"Phát tài" nhờ nuôi bồ câu Pháp

(Dân trí) - Nhờ nuôi bồ câu Pháp, mỗi tháng gia đình anh Hứa Công Lương (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thu lãi ròng khoảng 15 triệu đồng, cuộc sống khấm khá trông thấy.

Anh Lương cho biết, trước đây anh làm nghề lái xe nhưng mấy năm nay thấy tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo nên anh nghỉ và chuyển qua nuôi bồ câu.

Sau khi nghiên cứu, anh quyết nuôi bồ câu Pháp vì giống này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh vào Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mua 50 cặp giống về nuôi. Từ những cặp giống ban đầu, anh nhân dần ra, số lượng bồ câu không ngừng tăng lên.

Những năm đầu, do chưa am hiểu về bệnh tình của bồ câu nên anh gặp thất bại nặng. Theo như cách nói của anh là cũng phải “lên bờ xuống ruộng” với bồ câu.

Anh Lương cho bồ câu ăn
Anh Lương cho bồ câu ăn

Năm đó, bồ câu bị dịch bệnh, anh cho bồ câu uống thuốc kháng sinh nên bị tiêu trứng, mất mấy tháng không đẻ, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

“Thất bại đó là do tôi chưa biết cách chăm sóc, chưa hiểu được bệnh của bồ câu”, anh Lương nói.

Sau thất bại đó không làm cho anh nhụt chí mà càng quyết tâm hơn. Anh bỏ cả ngày, cả đêm tìm hiểu, nghiên cứu về bồ câu, cách chăm sóc, phòng bệnh, ăn uống… Vì thế, mà bây giờ khi bồ câu bị bệnh là anh phát hiện ra ngay và biết bệnh gì.

Đến nay, trang trại của anh đã có 1.000 cặp bồ câu. Con bồ câu từ lúc đẻ đến lúc bán là khoảng 45 ngày. Thị trường anh cung cấp chủ yếu là ở địa bàn Đà Nẵng và nhiều lúc cũng không đủ để cung cấp. Mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 600 – 700 con, trừ các khoản chi phí, anh bỏ túi khoảng 15 triệu đồng.

Theo anh Lương, nuôi bồ câu không khó bởi bồ câu ít bệnh hơn các loại gia cầm. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả kinh tế cao thì phải biết tính toán kỹ lưỡng.

Nhờ nuôi bồ câu Pháp, cuộc sống gia đình anh Lương khấm khá lên
Nhờ nuôi bồ câu Pháp, cuộc sống gia đình anh Lương khấm khá lên

“Mỗi ngày, chi phí tiền thức ăn cho 1 cặp là 600 đồng. Như vậy 1.000 cặp là 600 ngàn. Nếu cả tháng mà bồ câu không đẻ thì lỗ mất 18 triệu rồi”, anh Lương chia sẻ.

Anh Lương cho biết, để chim bồ câu Pháp mau lớn thì chuồng nuôi phải có ánh sáng, khô ráo, sạch sẽ, mật độ nuôi phải đảm bảo 6 - 8 con/m2. Thức ăn của bồ câu là bắp, gạo, lúa. Và một khâu cũng rất quan trọng đó là hàng tháng phải xịt thuốc sát trùng.

“Hiện nay, bồ câu của trang trại không đủ cung ứng cho thị trường. Vì thế, trong gian tới, tôi sẽ vào núi để mở rộng thêm quy mô”, anh Lương cho biết kế hoạch sắp tới.

Khánh Hồng