DMagazine

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện "phượt" Việt Nam bằng xe máy

(Dân trí) - Gần 8 năm sống tại Việt Nam, bà Armelle đã có nhiều trải nghiệm thú vị như lái xe máy đi "phượt", hòa mình vào thiên nhiên, văn hóa vùng miền, chụp 50.000 bức ảnh về mảnh đất và con người nơi đây.

Gần 8 năm sống tại Việt Nam, bà Armelle đã có nhiều trải nghiệm thú vị như lái xe máy đi "phượt", hòa mình vào thiên nhiên, văn hóa vùng miền, chụp 50.000 bức ảnh về mảnh đất và con người nơi đây. 

Trong không gian yên tĩnh, xa lánh sự náo nhiệt của Hà Nội, bà Armelle Warnery, phu nhân Đại sứ Pháp đương nhiệm tại Việt Nam, hào hứng bắt đầu buổi trò chuyện bằng những bức ảnh. 

Gần 8 năm sống tại Việt Nam, bà đã đi khắp các tỉnh/thành trên cả nước, chụp lại 50.000 khoảnh khắc, cảnh đẹp và con người nơi đây, kể câu chuyện riêng về "Việt Nam tôi yêu".

Dù không nói được tiếng Việt, phu nhân Đại sứ Pháp bày tỏ tình yêu với Việt Nam bằng những cách khác nhau.

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 1
Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 3

Năm 2004, bà Armelle lần đầu theo chồng đến Việt Nam, khi ông Nicolas Warnery giữ chức Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM. Thời gian đó, bà vừa làm việc tại trường trung học Colette (quận 3), vừa chăm sóc 4 người con, trong đó nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi. 

Tháng 7/2019, ông Nicolas được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Lần này, những đứa trẻ không theo bố mẹ sang Việt Nam, mà chọn sinh sống và học tập tại Pháp. Bà Armelle cùng chồng bắt đầu hành trình mới tại thủ đô Hà Nội. 

"Không vướng bận con cái, tôi có nhiều thời gian nhìn ngắm Việt Nam theo cách riêng của mình. Có thể nói, tôi đã trông thấy nhiều sự thay đổi tại đất nước này", bà nói.  

Sau 15 năm, người phụ nữ Pháp bị thuyết phục bởi sự thay đổi rất lớn trong mức sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. 

Bà thấy người dân bắt đầu sử dụng giày Tây thay cho dép lê; những cửa hàng xa xỉ, có thương hiệu "mọc lên như nấm", "xế hộp" xuất hiện trên khắp đường phố và trẻ em có dấu hiệu bị… thừa cân. 

Tuy nhiên, điều bà Armelle kiếm tìm và quan tâm nhất, mỗi khi đặt chân đến bất kỳ quốc gia nào, chính là thiên nhiên. Bà nhận xét Việt Nam có nhiều vùng miền khác nhau, đa dạng địa hình thiên nhiên và văn hóa, luôn là chủ đề thú vị để khám phá và trải nghiệm. 

Thừa nhận thích miền núi hơn vùng biển, phu nhân Đại sứ Pháp đã chinh phục nhiều vùng núi của Việt Nam, các địa danh trải dài từ Bắc vào Nam.

Năm 2007, lần đầu đến Hà Giang, bà ấn tượng với Cao nguyên đá Đồng Văn, những cung đường "phượt" ngoằn ngòeo thách thức mọi tay lái. Đó là một hành trình trải dài từ Điện Biên Phủ, Lào Cai, Mai Châu, trước khi đến vùng Đông Bắc.

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 5

Không chỉ ngồi trên những chuyến xe khách ngắm nhìn thiên nhiên qua ô cửa sổ, bà Armelle từng 3 lần tự lái xe máy, rong ruổi từ Đông sang Tây Bắc, miền ngược lẫn miền xuôi, để khám phá Việt Nam một cách gần gũi nhất. Những chuyến đi này được hai người bạn Pháp sống tại Việt Nam 7 năm, đứng ra tổ chức giúp bà. 

"Cảm giác đi xe máy thật tự do!", bà nhớ lại. "Tôi thoải mái chụp ảnh thiên nhiên, hoặc dừng chân tại một ngôi làng, thôn bản để tìm hiểu cuộc sống người dân".

Người phụ nữ Pháp ấn tượng nhất với món gỏi lá trong chuyến du lịch đến Kon Tum. Một suất ăn dành cho hai người lớn tràn ngập các loại lá khác nhau mà bà chưa từng thấy hoặc biết đến.

Đánh giá món ăn đặc biệt này, Phu nhân Đại sứ Pháp nói "thích vừa vừa". Với bà, những món ăn yêu thích nhất tại Việt Nam, vẫn là phở, bún chả và bánh cuốn - vốn được những người bạn ở Hà Nội giới thiệu trước đó.

Đến với từng mảnh đất, bà Armelle có cách khám phá riêng biệt. Không đóng vai lữ khách chỉ ghé qua một lần rồi thôi, bà muốn đi sâu chụp ảnh thiên nhiên, đời sống văn hóa của người dân bản địa. 

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 7

Đó là những người phụ nữ 80 - 90 tuổi trèo cây, hái lá chè từ những cây chè 300 - 400 năm tuổi ở Hoàng Su Phì (Hà Giang); là cô sơ trẻ kiêm "hướng dẫn viên" tại nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình); là chân dung người đàn ông tại một ngôi làng chuyên làm vàng mã ở ngoại ô Hà Nội; là cảnh người dân đánh bắt sáng sớm tại Hội An; cảnh rừng U Minh Thượng hùng vĩ và nguyên sơ tại Kiên Giang.

"Đi đến đâu, tôi đều nhận được sự giúp đỡ nồng hậu", bà Armelle nói về sự thân thiện của người dân địa phương. Họ thường giới thiệu với bà về địa danh, vùng văn hóa hay những cảnh báo khu vực "được" hoặc "cấm" chụp ảnh. 

Bà nhớ mãi trong chuyến du lịch Cần Thơ, nghỉ chân tại một homestay, đã vô tình bắt gặp một người đàn ông chưa bao giờ ra nước ngoài, nhưng nói tiếng Pháp rất chuẩn. 

Trên một hành trình khác, bà được gia đình chủ homestay đón tiếp nhiệt tình như khách quý. Trong gia đình ấy, hai vợ chồng không biết tiếng nước ngoài, những đứa trẻ chủ yếu bập bẹ vài từ tiếng Anh. Nhưng dường như giữa họ và bà không hề có khoảng cách.

"Dù khác biệt ngôn ngữ, chúng tôi vẫn hiểu được nhau", bà chia sẻ, thừa nhận "giao tiếp" và "ẩm thực" là hai điều khó khăn khi du lịch, song không thể ngăn cản bước chân của con người lỡ say đắm Việt Nam. 

Bà vẫn đi, để có những cuộc gặp gỡ tình cờ, để giao tiếp với người dân bản địa bằng ánh mắt và cử chỉ, để kết giao với những người bạn mới, để khi bước vào một khu chợ địa phương được người dân hiếu khách mời trà và rượu. 

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 9

Một trong những cách bà Armelle thể hiện tình yêu với Việt Nam, là thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh. Bên cạnh danh xưng "Phu nhân Đại sứ Pháp", bà còn được biết đến là một nhiếp ảnh gia, với "gia tài" đồ sộ 50.000 bức ảnh về Việt Nam, từ phong cảnh, chân dung, Hà Nội, TPHCM, đến kiến trúc cổ, chè, hoa, chợ miền núi…

Trong lúc bà loay hoay chưa biết làm gì với những bức ảnh này, nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (94 tuổi) đã gợi ý cho người bạn của mình: "Armelle! Cô nên tổ chức một buổi triển lãm ảnh".

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 11

Hai người đã cùng tuyển chọn 70 trong số 50.000 bức ảnh để xuất hiện trong triển lãm mang tên "VietNam que je l'aime" (Việt Nam tôi yêu) diễn ra đầu tháng 6 tại TPHCM. 

Đây đều là những khoảnh khắc đẹp nhất, biểu trưng nhất cho vẻ đẹp con người, phong tục, văn hóa và thiên nhiên Việt Nam trên hành trình tình yêu của một phụ nữ Pháp. 

"70 tác phẩm là những gì tôi được thấy, trải nghiệm, yêu thương tại một đất nước đã gắn bó gần 8 năm. Và cũng là một lời tạm biệt, sắp phải rời đi, khi chồng tôi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam", bà Armelle xúc động chia sẻ. 

Bà đã nhiều lần tự hỏi: "Phản ứng của người xem triển lãm như thế nào?".

Một vài người bạn ở Hà Nội đã dành thời gian bay vào TPHCM ngắm nhìn Việt Nam "dưới góc nhìn của một người ngoại quốc". Họ nói đã sống ở Việt Nam 30 - 40 năm, nhưng những bức ảnh trong triển lãm không phải hình ảnh họ thường nhìn thấy tại đất nước mình.

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 12

Bà Armelle trong trang phục áo dài tại buổi triển lãm "Việt Nam tôi yêu" hồi tháng 6 (Ảnh: NVCC).

"Đó là những vẻ đẹp ẩn sâu, mà đến bản thân tôi cũng không nhận thức được", nhiếp ảnh gia tiết lộ. Bởi vốn dĩ, bà không chỉ chụp những hình ảnh thường thấy trên mạng xã hội về nhịp sống tại các thành phố lớn. Điều bà quan tâm là người dân và cuộc sống của họ tại các vùng miền khác nhau của Việt Nam. 

Một phụ nữ Việt Nam đến xem triển lãm đã để lại ấn tượng đặc biệt với phu nhân Đại sứ Pháp. Người đó nói với bà rằng, "muốn cho thế hệ con - cháu xem những khung cảnh Việt Nam mà chúng chưa hề biết".

Câu nói giản đơn, nhưng khiến bà xúc động và nhớ mãi. 

Thông qua triển lãm, bà Armelle cũng bật mí, một trong những điều quan trọng với bà mỗi khi chụp ảnh, không phải là nghệ thuật sắp đặt hay khung cảnh, mà là sự liên kết với chủ thể thông qua ánh mắt, cử chỉ.

"Tôi muốn nói những bức ảnh của mình không phải chụp trộm. Trước khi chụp, tôi phải tạo sự liên kết và tin tưởng, để những nhân vật của mình vào ảnh thật tự nhiên", nhiếp ảnh gia tâm sự.

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 13

Với bà, để chụp một bức ảnh đẹp, cần 3 điều kiện - "có thể khiến bạn ngạc nhiên". Đầu tiên là ánh sáng, tiếp theo là bối cảnh. 

Khái niệm "bối cảnh đẹp" của bà Armelle có thể khác với nhiều nhiếp ảnh gia. Nếu nhiều người không thích cảnh đường dây điện chằng chịt, rác thải trên mặt đất… vào bức ảnh của mình, thì bà lại xem đó là một bối cảnh đẹp, miễn lưu giữ ký ức chân thực nhất về Việt Nam. 

Điều kiện cuối cùng chính là cảm xúc, giải thích rõ hơn về sự liên kết và tin tưởng nêu trên. Tuy nhiên, để tạo lập sự tin tưởng, không phải là điều dễ dàng, nhất là khi bà Armelle là người nước ngoài, lại không nói được tiếng Việt. 

Trong triển lãm "Việt Nam tôi yêu", khi đứng trước máy ảnh để người khác chụp mình, bà cảm nhận rõ sự căng thẳng "khi được chụp ảnh". 

"Tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Bởi vậy, nếu không đạt được tiêu chí thứ 3, tôi chấp nhận không chụp bức ảnh đó", bà nói. 

Trong một phiên chợ đông đúc ở Hà Giang, 3 người phụ nữ dân tộc bị những người khác chụp ảnh mà không hề xin phép. Họ xem đó là điều bình thường. 

Bà Armelle tiến đến và cho họ xem điện thoại của mình. Bà dùng tiếng Pháp để nói chuyện với 3 người Việt Nam không sõi tiếng Kinh, nhưng bằng cách nào đó họ hiểu nhau và tạo lập được niềm tin. 

Bức ảnh sau đó được chụp "tự nhiên như không", bởi giữa họ không có sự ngăn cách. 

Nhớ lại lần đầu đến Việt Nam, bà chụp ảnh bằng một chiếc máy to, cồng kềnh. Nhưng hiện giờ, thiết bị chỉ là chiếc điện thoại nhỏ gọn, không gây sự chú ý, góp phần phá vỡ khoảng cách giữa người chụp và người được chụp. 

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 15

Ít ai biết, ngoài đam mê nhiếp ảnh, phu nhân Đại sứ Pháp cũng rất tâm huyết với chè cổ. Bà quan tâm một dự án giới thiệu chè, nhằm nâng cao nhận thức về những cây chè cổ tại Việt Nam mà bà thường gọi là "báu vật".

Một người bạn tại Hoàng Su Phì - người có một dự án gìn giữ truyền thống, cách trồng và chế biến chè cổ, đã giúp đỡ bà trên hành trình mới mẻ này.

Bà Armelle tâm niệm những lá chè nhỏ khi đã được ủ lên, pha nước, sẽ tạo nên một hương vị tuyệt hảo "mà bạn chưa từng được thưởng thức".

"Điều đáng buồn nhiều người không tôn trọng văn hóa chè, mà chỉ quan tâm lợi nhuận. Họ sấy khô chè không đúng cách, trộn lẫn nhiều vùng khác nhau, làm mất đi giá trị vốn có", bà tiếc nuối. 

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 17

Chè cổ và nhiếp ảnh dường như là 2 dự án tâm huyết của bà Armelle sau gần 8 năm gắn bó với Việt Nam. Sắp tới, khi ngài Nicolas Warnery chính thức kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Pháp tại Việt Nam, bà sẽ lại theo chồng đến nhận nhiệm vụ tại một quốc gia mới, tối thiểu 3 năm. 

Dù không biết "sớm quay lại Việt Nam là khi nào", bà hy vọng nhanh nhất là tháng 4/2024. 

Nhiều người nghĩ rằng sống ở Việt Nam gần 8 năm - có thể gọi là đủ lâu để "như một người Việt Nam". Nhưng bà Armelle cho rằng chỉ mới hiểu một phần đất nước, văn hóa và con người nơi đây, như bọt của một đợt sóng biển.

"Chính vì chưa hiểu hết Việt Nam, nên tôi luôn khát khao quay trở lại, để khám phá, để trải nghiệm và cũng để yêu hơn mảnh đất mà tôi từng gắn bó", bà Armelle xúc động, nói lời cảm ơn, lời chào tạm biệt, bên cạnh một tình yêu và nỗi nhớ Việt Nam luôn thổn thức. 

Phu nhân Đại sứ Pháp kể chuyện phượt Việt Nam bằng xe máy - 18

Nội dung: Hà Trang, Minh Nhân

Thiết kế: Khương Hiền