Thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật và người cao tuổi

(Dân trí) - Người cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người khuyết tật, do đó, Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy hòa bình dành cho người khuyết tật và người cao tuổi.

Đó là thông tin được nhấn mạnh trong buổi Hội thảo “Giải pháp Sáng tạo Thúc đẩy Hòa nhập dành cho Người Khuyết tật và Người Cao tuổi” vừa được diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp cùng Cục Bảo trợ Xã hội - Bộ LĐTBXH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Ritsu Nacken, phó Đại diện UNFPA nhận định: "Người cao tuổi là người có ích chứ không phải là gánh nặng hay tốn kém cho xã hội. Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi quá muộn bằng cách quy hoạch và xây dựng hệ thống bảo vệ, chăm sóc thích hợp cũng như cung cấp các hỗ trợ kịp thời, phát triển kỹ năng và tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi. Khi người cao tuổi đảm bảo được thu nhập hay có tiết kiệm, thậm chí có thể tạo được “thị trường bạch kim”, giống như chúng ta thấy ở một số nước có dân số siêu già”.


Hội thảo “Giải pháp sáng tạo thúc đẩy hòa nhập dành cho người khuyết tật và người cao tuổi”.

Hội thảo “Giải pháp sáng tạo thúc đẩy hòa nhập dành cho người khuyết tật và người cao tuổi”.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số. Hơn 9 triệu người người cao tuổi, chiếm hơn 10% dân số. Trong đó, người cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người khuyết tật và thường đa số khuyết tật, nguyên nhân chính là do sự giảm thiểu các chức năng hoạt động của con người và một số bệnh của người cao tuổi.

Hiện nay, Việt Nam là một trường hợp khá đặc biệt vì đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, đồng thời tốc độ già hóa dân số rất nhanh (10% dân số là người cao tuổi). Bởi vậy, việc đặc biệt quan tâm đến đối tượng người cao tuổi là rất cần thiết.

Tại buổi hội thảo, Ông Ahiya Kamara, Chủ nhiệm Ủy ban về các quyền bình đẳng của Người khuyết tật Israel đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các nhu cầu của người cao tuổi, người khuyết tật thông qua các mô hình sáng tạo và công nghệ tiên tiến tại Israel mà Việt Nam có thể áp dụng.

Bản thân ông Kamara cũng là một người khiếm thị và khiếm thính, suốt bao năm qua, ông đã có những đóng góp không ngừng nghỉ trong quá trình đấu tranh vì quyền lợi của người khuyết tật Israel.

Israel được đánh giá là 1 trong những quốc gia có hệ thống pháp luật và chính sách tiến bộ nhất thế giới dành cho người khuyết tật và người cao tuổi. Mọi công trình công cộng tại Israel đều đảm bảo tính tiếp cận cho tất cả những người khuyết tật. Người cao tuổi được nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, và được tạo điều kiện để tiếp tục tham gia và đóng góp vào các hoạt động xã hội, văn hóa…

Nhữ Trang