Rau sạch vườn nhà: Cẩm nang trồng nấm tại gia

(Dân trí) - Nấm là một loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày bởi hương vị thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt nấm có chứa một lượng lớn các protein vì thế nó còn được coi là một loại thịt chay.

Trong vài năm gần đây do nhu cầu về nấm sạch tăng cao, nhiều hộ gia đình ở thành phố đã đặt mua các bịch meo nấm mà chủ yếu là của nấm sò từ đại lý hoặc trực tiếp từ xưởng sản xuất để tự chăm sóc và thu hái nấm. Cách làm này vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí vừa an tâm về chất lượng nấm và lại còn là một thú vui sau những giờ làm việc căng thẳng.

Để đáp ứng thông tin cho nhu cầu trồng nấm tại gia của quý độc giả, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với kỹ sư Nguyễn Trọng Tuấn, hiện đang công tác tại Trung tâm Đào Tạo Nghiên Cứu và Phát Triển Nấm trực thuộc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Lựa chọn bịch meo nấm chuẩn

Theo kỹ sư Nguyễn Trọng Tuấn, trên thị trường hiện nay có bán bịch meo của rất nhiều loại nấm sò để mọi người có thể mua về và tự chăm sóc như sò tím, sò trắng, sò hồng, sò vàng… Tuy nhiên với điều kiện của các gia đình ở thành phố thì hai loại nấm sò trắng và sò tím là đáng lựa chọn hơn cả bởi chúng đều là những loại có năng suất cao, dễ chăm sóc cộng với hương vị thơm ngon. Có thể điểm qua đặc tính của hai loại nấm này như sau:

Nấm sò trắng: Sinh trưởng tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ 20-32 độ C. Vì vậy, nó thường được nuôi trồng vào khoảng tháng 3-5 và tháng 8-9. Tránh thời điểm các tháng hè nhiệt độ lên quá cao.


Nấm sò trắng.

Nấm sò trắng.

Nấm sò tím: Đây là loại nấm chịu lạnh nên các gia đình có thể lựa chọn để chăm sóc vào vụ Thu- Đông.


Nấm sò tím.

Nấm sò tím.

Ngoài việc chọn đúng loại nấm các bạn cũng cần chú ý lựa chọn các bịch meo nấm có chất lượng tốt để đảm bảo nấm phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. “Nên chọn các bịch meo nấm căng tròn, không méo mó, sợi nấm màu trắng ăn kín bịch và trên bịch không có các đốm màu lạ”- Kỹ sư Nguyễn Trọng Tuấn nhấn mạnh.

Các bịch meo nấm hiện bán trên thị trường có khối lượng khoảng 1,3-1,5 kg sẽ cho ra trung bình 0,3-0,5 kg nấm sò tím hoặc 0,3-0,8 kg sò trắng trong vòng 2 tháng. Vì vậy với gia đình 4 người, các bạn nên mua khoảng 8- 10 bịch meo nấm là đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Chăm sóc nấm

Qua những chia sẻ của kỹ sư Tuấn về cách chăm sóc bịch meo nấm từ khi mua để cho ra các quả thể nấm thu hoạch được, chúng tôi có thể tóm gọn quy trình gồm những bước sau:

Bước 1: Khi mua bịch meo nấm về cần tìm được vị trí nuôi nấm phù hợp. Bởi vì nấm sinh trưởng tốt trong điều kiện ẩm thấp, ánh sáng yếu nên tốt nhất là đặt chúng vào phòng tắm, phòng để trống hay ban công nhưng cần tránh gió lùa và ánh nắng chiếu trực tiếp.

Bước 2: Sau khi nấm đã được đặt trong phòng nuôi thích hợp, ta cần chờ khoảng 2-3 ngày để các sợi nấm hồi phục rồi tiến hành rạch bịch nhằm tạo những vị trí hở để từ đó các cụm quả thể nấm có thể mọc ra. Trước khi rạch bịch cần chọn vị trí vết rạch nơi bịch căng và không có mô seo( phần đốm màu vàng). Khi rạch, sử dụng dao rọc giấy tạo khoảng 6-8 vết rạch chéo một góc 45 độ, dài khoảng 3 cm sâu 0,5-1 cm. Cần chú ý là các vết rạch so le nhau và nằm dàn đều trên thành bịch nấm.

Rau sạch vườn nhà: Cẩm nang trồng nấm tại gia - 3

Các vị trí mô sẹo (đốm màu vàng) không nên rạch.

Bước 3: trong 5-7 ngày đầu sau khi rạch bịch meo nấm, chỉ cần tưới nước xuống nền phòng nuôi nấm để tạo độ ẩm. Sau đó, khi các mầm quả thể nấm xuất hiện trên vết rạch thì ta mới dùng bình xịt đặt ở chế độ phun sương và tưới nhẹ lên bề mặt trên của các cụm nấm. Mỗi ngày nên tưới nấm 2-3 lần tùy vào điều kiện thời tiết.

Rau sạch vườn nhà: Cẩm nang trồng nấm tại gia - 4

Mầm quả thể nấm xuất hiện trên vết rạch sau 5-7 ngày

Bước 4: Từ khi quả thể nấm bắt đầu nhú ra đến khi thu hoạch là khoảng 72 tiếng. Đặc điểm của nấm đã thu hoạch được là có đường kính mũ nấm khoảng 3-5 cm và phải còn giữ nguyên hình tròn không bị vỡ hay xòe to. Ở trung tâm mũ nấm vẫn còn một vết lõm. Nấm thu hoạch quá sớm hoặc quá muộn sẽ không đảm bảo cả về mùi vị lẫn giá trị dinh dưỡng. Khi thu hoạch nấm, một tay giữ chặt bịch, tay kia cầm ở gốc cụm nấm vặt sạch số nấm ở mỗi vết rạch.


Nấm quá tuổi thu hoạch tai nấm không còn giữ được hình tròn

Nấm quá tuổi thu hoạch tai nấm không còn giữ được hình tròn

Lưu ý: Cần lấy hết phần chân nấm còn bám lại ở vết rạch để tránh chân nấm bị thối ảnh hưởng đến đợt thu hoạch kế tiếp. Sau khoảng 7 ngày nấm sẽ cho ra đợt tiếp theo và ra liên tục như vậy trong vòng một tháng rưỡi cho đến hai tháng.


Khi thu hoạch cần lấy hết cả cụm nấm trên vết rạch

Khi thu hoạch cần lấy hết cả cụm nấm trên vết rạch

Bài và ảnh:

Minh Nhật