Gia Lai

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa

(Dân trí) - Chỉ với những bó lá sắn và một cái rổ nhựa, mỗi buổi sáng, chiều những đứa trẻ làng Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) có thể xúc được vài kg cua đồng, nếu gặp may thì có thể lên đến cả chục kg cua.

Khi mùa mưa xuất hiện ở cao nguyên đất đỏ bazan cũng là lúc những con mương, con suối và bạt ngàn cánh đồng lúa lại đầy ắp nước. Những động vật thủy sinh đua nhau lớn và sinh sản. Vì vậy, chỉ chừng sau hơn 1 tháng mưa xuất hiện, khắp các chợ ở TP Pleiku lại có rất nhiều “đặc sản” tôm, cua, cá đồng bán với giá rất rẻ so với nhiều nơi trên cả nước. Đặc biệt là cua đồng, được bà con nông dân J’Rai bán “tràn ngập” khắp chợ với giá từ 20-30 nghìn đồng/kg.

Đây là món ăn rất được nhiều chị em nội trợ ưa thích, nên dù được bán rất nhiều, nhưng đến cuối buổi chiều thì những chậu cua cũng được bán sạch trơn. Chị Lê Thị Lan (phường Hoa Lư, TP Pleiku) chia sẽ: “Chỉ cần nửa kg cua với 1 bó rau đay thì không có món canh nào có thể ngon hơn được, vừa rẻ lại rất bổ dưỡng nên tôi hay mua về làm cho gia đình mình ăn. Đọc báo chí tôi thấy ở các tỉnh khác bán cả trăm nghìn 1kg, tôi cũng giật mình, nếu giá đó chắc thèm lắm tôi mới dám mua về ăn, mà không biết có hóa chất không, chứ ở đây là cua sạch 100%”.

Để minh chứng cho cua sạch 100% “made in Pleiku”, chúng tôi có dịp theo chân một số đứa trẻ làng Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku) đi “săn” cua trên con mương và con suối chạy quanh làng.

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 1

Mỗi buổi chiều, Miên lại gùi lá sắn ra cánh đồng lúa để nhử mồi, xúc cua

Vào mỗi buổi chiều không mưa, khoảng 15h, Rah Lah Hoan (11 tuổi) và Ksor Miên (13 tuổi) lại gùi những bó lá sắn ra 2 con mương và suối ở khu vực ruộng lúa nước của làng. Khi ra đến mương nước, Miên dùng mỗi bó lá sắn dúi vào sát bờ mương, rồi bẻ cành cây nhỏ cắm vào bó lá sắn cho cố định để không bị nước cuốn trôi. Cứ cách khoảng 2m, Miên lại cắm 1 bó lá sắn như vậy. Cắm được khoảng 500m dọc 2 bờ mương thì lá sắn hết, Miên và Hoan quay về nhà bẻ tiếp lá sắn và lần này 2 cậu bé mang lá sắn sang con suối bên cạnh để cắm.

Sau khi cắm xong lá sắn ở suối, 2 cậu bé mang rổ quay lại con mương để bắt đầu xúc cua. Miên khéo léo luồn chiếc rổ nhựa xuống phía dưới bó lá sắn, rũ rũ lá sắn rồi đưa rổ lên khỏi mặt nước, và cắm lại bó lá sắn như cũ. Mẻ đầu tiên, Miên xúc được 5 con cua, rồi bắt cua bỏ vào túi xách Hoan đang cầm. Cứ như vậy, có mẻ Miên xúc được hơn cả chục con cua, nhưng có mẻ lại không có gì.

Đến khoảng 18h, 2 cậu bé xách túi cua về, tắm rửa, rồi ăn cơm. Túi cua được mẹ của Miên đổ vào 1 cái xô nhựa, rồi đậy rổ lên trên cho cua đỡ bò ra ngoài.

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 2

Mẻ cua đầu tiên Miên xúc được

Sáng hôm sau, chị É- mẹ Miên mang ra chợ phường Hoa Lư cân bán. Chiều qua, 2 cậu bé xúc được 2kg cua, và sáng nay chị É bán được 60 nghìn đồng. Chị É chia cho mẹ Hoan 30 nghìn đồng, chị giữ lại 30 nghìn đồng tiền công của con trai mình.

Miên cho biết, em đã nghỉ học được 3 năm nay, do ở lại lớp nhiều quá nên Miên không muốn đi học nữa. Hiện giờ Miên ở nhà phụ giúp gia đình, mỗi buổi chiều Miên ra suối xúc cua, ngày nào may mắn thì được cả gần chục kg cua, ngày ít cũng được 2kg. “Đi xúc cũng vui, cháu không thấy mệt hay gì cả. Xúc cua bán có tiền nên mẹ cũng mua đồ ăn ngon về cho cả gia đình ăn”, Miên vui vẻ chia sẽ.

Cũng giống như Miên và Hoan, vào buổi sáng và buổi chiều, dọc 2 con mương và suối ở khu vực cánh đồng lúa của làng Ốp, nhiều đứa trẻ tranh thủ được nghỉ 1 buổi học để đi xúc cua phụ giúp gia đình, khiến cánh đồng lúc nào cũng rôm rả.

Khi được hỏi về hóa chất dùng cho cua, những người bán cua ai cũng cười và tỏ ra khó hiểu: “Cua con mình xúc về đi bán, con nào chết thì bỏ, sống thì bán, mình không biết hóa chất gì mà bỏ vào cua”.

Hình ảnh 2 cậu bé vất vả bắt cua đồng:

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 3

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 4

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 5

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 6

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 7

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 8

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 9

 

Theo chân những đứa trẻ “săn” cua đồng mùa mưa - 10

 

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm