Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(Dân trí) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa sâm Ngọc Linh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14/5, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa sâm Ngọc Linh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vùng trồng sâm Ngọc Linh ở các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Don và Trà Vinh, tập trung nhiều ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Sâm Ngọc Linh được trồng tự nhiên dưới tán rừng (Ảnh: Hoàng Thọ).
Chủ thể văn hóa là cộng đồng cư dân thuộc các xã nêu trên gồm 14 cán bộ, hưu trí và người dân trồng sâm làm đại diện.
Sâm Ngọc Linh đang phân bố trên vùng sinh thái hẹp, quanh đỉnh núi Ngọc Linh, dưới các tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận của 3 huyện là Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Vùng sinh trưởng và phát triển của sâm nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh. Ở Quảng Nam, sâm mọc tự nhiên tại núi Ngọc Linh ở độ cao 1.500-2.100m, mọc thành đám dưới tán rừng già dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn, phân bố chủ yếu ở khu vực các thôn của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.
Sâm Ngọc Linh đã được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, đặc biệt là đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, phát hiện từ rất lâu đời, gắn với tập quán đi rừng của bà con.
Theo ký ức của những người lớn tuổi và có kinh nghiệm nhiều năm trồng sâm ở địa phương, các thế hệ trước của họ đã phát hiện ra tác dụng của cây sâm trong những chuyến đi rừng đặt bẫy thú và được lưu truyền lại cho con cháu.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh được mở hàng tháng tại huyện Nam Trà My (Ảnh: Công Bính).
Ông Hồ Văn Rêu (SN 1938, dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn 2 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cho biết, từ khi ông còn nhỏ đã được người thân trong gia đình nói về tác dụng của cây sâm và chỉ dẫn cách sử dụng vào những trường hợp cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1974, trú cùng địa phương) là người có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác và trồng sâm Ngọc Linh. Trước đây khi đi vào rừng, mỗi khi tay chân bị thương chảy máu, họ đào lấy củ sâm nhai và đắp lên vết thương thấy cầm máu nhanh và vết thương nhanh lành...
Trên địa bàn huyện Nam Trà My, từ chỗ chỉ khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm Ngọc Linh, diện tích 65ha năm 2014, đến nay đã phát triển lên 7/10 xã, hình thành nhiều chốt bảo vệ, số hộ trồng sâm tăng lên 533 hộ.
Từ tháng 10/2017 đến nay, huyện Nam Trà My tổ chức các phiên chợ từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng rất hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người trồng sâm, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu mua sâm, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và nhiều sản vật địa phương của du khách.
Tính đến nay, huyện Nam Trà My đã hoàn thiện thủ tục cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 806ha.
Ngoài ra, có 18 công ty, tổ chức thuê môi trường rừng để trồng sâm, với diện tích hơn 341ha, tập trung ở các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang.