Sơn La nỗ lực nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Thời gian qua, tỉnh Sơn La triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể.
Đây cũng là nội dung Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Cụ thể, đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Sơn La có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 huyện thoát nghèo (Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ).
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm. Người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng được từng bước cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Sơn La tập trung phát triển trồng, chế biến các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao, hiện nay, tỉnh Sơn La đã được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê, xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn.
Phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những khó khăn, Sơn La xác định một số giải pháp: Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao thông qua việc rèn luyện các kỹ năng cho cả người mới và đào tạo lại các cán bộ, tổ chức; Ứng dụng và quản lý số hóa hiệu quả để tối ưu hóa nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội.
Sơn La cũng chú trọng nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rằng chìa khóa trong việc xóa đói giảm nghèo phụ thuộc vào sự kiên trì của chính những người nghèo. Họ là kiến trúc sư cho số phận của chính mình, sự quyết tâm của họ chính là chìa khóa cho mục tiêu thoát nghèo hiệu quả và giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.