Những đổi thay tích cực ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang
(Dân trí) - Kết quả triển khai chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có tác động tích cực đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh An Giang.
An Giang là tỉnh biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59%, dân tộc Hoa chiếm 0,27%... Do đó, việc phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đang được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang triển khai quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc nhằm đảm bảo các chương trình được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Toàn tỉnh An Giang thúc đẩy phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.
Kết quả triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã có tác động tích cực đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Thoại Sơn) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP Châu Đốc, TP. Long Xuyên); có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt 64,54%), có 29 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn ấp nông thôn mới.
Theo báo cáo ngày 6/11/2023 của UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 năm 2023, đối với Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc, An Giang đã triển khai đầu tư 66 công trình cơ sở hạ tầng và đã hoàn thành 24 công trình, trong đó, huyện Tri Tôn: 15/52 công trình, Tịnh Biên 4/9 công trình, Thoại Sơn 2/2 công trình, An Phú 3/3 công trình.
Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước bằng nguồn vốn sự nghiệp, giải ngân đạt chỉ tiêu nguồn vốn giao.
An Giang phấn đấu hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm. Dự kiến hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 giảm 1% và hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%.