Sức sống mới… ở xã nông thôn mới
(Dân trí) - Đến xã Hòa Bình các tuyến đường được láng nhựa phẳng phiu. Ẩn hiện trong những vườn cây xanh mát là những ngôi nhà tường mới xây thật khang trang, sung túc. Một miền quê vùng sâu Đồng Tháp Mười, nay đã thay da đổi thịt nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ thị trấn Tràm Chim-trung tâm huyện Tam Nông qua cầu dây văng bắc ngang dòng kênh Đồng Tiến, rồi xuôi theo tuyến lộ 855 để đến xã Hòa Bình-một trong một trong 3 xã của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.
Toàn xã hiện có diện tích tự nhiên hơn 3.212 ha, với 1.212 hộ và 4.733 nhân khẩu. Đa số người dân sống bằng nghề nông và buôn bán... Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Bình đã thực hiện cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Quan 5 năm thực hiện, xã Hòa Bình đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện phân bổ và nhân dân đóng góp tự nguyện hiến đất, di dời nhà cửa-cây cối-vật kiến trúc… thực hiện hoàn thành tuyến đường nhựa Hòa Bình - Phước Xuyên và xây dựng hoàn thành nhiều cầu bê tông cốt thép bắc ngang các tuyên kênh, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Vũ Linh ở ấp 1 cho biết: “Bản thân gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 200m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để thực hiện nâng cấp đường giao thông nông thôn cũng như nâng cấp đê bao để làm lúa 3 vụ. Theo tôi nghĩ việc mình làm cũng vì lợi ích chung của gia đình và xã hội. Có đường láng nhựa bà con đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn giao thông; có đê bao sản xuất lúa an toàn, nâng cao thu nhập cho gia đình… góp phần tạo cảnh quan đẹp cho bộ mặt nông thôn”.
Cuộc sống của đa số người dân trong xã Hòa Bình hiện đã sung túc. Số hộ khá-giàu, trung bình chiếm 93,28%; số hộ nghèo chiếm 6,72%. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Bình đã giúp đỡ được hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Xã đã cơ bản xóa nhà ở tạm bợ…
Hơn hai năm nay, ông Lê Công Chiến (1951) ngụ ấp 1, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông là người tiên phong thực hiện mô hình nuôi thỏ cho thu nhập cao. Ông Chiến đã được Chi Hội Cựu chiến binh xã Hòa Bình xét cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đóng chuồng, mua và thả 20 con thỏ giống (17 con thỏ cái và 3 con thỏ đực) để nuôi. Từ một năm nay, trung bình mỗi tháng, ông Chiến xuất chuồng cho thương lái đặt mua ổn định thường xuyên từ 160 - 200 kg thỏ thịt, với giá từ 50.000đ - 70.000đ//kg, thu nhập được gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Chiến còn bán thỏ giống cho các hộ dân trong và ngoài xã có nhu cầu nuôi. Ông Chiến cho biết: “Nhờ nguồn vốn cho vay kịp thời và ông sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả nên gia đình ông đã cơ bản thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định và bền vững”.
Giống như ông Chiến, anh Lê Hoàng Dũng (1958) ở xã Hòa Bình đã được Đoàn thanh niên xã Hòa Bình xét cho vay 10 triệu đồng để cải tạo 300m2 mặt nước ao cũ cạnh nhà, thiết kế mùng lưới cước nuôi hơn 7.000 con ếch giống Thái Lan và đã thành công. Chỉ hơn 3 tháng chăm sóc, anh Dũng đã thu hoạch được hơn 1,5 tấn ếch thương phẩm, bán giá dao động từ 35.000 - 40.000đông/kg thu nhập trên 51 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình anh Dũng còn lãi hơn 16 triệu đồng.
Hiện tại, anh Dũng đang nuôi 60 cặp ếch bố-mẹ và 12.000 con ếch lứa 45 ngày tuổi (khoảng 6 con/kg) trong các mùng lưới cước đặt trong ao. Anh Dũng hiện đang ép cho đẻ 2 lứa là 12.000 con. Anh còn một lứa 3.000 ếch con đang chuẩn bị thả vào mùng nuôi tiếp. Anh Dũng vui vẻ bày tỏ: “Lứa đầu tiên xuống được 35 ngày tuổi. Trong vòng 20 ngày nữa tôi sẽ xuất chuồng 7.500 con cũng trên 1 tấn. Kế tiếp tháng thứ hai sẽ xuất chuồng tiếp nối trong thời gian này cho tới nước xuống tôi sẽ cho xuất chuồng 3 lứa. Ước lãi 3 lứa này, trừ chi phí các khoản, tôi sẽ lời từ 25 - 30 triệu đồng…”.
Ngoài ra, mô hình Tổ hợp tác dịch vụ máy gặt đập liên hợp của xã đoàn Hòa Bình đang hoạt động hiệu quả, với mỗi vụ lúa khoảng 1,5 tháng, đạt doanh thu trên 360 triệu đồng. Trừ tất cả các khoản chi phí, Tổ hợp tác còn thu lãi trên 136 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 30 thanh niên và cho thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng…
Ông Nguyễn Văn Liệt - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết: “Xã điểm nông thôn mới Hòa Bình, huyện Tam Nông hiện đang được tỉnh Đồng Tháp phúc tra công nhận đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Diện mạo mới của xã hôm nay là sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ xã và bà con nhân dân nơi đây. Nhưng điều chúng tôi vui mừng nhất, không chỉ bộ mặt nông thôn thay đổi mà chính đời sống, kinh tế của người dân được nâng lên rõ nét”.
Trọng Trung