà vệ sinh… review đồ ăn, chửi bới "dằn mặt" chủ quán, chê bai thậm tệ,… gây ngán ngẩm và bị cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay.

"Tôi hay bất cứ người chủ nào, đều dành tâm huyết, công sức để mở nhà hàng. Nhiều người trẻ chưa có kiến thức, kinh nghiệm, đánh giá chưa chuẩn, vô tình 'đạp đổ bát cơm' của chúng tôi", anh Khang quan ngại "hiệu ứng đám đông" trên mạng xã hội như chửi bới, miệt thị, đánh giá một sao, nhận xét khó nghe nhắm vào nhà hàng "lỡ" đắc tội với TikToker nổi tiếng.

Thay vì bình tĩnh, đặt cho mình một góc nhìn khách quan, cộng đồng mạng lại thường hay hùa theo nội dung được chia sẻ và lập tức hành động không cần suy xét.

TikToker review dọa

Một số cửa hàng được cho là đăng tải thông báo "miễn tiếp" đối với TikToker (Ảnh: MXH).

Chủ quán "sợ" TikToker, yêu cầu không quay phim, chụp ảnh

Quán cà phê hidden (ẩn náu) của Minh Thúy (26 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) "nép mình" tại tầng 3 của một khu tập thể cũ ở quận Đống Đa (Hà Nội).

Quán được bày trí theo phong cách vintage (hoài cổ), mỗi ngày chỉ tiếp một lượng khách hạn chế (10 - 12 người) phù hợp với không gian nhỏ, theo phương châm "bán không gian là chính, đồ uống không quá đặc sắc".

Theo cô, nhóm khách hàng chính biết đến quán chủ yếu qua "truyền miệng" từ người quen, chứ không phải những kênh review như TikTok, Facebook hay YouTube. Một năm trước, đoạn video giới thiệu về quán cà phê của Thúy vô tình "viral" trên mạng xã hội, đã làm đảo lộn mọi thứ.

"Khách kéo đến dồn dập gây quá tải. Đó là điều mà tôi không hề mong muốn", Thúy nói.

TikToker review dọa

Nhiều quán ăn, nhà hàng "né" TikToker, YouTuber (Ảnh minh họa).

Sau sự nổi tiếng bất đắc dĩ đó, cô đưa ra quy định "không quay phim, chụp ảnh dưới mọi hình thức: điện thoại hay máy ảnh", yêu cầu khách hàng tôn trọng không gian quán, từ chối đón tiếp những nhóm khách từ 4 người trở lên.

"Tôi không thích quán của mình xuất hiện trên những video review của các YouTuber, TikToker", cô bày tỏ, nói mỗi lần nhắc đến những người chuyên review, lại cảm thấy lo lắng.

Trước đây, một số hot TikToker từng đến quán của Thúy, phá vỡ không gian yên tĩnh, để lại một số sự xáo trộn nhất định. Họ chỉ đến một lần, quay phim, chụp ảnh rồi rời đi mà không quan tâm hậu quả để lại.

Khi các video, bài viết, hình ảnh review được đăng tải, những "tệp khách hàng ưa sống ảo" kéo đến, Thúy nhận về những phản hồi không tốt từ khách quen. Họ phàn nàn quán không còn giữ được tinh thần riêng tư như trước, bày tỏ ý định không quay lại.

Streamer Phùng Thanh Độ (Độ Mixi) trong buổi livestream gần đây cũng tuyên bố "ngại đụng chạm", "sợ" TikToker đến review quán cơm tấm mới khai trương của anh tại Hà Nội.

Theo trào lưu, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn mong muốn đón tiếp các TikToker, Reviewer nhằm "đẩy" sự nổi tiếng của hàng quán lên cao. Nhưng Độ Mixi bày tỏ quan điểm "sợ hơn muốn".

"Tôi nghĩ ngay từ đầu video review, các TikToker đã muốn mở bài thật gắt để tăng tính tương tác, tạo ý kiến trái chiều", Độ Mixi nói.

Theo anh, công thức chung để nổi tiếng của các TikToker hiện nay là: thu hút, tẩy trắng, va vấp và trưởng thành, nhưng công thức này "đã bị đẩy lên quá đà", vô tình tạo nên thế hệ TikToker bất chấp để câu view

Anh Đỗ Minh Dương (33 tuổi) mở quán mỳ bay kiểu Trung Quốc ở quận Ba Đình (Hà Nội) từ đầu năm 2020. Anh thừa nhận, video giới thiệu quán ăn trên các nền tảng như TikTok, YouTube hay Facebook đang là trào lưu, mang lại lợi ích truyền thông, quảng bá và bắt kịp xu hướng.  

Ba năm qua, rất nhiều TikToker tìm đến quán của anh Dương vì tò mò cái tên "mỳ bay" và hương vị món ăn. Họ không đòi hỏi "đặc quyền", song vẫn được anh đón tiếp chu đáo nhất nhằm gây ấn tượng tốt.

Anh Dương không quá lo lắng về những bài đánh giá, bởi tự tin quy trình chế biến, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

"Mục tiêu chính của tôi là đem đến cho thực khách trải nghiệm tốt nhất, nên việc TikToker đến review hay không, cũng không quan trọng", chủ quán tâm sự.

TikToker review dọa

Nhiều chủ nhà hàng cho rằng video review đang là trào lưu, mang lại nhiều lợi ích (Ảnh minh họa).

Ranh giới giữa review và bóc phốt

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết không ai cấm các TikToker, YouTuber review sản phẩm, song những người làm nghề này cần hiểu rõ ngành nghề, cải thiện chuyên môn.

Từ lâu, Việt Nam đã có một công việc tương tự được gọi là "khách hàng bí mật". Người này được trả tiền để vào một cửa hàng bất kỳ thuộc chuỗi thương hiệu trải nghiệm dịch vụ, sau đó điền vào một tờ phiếu có khoảng 200 đề mục như màu sắc món ăn, chất lượng, cách bày trí, nhân viên…

"Khách hàng bí mật" được xem là một nhân tố không thể thiếu trong việc hoàn thiện dịch vụ, chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng.

"Chính vì thế, Reviewer cần ý thức được việc làm của mình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một thương hiệu, mà còn vi phạm pháp luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Long nói.

Chuyên gia lý giải những YouTuber, TikToker chạy theo trào lưu review vì dễ kiếm tiền bằng cách "học người này người kia", mà không nghiên cứu công việc một cách nghiêm túc. Điều này dễ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhà hàng, như giảm uy tín, mất khách, giảm doanh thu, thậm chí có nguy cơ đóng cửa vì những sự việc không đúng sự thật.

TikToker review dọa

Võ Hà Linh vướng phải nhiều tranh cãi trước khi tuyên bố dừng review quán ăn (Ảnh chụp màn hình).

Để đối phó với những người này, nhiều nhà hàng yêu cầu không quay phim, chụp ảnh. Mạng xã hội còn lan truyền hình ảnh một số quán ăn treo biển cấm các TikToker, YouTuber như Võ Hà Linh, Nờ Ô Nô và Cô gái có râu,…  

Dưới góc độ chủ quán, Minh Thúy, anh Khang và anh Dương đều không đồng tình với phương án này, bởi cho rằng đã xâm phạm đến quyền hình ảnh cá nhân của người khác.

Theo anh Khang, người sáng tạo nội dung nên review dựa vào kiến thức, chuyên môn, đừng hùa theo trào lưu, đồng thời lựa chọn câu từ, thái độ phù hợp để thu hút người tiêu dùng trải nghiệm.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng khuyến cáo, người làm tốt công việc review cần ít nhất 3 kỹ năng: Đa dạng hóa cảm nhận (tức là để người xem chỉ cần ngồi tại nhà vẫn như có mặt tại chính nơi mà các bạn review); Kỹ năng mô tả lại một cách hấp dẫn nhưng phải chân thực trải nghiệm bản thân và đảm bảo tính khách quan một cách tối đa, không có động cơ xấu và cũng không vụ lợi.

"Một video review nhưng không đảm bảo được tính khách quan, hàm chứa đầy mong muốn định hướng cá nhân, lại đăng tải một cách công khai, thì đó chính là bóc phốt. Và nếu việc bóc phốt này tạo ra hậu quả xấu cho doanh nghiệp thì đó là một việc làm sai trái", ông Long nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm