TP.HCM:

“Săn” thực phẩm sạch ăn Tết

(Dân trí) - Trước thực trạng báo động về nạn thịt “bẩn” đang ồ ạt tấn công, người dân đã đổ xô về vùng ven “săn” thực phẩm sạch phục vụ dịp Tết. Hút hàng nhất là loại heo rừng lai F1 được nông dân nuôi tại trang trại trong điều kiện môi trường tự nhiên và rau sạch.

heo5-1454458407799

Thịt heo rừng lai F1 được nhiều người dân lựa chọn vào dịp Tết

Những ngày cận Tết, ông Vũ Đức Hoan (ngụ phường 13, quận Tân Bình) tất bật để lo các đơn đặt thịt heo của giới công chức, văn phòng. Ông Hoan cho biết, “cái duyên” đến với việc bán thịt heo của ông khá tình cờ, ban đầu ông chỉ tính tận dụng khoảng đất trống của gia đình tại huyện Củ Chi để nuôi vài con heo phục vụ nhu cầu của gia đình dịp Tết.

“Tôi chỉ tính nuôi vài con để chia cho người thân ăn Tết nhưng do nuôi quá tay nên phải bán bớt chứ để heo to quá thịt không ngon. Mấy ngày qua, tôi chủ yếu cung cấp thịt heo sạch cho bạn bè thân thiết và giới công chức đặt hàng từ trước. Heo gia đình nuôi nên tôi chăm khá kỹ, không dùng bất cứ chất tăng trọng nào, chỉ để heo ăn uống trong môi trường tự nhiên nên thịt đảm bảo chất lượng” - ông Hoan chia sẻ.

Do không có ý định kinh doanh nên giá heo hiện nay ông bán ra “khá mềm”, heo hơi là 110.000 đồng/kg và heo thịt sẵn là 170.000 đồng/kg. Ngoài việc heo đảm bảo nguồn gốc, nhiều người còn tìm đến đặt heo nguyên con ở chỗ ông Hoan là dịch vụ làm sẵn heo theo yêu câu của người mua.

Anh Tuấn Anh (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Năm nay gia đình cúng tất niên, tôi chỉ cần đặt một con heo khoảng 20kg, chế biến được 5,6 món, hai đùi sau sẽ để ăn dần. Heo rừng lai ít mỡ, thịt chắc lại được nuôi trong môi trường tự nhiên, địa điểm nuôi heo mình biết rõ ràng nên rất yên tâm. Ngày tết, nhu cầu thực phẩm của mỗi gia đình tăng cao nên vấn đề chúng tôi quan tâm nhất vẫn là an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Ngoài “săn” thịt sạch, người dân thành phố còn chuẩn bị nguồn rau sạch phục vụ cho bữa ăn ngày Tết. Lo ngại về nhiều loại rau củ quả không đảm bảo vệ sinh và liên tục tăng giá “chóng mặt”, nhiều người dân đã tận dụng các khoảng trống trước nhà, ban công, sân thượng…để trồng rau tự phục vụ gia đình, bán cho hàng xóm.

Nhìn vào căn nhà 3 tầng nằm ngay trên đường Trần Quý Khoách (quận 1), ít ai tưởng tượng ra trên sân thượng của tòa nhà này lại có một vườn rau củ quả xanh mướt. Bầu, bí, mướp đắng, dưa leo…được trồng thành hàng ngay thẳng.

Dàn mướp đắng trên sân thượng nhà ông Nghĩa cho quả phục vụ dịp Tết
Dàn mướp đắng trên sân thượng nhà ông Nghĩa cho quả phục vụ dịp Tết

Ông Trần Chánh Nghĩa (63 tuổi, chủ nhà) cho biết: “Trước tình trạng rau xanh kém vệ sinh, có hàm lượng hóa chất cao xuất hiện càng nhiều ngoài chợ nên vợ chồng tôi tận dụng khoảng trống trên sân thượng trồng một số loại rau, quả. Vừa đảm bảo cho sức khỏe lại có thể tạo ra những món ăn ngon ngày Tết”.

Quy trình trồng vườn rau xanh trên sân thượng được ông Nghĩa mô phỏng, đầu tiên ông dùng trấu đen, phân chuồng trộn chung rồi đem ủ khoảng 1 tháng. Sau đó đổ ra cho thêm bánh dầu, lân trộn đều ủ thêm 15 ngày thì đổ vào các chậu, gieo giống, trồng cây. Hiện vườn rau trên sân thượng của ông Nghĩa gồm có: Bí chuông, cà tím, mướp đắng, bí đao, rau xanh…bên cạnh đó còn có đủ các loại rau thơm như húng quế, rau răm, diếp cá, gừng, mới đây ông Nghĩa còn trồng thêm một số loại rau thiết yếu để “nâng cấp” khu vườn trên sân thượng của mình phục vụ mấy ngày Tết.

“Săn” thực phẩm sạch ăn Tết - 3
Nhiều loại rau quả khác cũng được người dân tự sản xuất
Nhiều loại rau quả khác cũng được người dân tự "sản xuất"

Những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình chậu rau xanh nằm trước ban công, bên hàng rào, thậm chí nằm ngay sát mép đường. Mọi khoảng trống đều được người dân thành phố tận dụng để tự “sản xuất” rau sạch. Trong một con hẻm ở đường Trần Thánh Tông (phường 15, quận Tân Bình), rất nhiều loại rau được trồng trong thùng xốp.

Rau xanh người dân tự trồng
Rau xanh người dân tự trồng

Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm sạch, an toàn lại là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi gia đình như hiện nay, nhất là dịp Tết cổ truyền. Thực phẩm sạch, đặc sản sạch không thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách mua, biết cách phân biệt. Chính điều này đã dấy lên phong trào nhà nhà, người người “săn” thực phẩm sạch cho một cái Tết an toàn.

Trung Kiên