Thủ phủ vàng mã “chạy nước rút” trước ngày ông Công ông Táo về trời
(Dân trí) - Những ngày cận kề 23 tháng Chạp, làng nghề vàng mã ở Phúc Am (Thường Tín – Hà Nội) phải tất bật hoàn thành những đơn hàng cuối cùng để kịp cung cấp cho thị trường. Năm nay, các mẫu vàng mã được sản xuất cải tiến hơn nhưng giá cả không thay đổi nhiều.
Càng giáp ngày ông Công ông Táo, các xưởng sản xuất ở đây càng phải gấp rút hoàn thiện những đơn hàng. Thông thường đến hết ngày 21 tháng Chạp (âm lịch) các đơn hàng cuối cùng sẽ được xuất xưởng mang đi tiêu thụ trên thị trường.
Các mẫu vàng mã phục vụ cúng ông Công ông Táo được làm hoàn toàn thủ công với những chi tiết tỉ mỉ. Các hộ sản xuất ở Thái Am chỉ làm những bộ có kích thước lớn bằng các loại giấy kim tuyến ống ánh, màu sắc bắt mắt.
Một bộ hoàn thiện gồm bộ cúng ông Công ông Táo và bộ Thần Linh được bán với giá giao động từ 180.000đ đến 200.000đ.
Theo ông Phi – chủ một hộ sản xuất hàng mã ở Phúc Am cho biết, đồ mã dùng để cúng những dịp giáp Tết thường không sản xuất để chạy đua với thị trường.
Đây là những đồ mã yêu cầu sự tỉ mỉ cao nên mỗi xưởng chỉ làm với số lượng ít, vừa đủ đáp ứng cho đối tượng khách hàng mục tiêu.
Mỗi ngày ở một xưởng sẽ sản xuất được khoảng 200 bộ mã cúng ông Công ông Táo.
Một góc nhỏ trong xưởng sản xuất hàng mã những ngày cận kề ông Công ông Táo.
Giáp Tết là khoảng thời gian những xưởng sản xuất ở đây phải “tăng tốc” nhất trong năm vì vừa phải làng hàng chuẩn bị Tết vừa phải sản xuất dự trữ cho các lễ khai xuân diễn ra suốt 3 tháng đầu năm.
Hết ngày 21 tháng Chạp (âm lịch) những đơn hàng ông Công ông Táo cuối cùng được chuyển đi, xưởng bắt đầu tập chung sản xuất hàng mã dùng cho lễ hội.
Một bộ đồ mã cúng ông Công ông Táo thường gồm có: Mũ ông Công 3 chiếc (2 mũ ông; một mũ bà) và một bộ vàng mã thần linh.
Thanh Thuý