Suất cơm đồng cảm 2.000 đồng ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Nhiều người đến quán cơm 2.000 đồng ở Đà Nẵng chia sẻ, ăn ở đây, họ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đón nhận sự sẻ chia, đồng cảm với người lao động thu nhập thấp.
Khoảng 11h trưa thứ bảy, tại quán cơm Đồng Cảm trên đường Thanh Nghị (quận Liên Chiểu), rất đông người chờ mua suất cơm chỉ với 2.000 đồng. Họ đa phần là những người bán vé số, lao động có thu nhập thấp.
Quán ăn tuy đông nhưng không xô bồ, người đến ăn tự giác xếp hàng để mua, họ vui vẻ nhường nhau từng chỗ ngồi, từng ly nước. Thỉnh thoảng mới nghe lời đề nghị nho nhỏ: "Chị ơi cho em xin thêm xíu cơm!".
Dù là cơm với giá siêu rẻ nhưng các suất ăn này được chuẩn bị rất chu đáo, hấp dẫn. Phần cơm đầy đủ thịt, canh, rau... xoa dịu bớt nỗi nhọc nhằn của những phận đời khốn khó.
Luôn tay phụ giúp tình nguyện viên lau chùi bàn ghế phục vụ bữa trưa, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, người sáng lập quán cơm, cho hay từ nhiều năm qua, các thành viên trong nhóm đã có rất nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người khó khăn.
Các thành viên cũng ấp ủ ý định làm một quán cơm giá rẻ cố định để nhiều người lao động khác có thể ghé đến. Một năm trở lại đây, quán cơm mới thật sự hoàn thành.
Quán bán mỗi tuần 2 ngày, suất cơm bán đồng giá 2.000 đồng và bất kỳ ai cũng có thể đến ăn. Không những vậy, bếp của quán còn phục vụ cơm chay vào ngày rằm và mồng Một âm lịch hàng tháng.
Với những người lao động có thu nhập thấp, đây không chỉ là một quán cơm mà còn là sự đồng cảm, chia sẻ để làm vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.
"Ở đây chúng tôi bán cơm với giá 2.000 đồng, chứ không cho, không tặng!", chị Hoa nói vui và giải thích thu tiền như vậy để mọi người khi đến đều có cảm giác thoải mái, như đang ăn tại một quán cơm bình thường, không phải là một quán cơm từ thiện.
"Ngon, rẻ" là 2 từ ngắn gọn các "thượng đế" nhận xét về quán khi được hỏi. Bà Bùi Thị Tiếp (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) là một trong những người đến sớm để mua cơm. Từ hôm biết đến quán, gánh nặng cơm áo đã bớt đi phần nào với bản thân bà.
Chị Tiếp từ Quảng Ngãi lặn lội ra Đà Nẵng làm nghề mua ve chai để mưu sinh. Để tiết kiệm chi phí, chị ở ghép phòng trọ với 3 người khác. Từ khi quán cơm 2.000 đồng mở, lúc nào chị cũng ghé ăn để tiết kiệm tiền.
"Nếu không có quán cơm này thì mỗi buổi trưa tôi cũng phải tốn 20.000 đồng để ăn cơm, gấp 10 lần ở đây", chị Tiếp thổ lộ.
Còn bà Nguyễn Thị Luận, dù đã 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đạp xe đi khắp các ngả đường Đà Nẵng để mua bán ve chai, nuôi 4 người cháu ăn học.
Bà chia sẻ, cơm ở đây ngon, mà cách bán cũng lạ, mọi người đến gọi cơm, ăn xong thì tự giác bỏ tiền vào chiếc thùng đặt ở góc quán.
Người có ít thì bỏ 2.000 đồng theo đúng giá niêm yết, người có nhiều thì 3.000 đồng, ai không có thì cũng không sao.
"Nhờ những quán cơm này mà những người xa quê kiếm sống như tôi mỗi tuần tiết kiệm được vài đồng", bà Luận thổ lộ và gửi lời cảm ơn đến quán. Bà hy vọng quán sẽ có điều kiện mở rộng hơn nữa cho những người thu nhập bấp bênh như bà được bữa ăn tươm tất.