Tạp hóa kỳ lạ: Mua 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, chủ quán vẫn vui vẻ bán
(Dân trí) - Ở tạp hóa đặc biệt này, khi muốn mua gì khách hàng phải tự mang theo chai, lọ, hộp… để đựng sản phẩm. Dù chỉ mua 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, quán vẫn vui vẻ bán.
Cầm hũ, xách giỏ đi tạp hóa "xanh"
Nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), cửa hàng tạp hóa của chị Hồ Hoàng Oanh (sinh năm 1985, đến từ TPHCM) vẫn được khách hàng gọi đùa là "tạp hóa xanh". Bởi, mua hàng ở đây, khách phải tự mang theo túi, chai, lọ để đựng các mặt hàng. Còn đối với chủ quán, lợi nhuận của cửa hàng được tính bằng từng chiếc túi nilon giảm thiểu được.
Bên trong cửa hàng, các quầy bán thực phẩm khô, gia vị, chất tẩy rửa hay chất làm đẹp…. được bố trí khoa học để người mua dễ dàng tìm kiếm, mua sắm. Cửa hàng của chị bày bán gần như không thiếu một thứ gì mà các bà nội trợ cần. Dường như cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ, dịp Tết Nguyên đán 2022, bà chủ mở rộng kinh doanh thêm các mặt hàng trang trí nhà cửa nguyên liệu tái chế.
Vốn là một người yêu môi trường, nhận thấy thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: rác thải đại dương, rác thải nhựa, mất cân bằng sinh thái, trái đất nóng lên, chị Oanh luôn tự nhủ phải làm một điều gì đó.
"Người ta có hoài bão lớn và làm những việc lớn lao. Còn sức mình nhỏ, mình chọn làm những cách làm nhỏ nhưng tác có tác động bền bỉ, lâu dài và ai cũng có thể làm được đó là giảm rác thải nhựa trong cuộc sống hằng ngày", chị Oanh kể.
Năm 2019, tạp hóa "xanh" của chị ra đời với mong muốn góp phần nhỏ để hình thành thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường trong cộng đồng.
"Cách đây 6-7 năm, các cửa hàng kiểu này trên thế giới rất nhiều. Ở Việt Nam, 2 - 3 năm trở lại đây, cửa thân thiện với môi trường cũng bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội, TPHCM. Từ đó, tôi quyết định khởi nghiệp với một cửa hàng ở Đà Nẵng với mục tiêu giảm lượng rác thải nhựa, bao bì trong cuộc sống hằng ngày", chị Oanh chia sẻ.
Vì khá mới mẻ nên trong khoảng 4 tháng đầu, cửa hàng chỉ bán được cho một vài khách. Nhận thấy người dân chưa quen với việc mua sắm kiểu này, chị Oanh tích cực tham gia các hội nhóm về môi trường, mang gian hàng tại các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá.
Các sản phẩm bày bán đều có mức giá bình dân, chất lượng tốt và có nguồn gốc sạch. Dần dần, mọi người biết đến cửa hàng và trở thành khách quen. Những người ở trong khu phố cho đến những người ở xa hơn chục km … cũng tìm đến mua sắm thường xuyên.
"Người dân mình đã quen với việc đi mua cái gì là bỏ vào túi nilon rồi mang về, họ cảm thấy rất phiền khi phải mang theo chai, lọ để đựng. Vì vậy, khi khách đến mua sắm, tôi cũng chia sẻ thêm về việc hạn chế túi nilon, mua vừa đủ với nhu cầu để không tạo sức ép với môi trường. May mắn là tôi gặp được nhiều người có cùng chung sự quan tâm và họ đều trở thành khách quen", chị Oanh nhớ lại.
Hình thành thói quen mua sắm "xanh"
Hiện, cửa hàng của chị Oanh bán hơn 400 mặt hàng từ thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị) đến hóa mỹ phẩm gia đình (nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt), đồ dùng gia đình (cọ, bàn chải đánh răng, đồ đựng), các loại hương liệu…
Nếu muốn mua gì, khách hàng chỉ cần mang theo túi, chai, lọ… đến để đổ đầy, rồi thanh toán tiền. Những khách hàng đến tiệm lần đầu hoặc quên mang theo đồ đựng, chị Oanh tặng một chiếc hũ đựng.
"Tôi còn khuyến khích mọi người mua vừa đủ dùng. Khách hàng muốn mua chỉ là 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, 10g tiêu… tôi cũng bán vì nếu họ mua cả gói, nhưng lại không dùng hết, phần thừa còn lại sau khi hết hạn phải đem vứt rất lãng phí. Tôi mong muốn mọi người hình thành thói quen tiêu dùng vừa đủ, để giảm gánh nặng với môi trường", chị Oanh chia sẻ.
Ngoài ra, chị Oanh cũng lựa chọn kỹ các nhà cung cấp chấp nhận đóng gói lượng lớn sản phẩm để giảm thiểu bao bì hoặc tái sử dụng các can nhựa, thùng đựng sản phẩm. Dần dà, nhiều khách quen của chị mang những hũ thủy tinh, chai, lọ sạch không dùng tới đến "góp" để cho những khách hàng khác quên mang đồ đựng dùng.
Phía trên căn gác lửng của cửa hàng, chị Oanh bố trí để khu để quần áo, đồ dùng tái sử dụng. Bất kì ai có đồ dùng, quần áo cũ không còn sử dụng, có thể mang đến bỏ ở đó để những người cần đến lấy.
Khoảng sân xanh mướt của tạp hóa cũng được bố trí một khu vực làm điểm tập kết rác thải nhựa. Mỗi cuối tuần, chị Oanh vận chuyển lượng rác thải nhựa thu gom được xuống nhà máy ép rác thành tấm vật liệu ở Hội An.
Là khách quen của cửa hàng chị Oanh, bạn Đỗ Thị Phước Tiến (22 tuổi, ở TP Hội An, Quảng Nam) thường xuyên ghé cửa hàng để mua sắm. Dạo một vòng quanh cửa hàng, Tiến lấy trong ba lô ra 2 - 3 lọ thủy tinh nhỏ để các loại hạt rồi thanh toán.
"Ở Hội An, em cũng thường mang theo các loại chai lọ, túi đi để mua hàng và từ chối các loại túi ni lông. Khi ra Đà Nẵng làm việc, em vẫn giữ thói quen đó. Sau khi tình cờ biết đến cửa hàng này, em trở thành khách "ruột" và thường xuyên mua sắm ở đây", Tiến kể.
Nguyễn Tri