Sự quái lạ của đám mây đen tựa UFO xuất hiện ở Sầm Sơn

Đám mây rất giống hiện tượng “supercell” nhưng lại không xảy ra mưa to, dông bão hay lốc xoáy.

Clip thực tế sự “hung tợn” của supercell từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới

Nguồn gốc của đám mây kỳ lạ

Vừa qua, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo xoay quanh đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Theo Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa, đám mây đã xuất hiện ở phía Đông Nam thành phố Sầm Sơn từ khoảng 18h ngày 3/8 và di chuyển nhanh về phía Tây Bắc. Nó chỉ tồn tại khoảng từ 7 - 10 phút là tan rã, rồi phát triển thành mây tầng trung.

Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, các trạm khí tượng và radar thời tiết không phát hiện được đám mây này bởi nó là đám mây vũ tích tầng thấp, hình thành và tan đi rất nhanh, không cùng thời điểm quan trắc. Độ cao chân mây khoảng 500 - 600m, màu đen kịt, hình dáng lạ và đã không gây ra thời tiết nguy hiểm như gió mạnh, sét, hay tố lốc hoặc mưa đá. Sau khi đám mây tan thì trời có mưa rào nhẹ, gió Tây Tây Nam cấp 2, cấp 3 (tức 2 - 5m/s).

Tuy nhiên, theo từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia, mây vũ tích là một loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng. Nó có liên quan đến dông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước từ việc mang các dòng khí mạnh từ dưới lên. Mây vũ tích có thể tự hình thành, phát triển từ các đám mây có sẵn hoặc từ các dòng gió mạnh và khí lạnh.


Một số ảnh chụp đám mây kỳ lạ trên bầu trời Sầm Sơn lúc 18h ngày 3/8 do Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

Một số ảnh chụp đám mây kỳ lạ trên bầu trời Sầm Sơn lúc 18h ngày 3/8 do Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

“Loại mây này có khả năng sản sinh tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá và thỉnh thoảng có lốc xoáy. Mây vũ tích được viết tắt là Cb (tức Cumulonimbusc cloud - PV) và thuộc vào họ D2”, trích Wikipedia.

Còn theo thông tin trên trang Thông tin thời tiết Việt Nam của Ban khí tượng - Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam), mây vũ tích là những khối mây tích dầy, đặc có độ phát triển lớn, dữ dội theo chiều thẳng đứng, nhô lên thành hình những trái núi và những ngọn tháp cao nhiều km.

Trang này cho biết thêm, phần trên của mây vũ tích được cấu tạo bởi những tinh thể băng. Nhiều khi chúng có kiến trúc sợi dạng đe hoặc bó hoa. Mây vũ tích thường cho mưa lớn, mưa rào to và có thể kèm theo dông, sấm chớp. Loại mây này nguy hiểm, có thể sinh ra mưa lớn và sấm sét, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của con người.

Biểu hiện của “supercell” hay hiện tượng rất bình thường?

Trong khi đó, theo anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), từ những bức ảnh do người dân và du khách chụp lại có thể thấy đám mây rất giống với hiện tượng “supercell” (tức những trận bão cực mạnh với sấm sét và mưa to; kèm luồng khí đi lên quay rất nhanh và liên tục, thường bắt nguồn từ việc thay đổi vận tốc và hướng đột ngột của gió trong một khoảng không gian nhỏ). Song hiện tượng này rất khó xảy ra với khí hậu tại Việt Nam.


Đám mây dần “biến hình” từ bềnh bồng đẹp mắt sang dạng hình lốc xoáy. (Ảnh: Nguyễn Cường)

Đám mây dần “biến hình” từ bềnh bồng đẹp mắt sang dạng hình lốc xoáy. (Ảnh: Nguyễn Cường)

“Vấn đề lạ với đám mây ở Sầm Sơn là sau khi tan biến, nơi này chỉ xuất hiện mưa nhỏ, không có vòi rồng hay lốc xoáy. Trong khi nếu là “supercell” thì không êm đềm như thế được, bởi nó thường có mưa đá, gió cực mạnh, vòi rồng, sét kèm theo mưa rất to,...”, anh Duy phân tích.

Do đó, để xác định rõ hơn về tên gọi hiện tượng và những tính chất liên quan đám mây nói trên, anh Duy cho rằng cần phải có nhiều ảnh vệ tinh chụp cắt lớp ngay tại thời điểm điểm đó cũng như thông tin về sức gió, hướng gió, độ ẩm,... Về thông tin đó là “đám mây vũ tích”, anh Duy đánh giá: “Định nghĩa như vậy còn rất chung chung, chưa thể làm rõ bản chất hiện tượng, sự việc xảy ra ở Sầm Sơn”.

Ngược lại, một chuyên gia thiên văn học khác tại TP.HCM cho rằng: “Đây chỉ là hiện tượng mây vờn lại thành hình tròn hiếm gặp, thường là do tác động bởi gió ở trên cao. Đôi lúc nó cũng có thể có hình trái tim, hình cầu vòng, hình vẩy rồng,... nên không có gì phải ngạc nhiên cả. Còn “supercell” không bao giờ xuất hiện với khí hậu ở Việt Nam”.

Theo Ngọc Phạm
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm