Rất ít người tiêu dùng đứng ra tố cáo hành vi vi phạm hàng giả

(Dân trí) - Mặc dù Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng thực tế số lượng người tiêu dùng cộng tác phối hợp trực tiếp với tổ chức, hoặc các cơ sở kinh doanh đứng ra tố cáo hành vi vi phạm rất ít.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng – cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa… diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Các hoạt động kinh doanh trái phép, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… diễn biến ngày càng tinh vi, các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sử dụng nhiều thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng.

Nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, với tâm lý thích hàng giá rẻ, dễ dãi trong tiêu dùng, không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những nguyên nhân để hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục được tiêu thụ trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do sợ ảnh hưởng đến uy tín.

Rất ít người tiêu dùng đứng ra tố cáo hành vi vi phạm hàng giả
Rất ít người tiêu dùng đứng ra tố cáo hành vi vi phạm hàng giả

Khảo sát người tiêu dùng của Cục quản lý cạnh tranh trong tháng 3 -4/2016, số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2015 (chiếm 56%). Những nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua chủ yếu là thực phẩm, nước giải khát, đồ điện tử gia dụng, điện thoại, viễn thông.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng và các chi hội trực thuộc đã tiếp nhận, tư vấn và xử lý 31 vụ việc, trong đó có 17 vụ tư vấn qua điện thoại, 14 vụ khiếu nại trực tiếp hoặc gửi đơn thư và qua địa chỉ mail. Các vụ khiếu nại liên quan nhiều đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực phẩm, đo lường trong kinh doanh xăng dầu...

“Mặc dù Hội đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng thực tế số lượng người tiêu dùng cộng tác phối hợp trực tiếp với tổ chức, hoặc các cơ sở kinh doanh đứng ra tố cáo hành vi vi phạm rất ít”, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng thông tin.

Cụ thể, khảo sát trên cho thấy, có tới 44% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua khi xảy ra tranh chấp với tổ chức cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Lý do chủ yếu là vì giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp và cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết.

Khánh Hồng