Thảm họa câu view: Nhảy múa ở nơi linh thiêng, livestream lễ tang nghệ sĩ

Minh Nhân

(Dân trí) - Đám đông livestream lễ tang NSƯT Vũ Linh, 4 cô gái nhảy nhót phản cảm tại nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni,... khiến cộng đồng bức xúc, lên án dữ dội.

Livestream đám tang nghệ sĩ, nhảy nhót phản cảm ở chùa

Ngày 12/3, mạng xã hội lan truyền đoạn video 4 cô gái uốn éo, nhảy nhót phản cảm trên nền nhạc sôi động tại chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Việt Yên xác định đoạn video được đăng tải từ ngày 10/3 trên các nền tảng mạng xã hội. Qua xác minh, chủ tài khoản là T.T.G. (38 tuổi, trú TP Bắc Giang). Người này sau đó đã gỡ các video trên trang cá nhân của mình.

Theo Công an huyện Việt Yên, các cá nhân quay video nhảy múa phản cảm tại vườn tháp (chùa Bổ Đà) và đăng lên các trang mạng xã hội đã gây bức xúc cho người dân.

Thảm họa câu view: Nhảy múa ở nơi linh thiêng, livestream lễ tang nghệ sĩ - 1

4 cô gái uốn éo, nhảy nhót phản cảm trên nền nhạc sôi động tại nơi linh thiêng (Ảnh cắt từ video).

Trước đó, trong bốn ngày tang lễ NSƯT Vũ Linh (6-9/3), hàng chục YouTuber, TikToker tập trung đông đúc, hướng thẳng điện thoại vào tang lễ để quay phim, liên tục livestream (phát trực tiếp) và bình luận.

Tranh thủ sự quan tâm của dư luận, những video về tang lễ "ông hoàng cải lương" thu hút lượt truy cập lớn. Nhiều video có tựa đề phản cảm như: "Hãi hùng cảnh hàng ngàn đóa hoa tang phủ kín lễ di quan đám tang nghệ sĩ Vũ Linh"; "Trực tiếp cảnh hạ huyệt, chôn cất Vũ Linh"; "Đêm ca nhạc cực hoành tráng tại tang lễ Vũ Linh"...

Một số tài khoản còn đưa thông tin sai lệch, cắt ghép hình ảnh khiến gia đình NSƯT Vũ Linh và cộng đồng vô cùng bức xúc.

Thảm họa câu view: Nhảy múa ở nơi linh thiêng, livestream lễ tang nghệ sĩ - 2

Streamer xuất hiện tại lễ viếng NSƯT Vũ Linh hôm 6/3 - ngày đầu tiên của lễ viếng (Ảnh: Nam Anh).

Đây không phải lần đầu người làm nội dung trên các nền tảng như YouTube, Facebook hay TikTok bị chỉ trích liên quan đến nội dung bẩn và độc hại.

Đã có thời gian, một loạt trào lưu bị xem là "rác văn hóa" và tạo ra hiệu ứng dây chuyền tràn lan trên mạng xã hội, như: nhún nhảy khi máy bay đang di chuyển, ngồi xổm trên băng chuyền ở sân bay, cài điện thoại ở cửa sổ máy bay, vén áo lắc hông trước màn hình,…

Công thức câu view chung của họ là sử dụng chiêu trò và bất chấp thị phi để được nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng chỉ vì sự "nổi tiếng ảo" đó, mà không ít người bị xử phạt hành chính, chịu hậu quả nặng nề.

Cuối tháng 11/2022, chủ tài khoản TikTok Nờ Ô Nô (tên thật Phạm Đức Tuấn, 26 tuổi) bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng. Tuấn đã đăng tải các video chứa nội dung câu view, có lời lẽ miệt thị người khác như: "nghèo mà còn chê đồ ăn nữa", "phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?",…

Làm việc với cơ quan chức năng, Tuấn thừa nhận "đã bất cẩn lời nói dùng với người già, neo đơn", không phù hợp với đạo đức gây ảnh hưởng người khác và dư luận.

Thảm họa câu view: Nhảy múa ở nơi linh thiêng, livestream lễ tang nghệ sĩ - 3

TikToker Nờ Ô Nô gây bức xúc dư luận vì có lời lẽ bỡn cợt, miệt thị cụ bà vô gia cư (Ảnh chụp màn hình).

Cuối tháng 8/2022, TikToker Hoàng Minh bị phạt 10 triệu đồng vì nội dung nói xấu người miền Trung. Năm 2020, Hưng Vlog phải nộp tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông và lấy cắp tiền trong heo đất.

Gần đây nhất, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã xử phạt 5 triệu đồng đối với T.T.G. về hành vi đăng tải nội dung, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục. 

Dọn "rác độc hại" trên mạng xã hội

PGS.TS. Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam phân tích, tình trạng đám đông đeo bám, đưa tin câu view tại đám tang NSƯT Vũ Linh xuất phát từ hiệu ứng FOMO (viết tắt của Fear of missing out - nỗi sợ bỏ lỡ tin tức).

Mỗi khi xảy ra sự kiện nổi bật, đám đông kéo đến đưa tin, duy trì mức độ chú ý của công chúng trên tài khoản mạng xã hội của mình.

"Bất cứ ai sử dụng mạng xã hội cần tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng, giữ đạo đức, sự chuyên nghiệp và tử tế", ông Nam khuyến cáo. 

Tại Hội thảo Văn hóa tháng 12/2022, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc quản lý, xử lý nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không còn quá khó khăn khi Việt Nam đã thay đổi nhận thức và một số thể chế, chính sách đã hoàn thiện.

Theo ông Lâm, Việt Nam không thể cấm tuyệt đối các nền tảng mạng xã hội, song gặp khó khăn kéo toàn xã hội cùng thực hiện, cùng nhận biết đâu là "rác", đâu là thông tin độc hại để ứng xử phù hợp. 

Ông Lâm cho hay, các cơ quan chức năng đã có những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn thông tin xấu như xử phạt, gỡ nội dung,... Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc, không đợi thông tin độc hại tràn lan trên mạng xã hội rồi mới "dọn rác".

Trong báo cáo minh bạch quý III/2022, TikTok cho biết Việt Nam nằm trong số 50 thị trường có số video bị xóa cao nhất, với khoảng 2,3 triệu video đã bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách cộng đồng.

Thảm họa câu view: Nhảy múa ở nơi linh thiêng, livestream lễ tang nghệ sĩ - 4

Nữ TikToker nổi tiếng gây tranh cãi với trào lưu cài điện thoại ở cửa sổ máy bay (Ảnh cắt từ video).

So với Facebook hay YouTube, hiện TikTok có sự lan truyền mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam, do người dùng chủ yếu còn trẻ tuổi.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhận định, ngoài những bằng chứng về nguy cơ gây nghiện, bị theo dõi thu thập thông tin, bị bắt nạt hoặc quấy rối, thì việc nở rộ những trào lưu độc hại và nhảm nhí cũng là một vấn đề lớn trên TikTok.

Theo ông Nam, trên thực thế, các trào lưu TikTok đã vượt ra khỏi những động tác vũ đạo đơn giản và nâng cấp thành những trò đùa, các tình huống trêu chọc.

Mặc dù phần lớn các nội dung trên nền tảng này có tính sáng tạo cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều trào lưu nguy hiểm, nhảm nhí gây phiền cho người khác chỉ nhằm mục đích câu view.

"Nhiều người dùng mạng xã hội có hành vi không phù hợp, vi phạm nguyên tắc, gây ảnh hưởng đến những người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp khác. Những người theo đuổi nội dung 'sạch' cần nhận thức không chỉ tạo nội dung hay và thú vị, mà còn phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ danh xưng nghề nghiệp của mình", ông Nam nói.