Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19

Ngọc Linh

(Dân trí) - Không cầu kỳ mâm lễ, không tụ tập đông người,… dịch bệnh đã khiến ngày ông Công ông Táo năm nay của gia đình anh Hà, chị Giang (Hà Đông, Hà Nội) có nhiều sự thay đổi.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 1
Chị Giang tranh thủ đi chợ từ sớm tinh mơ để tránh đông người.

Ngay từ sáng sớm, chị Trần Phương Giang (Hà Đông) đã tất bật tranh thủ đi chợ vì lo sợ đông người. Mọi năm để chuẩn bị cho lễ ông Công ông Táo gần như phải chuẩn bị trong nhiều ngày. Nhưng năm nay vì dịch bệnh nên việc đi chợ sắm lễ lạt cũng tiết kiệm hơn.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 2
Bộ ông Công ông Táo và cá chép vàng là những lễ vật không thể thiếu trong ngày này.

Thường vào dịp cuối năm sẽ là lúc để gia đình anh chị mời bạn bè người thân đến ăn bữa cơm cuối năm. Nhưng năm nay hai anh chị quyết định chỉ làm mâm cơm nho nhỏ cho cả gia đình quây quần, tránh tụ tập đông người.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 3
Chị Giang tự tay chọn những bông hoa tươi nhất về để tạ lễ ông Công ông Táo một năm đã qua.

Chị Phương Giang cho biết: "Vì tình hình dịch bệnh nên mọi thứ chi tiêu đều phải hết sức cân đối và tiết kiệm. Lễ lạt không cần cầu kỳ nhưng năm nay không được tươm tất bằng mọi năm. Tất nhiên vẫn phải đủ đầy và thành tâm để mong cho một năm mới sẽ nhiều điều may mắn và thuận lợi hơn".

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 4
Là một họa sĩ, anh Hà rất chu toàn trong việc giữ gìn thẩm mỹ cho không gian cúng bái gia tiên.

So với mọi năm giá cả đồ lễ có phần tăng hơn năm ngoái. Theo chị Giang, mọi năm 20.000 đồng có thể mua được 3 con cá vàng để phóng sinh. Nhưng năm nay, có chỗ bán tới cả 120.000 đồng mới mua được. Biết là giá cả thay đổi là thế song vì phong tục truyền thống nên vẫn mua để đủ đầy lễ vật".

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 5
Những nén hương được đốt lên khiến không gian ngôi nhà cũng trở nên ấm áp.

Ở nhà, anh Ngọc Hà đã chuẩn bị dọn dẹp, sửa soạn lại bàn thờ gia tiên. Vào mỗi dịp ông Công ông Táo anh sẽ dành thời gian tự tay lau từng đồ vật. "Bàn thờ là nơi tụ vượng khí trong gia đình. Mỗi dịp rằm hay đầu tháng gia đình cũng luôn chú ý đến bàn thờ gia tiên. Song dịp cuối năm là quan trọng nhất. Tranh thủ lúc ông Công ông Táo về chầu trời mình tân trang lại bàn thờ để đón tổ tiên và các thần linh trở về đón Tết bên gia đình", anh Hà chia sẻ.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 6
Là chủ gia đình, anh Ngọc Hà thắp hương cúng gia tiên.

Trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo của gia đình anh Hà chị Giang dù không có nhiều món cầu kỳ nhưng vẫn có đủ bộ áo mũ, tiền vàng mã cùng với cá chép.

Là chủ gia đình, anh Ngọc Hà thắp hương cúng gia tiên. Anh Hà cho biết, lễ cúng ông Công, ông Táo thường diễn ra trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp, vì đây là thời điểm Táo quân "bay" về chầu trời.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 7
Nhất định không được quên đeo khẩu trang khi đi thả cá, đây có lẽ là điều thay đổi đặc biệt nhất trong dịp ông Công ông Táo vì dịch bệnh.

Khi hết một tuần hương, vợ chồng anh Hà cùng thu dọn vàng mã trên bàn thờ để đem hóa vàng. Sau khi hóa vàng hai bố con anh Hà đem cá ra một hồ nước gần nhà để phóng sinh. Hai bố con không quên đeo khẩu trang cẩn thận để đảm bảo giữ gìn sức khỏe chung của cộng đồng. Hoạt động phóng sinh cũng diễn ra hết sức nhanh chóng để tránh đông người.

Tết ông Công ông Táo của một gia đình Hà Nội thời Covid-19 - 8
Một năm 2020 đầy biến động đã qua, thành tâm cảm tạ các vị thần linh đã giúp gia đình luôn bình an, khỏe mạnh.

Vừa tiễn ông Công ông Táo về trời anh vừa cầu khấn cảm tạ một năm nhiều thuận lợi, mong các thần linh sẽ lại tiếp tục phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn và đặc biệt giữ gìn sức khỏe trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng trở lại.