Rằm tháng Giêng 2019: Nên cúng vào ngày, giờ nào là đẹp nhất?
(Dân trí) - Năm 2019, rằm tháng Giêng rơi rơi vào ngày 19.2 dương lịch. Thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng 19.2.2019 (tức ngày 15 âm lịch).
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ Tết lớn trong văn hóa tín ngưỡng người Việt. Từ xưa, dân gian ta vẫn quan niệm: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” để nói lên tầm quan trọng của ngày lễ này.
Năm 2019, rằm tháng Giêng rơi vào ngày 19.2 dương lịch. Thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng 19.2.2019 (tức ngày 15 âm lịch). Đối với các gia đình bận, có thể làm lễ cúng trước từ ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 18.2.2019). Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ.
Vào ngày rằm Tháng Giêng, người dân có thói quen đi lễ chùa, làm lễ cúng Phật, và mâm cỗ cúng gia tiên cầu bình an, may mắn cho người thân và gia đình.
Ý nghĩa ngày rằm tháng Giêng
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, “Nguyên” là thứ nhất, “Tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Đây là ngày lễ có nguồn gốc từ Phật Giáo. Vào ngày này, người ta thắp đèn các nơi và họ tạo ra các hội hoa đăng.
Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.
Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng tại các chùa là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng
Vào ngày rằm Tháng Giêng, người dân có thói quen đi lễ chùa, làm lễ cúng Phật, và mâm cỗ cúng gia tiên cầu bình an, may mắn cho người thân và gia đình.
Thực tế cho thấy, mỗi địa phương, mỗi gia đình lại có cách chuẩn bị món ăn cho mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng khác nhau, và cũng tùy vào điều kiện kinh tế, phong tục tập quán mà cúng chay hay cúng mặn, làm nhiều món hay vừa phải.
Trong đó, lễ cúng Phật thường là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng Gia tiên có thể làm các món ăn mặn với các món ăn truyền thống của người Việt.
*Mâm lễ cúng Phật có thể tham khảo các món sau:
- Xôi đỗ xanh/ xôi gấc/ xôi vò
- Một đĩa xào chay tổng hợp
- Hoa quả
- Giò lụa chay
- Nem chay rán
- Đậu đũa luộc
- Canh nấm/ Canh rau củ chay
- Gỏi/ Nộm chay
- Bánh trôi nước.
Cỗ chay trong mâm lễ cúng Phật có thể làm nhiều món, ngoài ra, trên mâm cỗ nên sử dụng các món ăn với màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
*Mâm cỗ cúng gia tiên:
- Gà luộc
- Xôi đỗ hoặc bánh chưng
- Canh măng xương/ Canh của quả nấu xương/ Canh miến thịt
- Đĩa thịt xào tổng hợp
- Chả giò
- Nem rán
- Đĩa nộm/ hành muối
Những món ăn trong mâm cỗ cúng Gia Tiên cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đẩy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Ngoài các món ăn trong mâm cỗ, các gia đình chuẩn bị thêm hoa tươi, chè thuốc, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu thuốc lá.
Hiệp Nguyễn