Rau sạch vườn nhà: Trồng cây lấy quả không hề khó

(Dân trí) - Với thùng xốp, chậu cây hay bồn đất nhỏ các gia đình thành phố không chỉ trồng được những loại rau ăn lá thông thường mà hoàn có thể nuôi trồng tốt các loại quả chuyên dùng để chế biến. Trong kỳ này của “rau sạch vườn nhà” xin giới thiệu đến các bạn cách gieo trồng và chăm sóc cà chua, cà tím và bí ngồi.

Rau sạch vườn nhà: Trồng cây lấy quả không hề khó - 1

Sở dĩ lựa chọn ba loại quả này để giới thiệu đến quý độc giả là bởi chúng mang những đặc tính rất phù hợp trong điều kiện nhà phố như năng suất cao, dễ chăm sóc đồng thời chúng đều là những nguyên liệu phổ biến cho bữa cơm hàng ngày của gia đình Việt.

Để cung cấp những thông tin chính xác nhất về cách gieo trồng và chăm sóc những loại cây này, PV Dân Trí đã có buổi trao đổi với Kỹ sư Nguyễn Văn Vĩ hiện đang công tác tại một công ty chuyên về lĩnh nông nghiệp của Hà Lan tại Việt Nam.

Theo những thông tin mà kỹ sư Vĩ chia sẻ thì cà chua, cà tím và bí ngồi là các loại cây có kích thước lớn nên tốt nhất hãy trồng riêng mỗi cây trong một chậu hoặc một thùng xốp. Nếu gia đình bạn sở hữu một khoảng vườn nhỏ hay bồn đất thì có thể trồng chung nhiều cây với nhau nhưng cần đảm bảo mật độ phù hợp. Cụ thể: bí ngồi: cây cách cây 75-100 cm, cà chua và cà tím: cây cách cây 45-90 cm.

Ngoài ra,với ba loại cây này, bạn có thể lựa chọn hình thức gieo từ hạt hoặc sử dụng những cây con đã được ươm để trông trực tiếp. Đặc biệt với cây cà chua, kỹ sư Vĩ khuyên các hộ gia đình nên mua cây con về trồng thay vì gieo hạt để đảm bảo tỉ lệ sống cao.

Với đất trồng, bạn nên sử dụng loại đất đảm bảo được nguồn dinh dưỡng và độ tơi xốp hoặc tốt hơn hết là sử dụng loại giá thể chuyên dùng để trồng cây đã được hướng dẫn ở kỳ trước.

Mùa vụ gieo trồng

Anh Vĩ cho biết: "Nếu gieo trồng các loại cây vào đúng mùa vụ sẽ đảm bảo điều kiện thời tiết thích hợp nhất để cho cây phát triển đồng thời hạn chế được tối đa các loại sâu bệnh hại lên cây trồng”.

Cà chua, cà tím và bí ngồi sẽ sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ khoảng 23-25 độ C. Ngoài ra, vì đều là cây ưa sáng nên yêu cầu thời gian chiếu sáng hàng ngày rơi vào khoảng 6-7 tiếng. Căn cứ vào những yếu tố trên thì có thể phân mùa vụ cụ thể của các loại cây này như sau:

Cà chua: Có ba thời vụ cà chua phổ biến trong năm là vụ sớm (gieo vào tháng 7-8 và thu hoạch vào cuối tháng 10-12), vụ chính (gieo từ giữa tháng 9 sang cuối tháng 10 thu hoạch vào tháng 2 – 3), và vụ muộn (gieo tháng 11 và thu hoạch tháng 3 – 4).


Ảnh do kỹ sư Nguyễn Văn Vĩ cung cấp

Ảnh do kỹ sư Nguyễn Văn Vĩ cung cấp

Cà tím: Thời vụ chủ yếu của cà tím là vụ đông xuân, các hộ gia đình có thể gieo trồng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Vụ hè thu từ tháng 4 – 7.


ảnh: Internet

ảnh: Internet

Bí Ngồi: Trong một năm chúng ta có thể trồng được hai vụ bí ngồi. Vụ chính có thời gian gieo trồng trong khoảng tháng 3-4 còn thời gian vụ trái rơi vào khoảng tháng 10-11.


ảnh: Internet

ảnh: Internet

Chế độ nước tưới

Mỗi loại cây có một đặc tính sinh lý riêng nên cần phải đáp ứng đúng và đủ nhu cầu nước để cây có thể phát triển tốt và đặc biệt là không bị bệnh hoặc chết do thừa nước . “Họ cà và bí là những loại cây chỉ ưa ẩm mà không ưa ướt. Vì vậy chỉ nên tưới nước ở một lượng vừa phải và còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết để tưới. Cụ thể vào những ngày mát trời, độ ẩm không khí cao thì chỉ nên tưới một lần vào buổi sáng hoặc chiều tối. Nếu trời nắng gắt và khô hanh, có thể tăng liều lượng lên hai lần mỗi ngày”- Kỹ sư Vĩ nói


ảnh: internet

ảnh: internet

Phân bón

Về kỹ thuật bón phân cho ba loại cây này, kỹ sư Nguyễn Văn Vĩ nói: “Cà chua, cà tím và bí ngồi là những loại cây lấy quả nên tốt nhất các bạn cần kết hợp bón lót( bón phân vào đất trước khi trồng cây) và bón thúc (bón phân trong quá trình cây đang phát triển).”

Cụ thể: bón lót bằng phân chuồng đã ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để tăng chất dinh dưỡng, độ tơi xốp cũng như khả năng giữ ẩm cho đất. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng phân NPK 5-10-3 trong quá trình bón lót.

Sau khi trồng khoảng 30-35 ngày cần bón thúc bằng phân NPK 12-5-10 hoặc NPK 15-15-15 để cây có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo quả”.

Ngoài ra hàng ngày, ta hoàn toàn có thể sử dụng thêm các loại phụ phẩm trong sinh hoạt như vỏ cà phê, bã chè, vỏ trứng, vỏ trái cây… để bón thêm cho cây.

Minh Nhật