Bà nội trợ mách cách đơn giản giúp giảm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần

Hồng Anh

(Dân trí) - Hàng ngày, chị Duyên dùng túi vải nếu mua nhiều rau, củ; dùng hộp, bát tô nếu đi mua bún, đậu; dùng rổ rá đi mua hoa quả, thịt.

Tan buổi làm, chị Lê Thị Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) tạt qua khu chợ gần nhà để mua chút thức ăn chuẩn bị cho bữa tối của gia đình. Chị dùng chiếc túi vải và hai chiếc hộp có nắp đậy đã chuẩn bị sẵn trong cốp xe để đựng thịt, cá và một số rau củ quả từ người bán. Cả buổi đi chợ, chị Ngọc không dùng tới bất cứ một chiếc túi nilon nào.

Chị Ngọc cho biết, thói quen đi chợ không dùng túi nilon của chị đã hình thành hơn một năm nay. Ban đầu, nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên trước việc từ chối túi nilon của chị Ngọc. Nhưng lâu dần, chị lại nghe được những câu nói rất tích cực như: "Ai cũng có ý thức như chị thì tốt quá. Giảm được bao nhiêu rác ra môi trường".

Bà nội trợ mách cách đơn giản giúp giảm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần - 1

Khi đi chợ gần nhà, bà nội trợ hoàn toàn có thể đem theo các vật dụng của gia đình đi để đựng thực phẩm. (Ảnh: D. V).

Chị Vũ Thị Duyên (35 tuổi) cho biết hàng ngày, chị cũng hạn chế tuyệt đối việc dùng túi nilon. Thói quen này bắt nguồn từ nhiều lý do. Lý do lớn nhất là nỗi ám ảnh về những bãi rác tràn ngập túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

"Hầu hết những nơi công cộng ở quê tôi đều la liệt túi bóng, rác rưởi, các bãi rác tự phát, những góc đường, cửa nhà dân chất đầy rác rưởi, hoàn toàn không phân loại, bốc mùi hôi thối…

Đến các bãi biển, khu vui chơi, du lịch tôi cũng thấy ngập rác. Tôi thực sự rất bức xúc trước hành vi xả rác mọi lúc mọi nơi của nhiều người. Đặc biệt, tôi rất dị ứng với việc dùng túi nilon để đựng đồ ăn chín, thực sự rất nguy hại", chị Duyên chia sẻ.

Chính vì thế, hàng ngày, khi đi chợ, chị Duyên dùng túi vải nếu mua nhiều rau, củ; dùng hộp, bát tô nếu đi mua bún, đậu; dùng rổ rá đi mua hoa quả.

Nếu được ai cho, tặng quà mà sử dụng tới túi nilon, chị Duyên thường giặt sạch những chiếc túi đó, phơi khô rồi đem cho những người bán hàng ở gần nhà.

Bà nội trợ mách cách đơn giản giúp giảm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần - 2

Chị Duyên dùng túi vải, rổ nhựa để đi chợ. (Ảnh: T. D).

Sống ở một làng quê thuộc tỉnh Hưng Yên, nhìn thấy chị Duyên xách túi hay rổ đi chợ, nhiều người xem đó như "chuyện lạ". Tuy nhiên, đa số người bán hàng niềm nở khen ngợi, một số cảm thấy phiền vì họ mất thêm thời gian cho đồ vào túi vải hay bát, hộp của chị.

Cũng là một người nói không với túi nilon, chị Đinh Thị Thùy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy túi nilon nhiều màu dùng đi chợ mua thực phẩm là "lực lượng đông đảo và nguy hiểm nhất". Mỗi lần đi mua sắm về, các bà nội trợ lại vứt ra hàng chục chiếc túi như thế. Chỉ qua một thời gian ngắn ngủi, chiếc túi đã đi ngay vào sọt rác".

Từ ngày đọc được những thông tin trên báo chí về nạn ô nhiễm trắng (ô nhiễm môi trường do túi nilon và chất thải nhựa), chị Thùy nghĩ rằng bản thân cần phải thay đổi thói quen xấu này.

Chị Thùy cho biết: "Tôi thường gọi ship rau và đồ ăn về nhà nên vẫn chưa thể hạn chế tuyệt đối. Tuy nhiên, mỗi lần đi chợ, tôi đều mang theo túi của mình. Đi uống cà phê tôi không dùng ống hút nhựa. Nếu có nhu cầu mua các loại ca cốc, thìa, chậu… tôi thường ưu tiên các vật liệu như gỗ, inox, nhôm…".

Túi nilon, các loại ca cốc, chai nhựa và rất nhiều đồ dùng nhựa khác có ưu điểm là tiện lợi, bền và rẻ. Tuy nhiên, chúng lại góp phần tăng lượng rác thải nhựa nguy hiểm ra môi trường.  

Bà nội trợ mách cách đơn giản giúp giảm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần - 3

Có nhiều cách để giảm thiểu rác thải nilon, nhựa dùng một lần. (Ảnh: Trịnh Tiến Dũng).

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc sử dụng nhựa dùng một lần tại 9 tỉnh của Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon được sử dụng nhiều nhất, với mức độ trung bình 3,5 chiếc/người/ngày, tiếp đến là chai nhựa trung bình 1 chai/người/ngày, ống hút 0,7 chiếc/người/ngày, hộp xốp 0,6 chiếc/người/ngày. Khu vực đô thị tiêu dùng nhiều túi nilon hơn khu vực nông thôn.  

Các nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy, mỗi năm Việt Nam phát sinh hơn 20 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 10% là chất thải nhựa. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa "ô nhiễm trắng" mà các chuyên gia môi trường đã nói.

Bà nội trợ mách cách đơn giản giúp giảm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần - 4

Nhiều người hình thành thói quen không sử dụng túi nilon khi đi chợ. (Ảnh: T. T. D).

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia, các cơ quan ban ngành, tổ chức môi trường trong nước và quốc tế đang kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng sản phẩm từ nhựa và túi nilon.

Mỗi người có thể bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng thay thế chúng bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần…

Bên cạnh đó, tái sử dụng là một giải pháp hay được khuyến khích. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo.