Hội An:
Rộn ràng diễn xướng bả trạo trong lễ hội cầu ngư biển Cửa Đại
(Dân trí) - Đến hẹn lại về, từ 16-17/2 (Âm lịch) ngư dân phường Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) lại tổ chức lễ hội cầu ngư với mong ước một năm ra khơi bội thu.
Từ lâu, ngư dân ven biển Hội An đã lập lăng Ông để thờ vị thần của biển cả, đó là thần Nam Hải. Cho đến nay, trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn bảo lưu nhiều lăng thờ cá Ông mà chủ yếu tập trung ở những xã phường ven biển như Cẩm Thanh, Tân Hiệp, Cẩm An...
Gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông là lễ hội cầu ngư. Lễ được tổ chức nhằm tạ ơn biển cả, tỏ lòng thành kính, tri ân với thần Nam Hải, tri ân với thần Nam Hải, các chư thần biển đã giúp đỡ, cứu nạn, qua đó cầu tài cho “tài lộc hanh thông, ngư đa đắc lợi”.
Trong lễ hội cầu ngư, phần lễ được ví như một cuộc tiếp xúc giữa người sống và người chết; phần hội có các diễn xướng gồm hát bả trạo, hát bội…
Sau khi vị trưởng làng thắp nén nhang lên bàn thờ, tiếng trống lệnh vang lên báo hiệu lễ hội cầu ngư bắt đầu. Đoàn cầu ngư chia làm hai ngả, một ngả sẽ đi thỉnh thần núi, thần nông nghiệp; một ngả hướng về biển rước thần Nam Hải, các chư thần biển.
Kết thúc phần lễ, nghinh rước các vị thần về lăng đến chiều sẽ đến phần hội được tổ chức tưng bừng với các làn điệu bả trạo, hát bội,..hào sảng của ngư dân địa phương.
Lễ nghinh thần, lễ tế chính, hoạt động diễn xướng sẽ diễn ra vào 16/2. Sang ngày 17/2 là giải đua thuyền ngang được tổ chức tại mom biển Cửa Đại.
Trong những năm gần đây, lễ hội cầu ngư tại lăng Tiêu Diện (khối Phước Thịnh, làng Cửa Đại) đã được đưa vào một trong những lễ hội nằm trong chương trình các sự kiện văn hóa- du lịch, lễ hội trong năm của Thành phố.
Hát bả trạo tại lăng Tiêu Diện: nội dung ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động của ngư dân giữa biển khơi với giọng hát hào sảng của ngư dân địa phương
Có thể nói, lễ hội Cầu Ngư ở Hội An là lễ hội gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân sống bằng nghề sông nước, là một trong những lễ hội độc đáo, giàu tính nhân văn, cần được bảo tồn và phát huy tốt.
N.Linh