Thực hư quan niệm càng mua nhiều vàng càng phát tài lộc ngày Vía thần tài
(Dân trí) - Theo các chuyên gia văn hóa ngày “Vía thần Tài” thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, không hề có quan niệm bắt buộc phải mua vàng trong ngày này mới có được sự tài lộc, may mắn trong năm.
Truyền thống Việt Nam không có ngày Vía thần tài
Hàng năm cứ đến ngày Vía thần tài (mồng 10 tháng Giêng âm lịch), người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước lại đổ xô đi mua vàng cầu may. Người ta tin rằng, vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý “buôn may bán đắt” trong năm mới, vì thế, càng mua nhiều vàng trong ngày Vía thần tài sẽ càng tài lộc, sung túc cho cả năm.
Điều này, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trở nên quá tải, phải mở cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ở nhiều nơi thậm chí còn xảy ra tình trạng người dân xếp thành hàng dài cả km, chờ đợi cả tiếng để mua vàng cầu may trong ngày Vía thần tài.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền), ngày “Vía thần Tài” thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Câu chuyện về sự tích Thần tài say rượu bị rơi xuống trần gian rồi về trời ngày 10 tháng 1 âm lịch cũng chỉ là câu chuyện thêu dệt để “thần thánh hóa” ngày vía Thần tài mà không hề có bất cứ cơ sở văn hóa nào.
“Ở Trung Quốc người ta tổ chức ngày vía Thần tài vào ngày mùng 5 còn Việt Nam lấy ngày 10/1 với quan niệm “mười phân vẹn mười”. Trong truyền thống, người Việt Nam không có quan niệm về chuyện tài lộc theo nghĩa về kinh tế, mà tài lộc ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa đức độ.
Người Việt xưa trọng người tài, coi người tài là nguyên khí quốc gia. Chính vì thế chữ “tài” thường được hiểu theo nghĩa hiền tài chứ không phải là Tài lộc”, Tiến sỹ Ánh Hồng nói.
Theo chuyên gia văn hóa này, ngày Vía thần tài cũng chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây khi kinh tế phát triển, việc giao thương buôn bán được mở rộng. Mặt khác, câu chuyện về ngày “vía" thần Tài được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày “vía" thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng tăng vọt.
Xét ở góc độ tinh thần, việc mua vàng cầu may trong ngày đầu năm cũng đáp ứng nhu cầu rất chính đáng của con người và là động lực để họ cố gắng trong năm tới. Thế nhưng khi niềm tin tín ngưỡng vượt quá ranh giới niềm tin linh thiêng thì nó lại trở thành mê tín.
Vài năm trở lại đây, có một bộ cư dân đặc biệt là cư dân đô thị đang bị lôi kéo trước sự mời gọi của tham vọng nhiều hơn là các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Và đây cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh đầu tư, có lãi.
“Tôi được biết rất nhiều cửa hàng vàng họ lập các trang web quảng bá, có rất nhiều bài viết về ý nghĩa của ngày Thần tài hay thần thánh hóa ngày này lên theo hướng mê tín. Tôi cho rằng ở một khía cạnh nào đó chúng ta cũng phải kiểm soát nếu không sẽ gây ra sự rối loạn xã hội và nó sẽ dẫn đến một thực tế, người ta thần thánh hóa, đua nhau mua vàng cầu tài lộc, đặt niềm tin vào sự may rủi thần linh chứ không phải bằng năng lực cá nhân”, chuyên gia Ánh Hồng khẳng định.
Không có lệ bắt buộc phải mua vàng ngày Vía thần tài
Theo tiến sỹ Hồng, việc làm giàu ai cũng muốn nhưng phải là làm giàu chính đáng, bằng năng lực chứ không nên tin rằng cứ đi mua vàng cầu may là cả năm làm ăn phát đạt. Điều này khiến con người ta u mê, dần sa vào mê tín dị đoan.
“Chúng ta không nên sa đà, và quá thần thánh hóa, đẩy ngày này lên thành mê tín dị đoan. Đức năng thắng số, thành công phải dựa vào nỗ lực của bản thân chứ không phải do sự may rủi tạo nên”, tiến sỹ Anh Hồng nói.
Ngày Vía thần tài người dân thường xếp hàng mua vàng gây ra tình trạng quá tải ở nhiều cửa hàng
Cũng theo chuyên gia này, không bắt buộc hay có lệ là phải mua vàng trong ngày Vía thần tài mùng 10 tháng Giêng thì mới được may mắn, tài lộc trong cả năm.
Mặt khác, vàng không phải là thước đo, tiêu chí duy nhất trong ngày thần tài mà nó có thể là bất cứ thứ hàng hóa, đồ vật nào. “Không hề có lệ bắt buộc hay truyền thuyết càng mua nhiều vàng trong ngày Vía thần tài thì càng may mắn, tài lộc. Thần tài có thể tượng trưng cho nhiều thứ của cải vật chất, hàng hóa trong cuộc sống. Nếu ai có điều kiện dư dả thì mua vàng, đó cũng như một khoản tích cóp cho gia đình phòng khi cần đến. Những ai không có điều kiện mua thì cũng không sao.
Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng, niềm tin tâm linh nhưng cần phải hiểu đúng bản chất để có cách ứng xử phù hợp nếu không sẽ rất dễ sa đà vào mê tín, dị đoan”, chuyên gia Ánh Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giá vàng trong ngày Vía thần tài thường được đẩy lên rất cao, nhưng ngay sau đó vài ngày sẽ nhanh chóng giảm giá. Chính vì thế, người mua cần cân nhắc khi mua số lượng lớn, tránh thiệt hại không đáng có về kinh tế.
Hà Trang