Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng "nổi tiếng bất đắc dĩ" vì ngủ gật ở TPHCM

Mộc Khải

(Dân trí) - Bán bánh tráng trộn ở lề đường lúc đêm muộn, bà Cúc mệt mỏi nên ngủ gật. Nào ngờ, hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội, khiến bà bất ngờ... nổi tiếng.

Nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật

Dưới ánh đèn hiu hắt ở đoạn giao giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Cao Thắng (quận 3, TPHCM), một người phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn vẫn ngày ngày cặm cụi bên gánh hàng rong lỉnh kỉnh bánh tráng, khô bò...

Đó là bà Lê Thị Cúc (SN 1965) - người gốc Bình Định vào TPHCM mưu sinh khoảng 10 năm nay. Cách đây không lâu, bà Cúc bất ngờ được nhiều người biết đến nhờ đoạn clip vừa trộn bánh tráng cho khách vừa ngủ gật, được lan truyền trên mạng xã hội.

Bán bánh tráng trộn nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật (Thực hiện: Vy Vy).

Khi phóng viên Dân trí nhắc lại chuyện này, người phụ nữ U60 cười lớn vì ngại ngùng. Bà nói thời điểm đoạn clip xuất hiện, ai gặp cũng trêu bà khiến bà thấy xấu hổ.

Bà kể: "Hôm đó tôi có bệnh trong người, uống thuốc cho khỏe để bán hàng nhưng bị thuốc làm cho buồn ngủ. Bán hàng đến 0h30, tôi mệt quá nên thiếp đi một chút. Nào ngờ khách hàng quay phim tôi, rồi đoạn clip đó lại truyền đi khắp nơi (cười)".

Hôm sau, khi đến cổng Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM (quận 3) bán hàng như thường lệ, bà Cúc được các điều dưỡng - khách quen của bà - cho xem đoạn clip, rồi trêu rằng "từ nay bà nổi tiếng rồi".

"Tôi ngượng đỏ mặt luôn", bà Cúc vừa nói vừa cười không ngớt.

Không chỉ vậy, nhiều người quen, bạn bè cùng bán hàng với bà cũng xem được đoạn clip trên, ai gặp bà cũng hỏi han. Các cháu của bà Cúc ở Bình Định khi gọi vào thăm, cũng thích thú khoe rằng đã thấy được bà trên mạng.

Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật ở TPHCM - 1

Đoạn clip bà Cúc ngủ gật khi đang bán bánh tráng trộn từng lan truyền trên mạng xã hội (Nguồn: Đặng Bảo Trí).

Bà Cúc cũng cho biết từ lúc bất đắc dĩ nổi tiếng vì... ngủ gật, bà buôn bán khấm khá hơn trước, khách mua bánh tráng trộn dường như đông hơn. Ai đến, bà cũng nửa đùa nửa thật dặn dò rằng: "Quay phim lúc cô thức, đừng quay lúc cô ngủ nữa nha".

Chị Trịnh Vũ Ngọc Thảo (SN 2000, quận 3) - khách quen đã ăn bánh tráng ở gánh hàng của bà Cúc hơn một năm qua - cho biết, chị thấy chuyện bà Cúc ngủ gật khi đang trộn bánh tráng nhiều "như cơm bữa".

"Có thể do bà thức khuya, dậy sớm nên thiếu ngủ. Ghé vào mua hàng thấy bà ngủ, tôi gọi dậy hoài. Bà bán bánh tráng rất ngon, lại cho thêm nhiều thứ. Tôi không ăn cái này, bà sẽ cho thêm cái khác.

Tôi thích bánh tráng của bà và rất quý bà. Vậy nên dù bà trộn bánh tráng có phần chậm, nhưng tôi vẫn gắn bó với gánh hàng của bà cả năm qua", chị Thảo cho hay.

Ngày 4 cuốc xe ôm với gánh hàng rong

Mỗi ngày, bà Cúc lại đặt gánh hàng rong cùng vài chiếc ghế ở lề đường. Có khách ghé vào, bà lại thoăn thoắt cho bánh tráng, xoài, muối, khô bò... vào chiếc thau nhỏ rồi trộn đều tay.

Bịch bánh tráng có 4 quả trứng cút cùng nhiều loại nguyên liệu trộn lẫn hấp dẫn, giá chỉ 20.000 đồng. Lúc khách đông, bà Cúc tất bật, "vật lộn" với thau bánh tráng vẫn không kịp, nhưng cũng có lúc bà ngồi đợi mãi khách chẳng ghé vào.

Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật ở TPHCM - 2

Bà Lê Thị Cúc từ Bình Định vào TPHCM buôn bán gần 10 năm nay (Ảnh: Mộc Khải).

"Ban đầu tôi bán xoài, cóc, về sau mới bán bánh tráng trộn. Ngày xưa còn khỏe, tôi gánh bánh trái đi quanh thành phố, đi lạc cũng cố đi, bán không được vẫn cố bán chứ không dám bỏ. Còn bây giờ lớn tuổi hơn, tôi chỉ có thể ngồi lại một chỗ bán cho đỡ mệt", bà Cúc nói.

Hằng ngày, tầm 15h, bà Cúc đi xe ôm từ nhà trọ đến trước Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM bán bánh tráng trộn. Đến tầm 19h, bà lại mang gánh hàng đến ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cao Thắng bán đến hơn 12h mới ra về.

Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật ở TPHCM - 3

Điểm bán quen thuộc của bà Cúc là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Cao Thắng (Ảnh: Mộc Khải).

Cứ như thế, mỗi ngày bà Cúc đi làm bằng 4 cuốc xe ôm, hết 80.000-90.000 đồng. Bà nói người chạy xe ôm là mối quen, đã "hợp tác" với bà hơn một năm nay.

Đi bán về muộn, nhưng 7h bà Cúc đã thức dậy để đi chợ, mua nguyên liệu làm gia vị cho bánh tráng. Tự tay bà rang đậu phộng, luộc trứng, phi hành... Bà nói nhờ ở gần chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM), nên bà có thể tự di chuyển, tự lấy hàng hóa, bánh trái để bán.

Bán ế, bị cướp vẫn bám trụ với nghề

Nhiều năm rong ruổi ở các nẻo đường trong thành phố, bà Cúc nói buôn bán tùy lúc, bởi nắng mưa không lường trước được. Có hôm may mắn bà bán được nhiều bánh tráng, cũng có hôm sáng gánh hàng đi, tối gánh hàng về nhưng không lời được bao nhiêu.

Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật ở TPHCM - 4

Hằng ngày, bà Cúc dậy sớm đi chợ, tự tay làm nguyên liệu trộn bánh tráng (Ảnh: Mộc Khải).

Thời gian qua, nhờ có chỗ ngồi cố định, việc buôn bán của bà Cúc ổn định hơn xưa rất nhiều. Bà kể lúc mới bắt đầu gánh hàng bán quanh chợ Bàn Cờ (quận 3, TPHCM), bà bị kẻ gian cướp hết hàng hóa.

"Cũng có nhiều người ở quê vào TPHCM bán hàng nhưng thấy cực, nhớ nhà, bán không nổi nên lại về quê, còn tôi quyết tâm bám trụ với nghề vì cuộc sống mưu sinh. Bây giờ, chỉ những hôm nào mưa gió, tôi mới lo. Trời nổi gió là tôi nắm chặt gánh hàng, sợ gió thổi bay (cười)", bà tâm sự.

Hằng ngày, bà Cúc đi bán đến hơn 1h sáng mới về đến nhà. Lúc đó, bà bắt đầu dọn rửa dụng cụ bán hàng, tắm giặt rồi trò chuyện giải khuây với những người bạn hàng ở chung, đến 3h mới đi ngủ.

"Hồi mới vào TPHCM, tôi ở tập thể với rất nhiều người. Bây giờ, chỗ trọ của tôi chỉ còn 7 người ở chung với nhau, ai cũng bán hàng nên đến tối mới ngồi lại tâm sự. Mỗi tháng, tiền thuê trọ là 7 triệu đồng, chúng tôi chia ra mỗi người 1 triệu đồng", bà nói.

Tâm sự của bà cụ bán bánh tráng nổi tiếng bất đắc dĩ vì ngủ gật ở TPHCM - 5

Ở tuổi xế chiều, người phụ nữ U60 vẫn kiên trì làm việc (Ảnh: Mộc Khải).

Sống xa quê hương, nhiều lúc bà Cúc cũng nhớ nhà, nhớ con cháu. Nhưng được làm việc mỗi ngày, gặp gỡ nhiều người, nhất là những học sinh, sinh viên thích ăn bánh tráng của bà, bà lại thấy vui hơn.

Bà Cúc có 2 con, 1 trai và 1 gái đang sống ở quê. Khoảng 2-3 tháng bà lại mua vé xe về quê một lần, ở lại hủ hỉ với con cháu gần cả tháng mới trở lại TPHCM buôn bán tiếp.

"Khi nào không bán được nữa, tôi về quê tìm việc khác. Nhưng chuyện tương lai tôi chưa tính tới, bây giờ còn sức khỏe để làm việc mỗi ngày là tôi thấy mừng rồi", bà Cúc cho hay.