Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ

(Dân trí) - Bằng tình cảm sâu nặng, sự tôn kính đối với Bác Hồ, người cựu binh tại Quảng Trị đã dành căn phòng nghiêm trang tại phòng khách để làm nơi thờ Bác Hồ và trưng bày những hình ảnh, tư liệu về Bác.

Mấy chục năm qua, cựu binh Hoàng Chiến Sỹ (65 tuổi, ở thôn Câu Nhi, xã Hải Tân; nay là thôn Câu Hà, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng) dành căn phòng nghiêm trang nhất để thờ Bác Hồ.

Gian phòng thiêng liêng của cựu binh Quảng Trị với Bác Hồ

Ông Sỹ luôn xem đó là không gian thiêng liêng nhất, mang nhiều ý nghĩa vừa thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, vừa để giáo dục con cháu.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 1

Gian thờ Bác Hồ được ông Sỹ bố trí trang nghiêm ở gian giữa.

Gian thờ Bác Hồ được ông Sỹ bố trí khá trang trọng chính giữa nhà. Phía sát tường là biểu tượng lá cờ Tổ quốc nền đỏ, sao vàng. Chiếc bàn thờ được kê cao để đặt tượng Bác Hồ rất trang nghiêm. Bên dưới là câu khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Phía bên trái là biểu tượng lá cờ Đảng, cùng hình ảnh của 3 nhân vật mà ông tôn kính được bố trí ngay ngắn là Lê Nin, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 2

Ông luôn dành sự tôn kính với vị lãnh tụ của dân tộc

Ông Sỹ tâm sự rằng, biết ông luôn tôn kính lãnh tụ, đam mê sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ nên dịp Tết vừa rồi, các con của ông mua tặng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để cho không gian thờ được trang nghiêm hơn.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, căn nhà nhỏ của gia đình ông Sỹ trở thành điểm tham quan thú vị của đồng đội, cũng là nơi tìm hiểu, học tập của các thế hệ trẻ.

Trò chuyện với ông, cảm xúc những năm tháng chiến đấu gian khổ lại ùa về. Với phong cách đậm chất lính, những câu chuyện ông kể trở nên sống động, khiến người nghe say sưa.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 3

Trong căn phòng cũng được ông trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu quý.

Ông Hoàng Chiến Sỹ cho biết, vào năm 1977, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ. Sau đó được biên chế về Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Một thời gian sau, ông và đồng đội tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, đơn vị ông được điều động hành quân ra phía Bắc, chiến đấu ở Lạng Sơn. Lúc này, quân Trung Quốc đã chiếm Lạng Sơn và một số tỉnh biên giới, đơn vị của ông đã đánh bật quân xâm lược ra khỏi biên giới, kiểm soát, làm chủ thế trận.

Năm 1982, ông Sỹ rời quân ngũ, trở về quê hương đảm nhận nhiệm vụ Xã đội trưởng hơn 10 năm, rồi được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 4

Ông Hoàng Chiến Sỹ luôn tự hào mình là người lính cụ Hồ.

Ông Sỹ cho hay, khi làm nhà ông đã làm không gian riêng để thờ Bác Hồ. Ông Sỹ kể: “Hình ảnh Bác Hồ và Lê Nin tôi sưu tầm được sau giải phóng và đưa về đóng khung thờ trong nhà. Suốt mấy chục năm qua, tôi dành trọn căn nhà của mình làm không gian riêng thờ Bác Hồ và trưng bày các hình ảnh tư liệu về Đảng, về Bác Hồ”.

Trong căn nhà của ông Sỹ nhiều câu thơ, câu nói của Bác Hồ được ông chép lại bằng thư pháp, đóng thành khung treo trang trọng.

Lý giải về việc tại sao không dành gian chính của nhà mình để thờ cúng gia tiên, ông Sỹ nói rằng: “Bác Hồ là vị lãnh tụ mà người người tôn kính. Đất nước có được sự phồn vinh, phát triển, hạnh phúc như hôm nay cũng là nhờ công lao to lớn của Bác Hồ. Tôi có nhà thờ ông bà tổ tiên riêng, cho nên nhà này không thờ ai khác mà chỉ thờ Bác Hồ thôi”.

Nói về lý do lập không gian để thờ Bác Hồ, ông Hoàng Chiến Sỹ tâm sự: “Xuất phát từ tấm lòng tôn quý, nguyện suốt đời học tập và làm theo gương Bác Hồ. Tư tưởng đó đã thấm vào tâm can của người lính cụ Hồ như chúng tôi. Chính vì thế, tôi luôn mong muốn làm nơi thờ tự Bác được nghiêm trang nhất. Là người cựu binh, được mang danh “Bộ đội Cụ Hồ”, mình phải giữ trọn phẩm chất của người lính, người đảng viên”.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 5

Tiểu cảnh về Trung đội anh hùng của Sư đoàn 304.

Ông Hoàng Chiến Sỹ đặc biệt yêu thích chơi cây cảnh. Trong khu vườn nhà ông mỗi cây cảnh đều gắn với sự kiện lịch sử. Ấn tượng nhất là hòn non bộ, có cây đa thân uốn lượn ngang qua 2 đầu một chiếc cầu bắc qua sông. Tiểu cảnh mô phỏng Đài tưởng niệm Trung đội Mai Quốc Ca được xây dựng đầu cầu Thạch Hãn. 

Đây là trung đội anh hùng, trong trận chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, 20 người đối đầu với 3 tiểu đoàn xe tăng, máy bay có pháo binh yểm trợ của quân đội miền Nam, 19 người đã anh dũng hy sinh. Ông Hoàng Chiến Sỹ tự hào khi mình được nhập ngũ và trở thành lính thuộc Sư đoàn anh hùng này.

Gia đình ông Hoàng Chiến Sỹ có nhiều thế hệ tham gia phục vụ kháng chiến. Bố của ông tham gia kháng chiến chống Pháp, anh trai tham gia kháng chiến chống Mỹ, còn ông cũng nhập ngũ vào quân đội và tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Con trai ông Sỹ cũng được ông định hướng vào phục vụ trong quân đội.

Tấm lòng tôn kính của người cựu binh với Bác Hồ - 6

Năm nay, ông Sỹ đã 33 năm tuổi Đảng.

Ông Sỹ có 2 người con trai được đặt tên đậm chất lính, một người là Hoàng Chiến Thắng, người kia là Hoàng Chiến Binh. Người con gái út Hoàng Thị Hằng, được kết nạp vào Đảng từ rất sớm. Các con của ông luôn tự hào về bố mình, dù đã trưởng thành nhưng mọi việc đều tham khảo ý kiến của ông.

Bà Nguyễn Thị Nhuận (60 tuổi, vợ ông Sỹ) nói rằng, mấy mẹ con luôn thấu hiểu niềm đam mê của chồng nên cũng thường xuyên động viên ông.

“Đó là niềm vui tuổi già, như một phần cuộc sống của chồng nên mấy mẹ con luôn ủng hộ ông ấy làm những điều mình cảm thấy thích”, bà Nhuận nói.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm