Thủy tinh Uranium - những món đồ cổ phát ra ánh sáng xanh
(Dân trí) - Con người từng tiếp xúc với phóng xạ có hại để tạo ra thủy tinh Uranium - thủy tinh hùynh quang phát ánh sáng xanh lá dưới đèn UV.
Ngày này, một số nhà sưu tập đồ cổ vẫn sống với thủy tinh Uranium trong nhà.
Đúng như tên gọi của nó, thủy tinh Uranium là một loại thủy tinh đặc biệt được làm bằng Uranium oxit, khiến sản phẩm có màu vàng hoặc xanh lá cây ngả vàng. Tuy nhiên, nguyên liệu đặc biệt cũng làm cho nó phát ra phóng xạ và tỏa ra ánh sáng màu xanh lục dưới ánh sáng đen của đèn UV.
Tỷ lệ Uranium trong những món thủy tinh này thường chiếm tỷ lệ khoảng 2% nhưng cũng có một số thủy tinh được tạo ra vào đầu thế kỷ 20 chứa tới 25% Uranium. Điều thú vị là khả năng phát ra ánh sáng hùynh quang của thủy tinh Uranium không liên quan đến tính phóng xạ của nó mà do một tính chất hóa học của Uranium. Trên thực tế, thủy tinh Uranium thường được coi là an toàn, miễn là bạn không sử dụng nó liên tục.
Bạn cũng không nên sử dụng thủy tinh Uranium để đựng thực phẩm hay đồ uống, đặc biệt khi thực phẩm có tính axit, chúng có xu hướng đào thải Uranium ra ngoài.
Thêm nữa, bạn không nên dành hơn 2 giờ mỗi ngày để làm sạch bộ sưu tập thủy tinh Uranium của mình, đặc biệt nếu các món đồ đó có nồng độ Uranium lớn.
Các chất phóng xạ được liên kết chắc chắn với kết cấu thủy tinh, làm giảm đáng kể nguy cơ phát tán ra môi trường. Vật phẩm bằng thủy tinh Uranium có hàm lượng Uranium oxit khoảng 2% sẽ chỉ phát ra khoảng 100 μR/h bức xạ, đảm bảo mức độ an toàn khi sử dụng.
Cũng cần lưu ý rằng bức xạ chỉ diễn ra trong phạm vi không quá 10-15 cm. Vì vậy, việc cất giữ thủy tinh Uranium trong tủ kính sẽ không gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe.
Điều thú vị là nồng độ Uranium trong thủy tinh càng cao thì nó càng ít phát quang dưới ánh sáng UV. Trên thực tế, các món đồ có hàm lượng Uranium oxit trên 25% sẽ mất hoàn toàn khả năng phát sáng.
Một bức tranh khảm được tìm thấy trong một biệt thự La Mã ở Cape Posillipo, Vịnh Naples, Ý có chứa các mảnh thủy tinh Uranium với nồng độ Uranium 1%, là bằng chứng cho thấy loại kính này đã được sử dụng từ thời cổ đại. Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm thủy tinh Uranium chỉ diễn ra vào cuối thời Trung cổ, sau khi người ta phát hiện ra các hợp chất chứa Uranium trong các mỏ bạc ở Habsburgs, thuộc Joachimstal, Bohemia.