Đắk Nông:
Phận mưu sinh "bán mạng" của những thợ lặn hồ thủy điện
(Dân trí) - Mưu sinh dưới hồ nước sâu hàng chục mét, phần lớn những đôi tai của thợ lặn đều bị ảnh hưởng do áp lực. Công việc chỉ diễn ra một hai ngày, giúp họ kiếm được số tiền mà làm lụng cật lực một tháng mới có được, nhưng cũng có thể cướp đi sinh mạng của họ bất cứ lúc nào.
Khoảng hơn 5 năm trước, khi Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đi vào hoạt động, người dân tứ xứ đổ về đây mưu sinh, tạo thành một làng chài đông đúc, nhộn nhịp với hàng trăm hộ.
Ngày ấy, phần lớn dân làng chài sinh sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản trong lòng hồ. Song có một số người lại chọn một công việc đầy nguy hiểm và rủi ro hơn với mong muốn kiếm được số tiền lớn- đó là nghề lặn hồ thủy điện.
Những cái chết tức tưởi
Hiện nay, cả khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3 chỉ còn sót lại vài chục hộ làm nghề chài lưới. Do nguồn thủy sản tự nhiên trong hồ đã cạn kiệt, dòng nước có dấu hiệu ô nhiễm nên nhiều hộ phải tìm đến nơi khác để kiếm sống hoặc lên bờ ở. Làng chài này cũng chỉ còn vài ba người biết nghề lặn, nhưng thỉnh thoảng họ mới có việc để làm
Tại xóm chài nhỏ cách Trạm kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng khoảng 500m, không khí yên lặng đến thanh bình. Gọi là xóm chài nhưng ở đây cũng chỉ có hai nóc nhà, chủ nhân của hai chiếc nhà nổi này đã xấp xỉ tuổi 60 nên họ chọn vùng nước kín gió để làm nơi định cư.
Cô Lê Thị Kim Thanh (SN 1957, quê Tây Ninh), chủ nhân của một trong hai ngôi nhà nổi, tranh thủ trời nắng ráo mang chiếc lưới rách ra khâu lại. Từ ngày anh con trai thứ 4 qua đời sau khi đi lặn, ban ngày cô Thanh chỉ lủi thủi quanh chiếc bè, ban đêm mới chèo thuyền đi đánh cá tạp về bán cho hộ nuôi cá lồng để sinh sống. Mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn nhưng đối với cô, đó đã là một số tiền lớn.
Xong xuôi công chuyện, cô Thanh mới chậm rãi kể lại ngày mà anh con trai phải bỏ mạng vì nghề lặn. “Dạo ấy, có chiếc thuyền chở cát bến hồ Đồng Nai 4 bị đắm, người ta mướn nó với mấy người khác đến để tìm kiếm tài sản trên thuyền. Tìm kiếm ba ngày mà chưa có kết quả, đến ngày thứ tư đi lặn thì xảy ra sự việc.
Sáng hôm đó, nó đã kêu với tôi là mệt trong người nên tôi khuyên nó nghỉ một hôm để lấy lại sức. Nhưng vì nghĩ đến số tiền công người ta trả mà nó vẫn đi làm. Khoảng mấy tiếng sau, tôi nghe người ta báo nó bị tai nạn nên đưa đến bệnh viện cấp cứu, đi đến nửa đường thì đã chết rồi. Nghe kể lại thì nó ngoi lên mặt nước được 15 phút thì bị đau đầu, hai bên tai máu chảy ròng ròng rồi ngã lăn ra đất mà bất tỉnh”, cô Thanh giọng run run khi kể về sự ra đi của người con trai thứ 4.
Sau khi con trai qua đời, con dâu xin phép cô về bên ngoại rồi đi thêm bước nữa. Cô sống một mình một thời gian rồi đón người con út lên ở cùng.
Anh Nguyễn Văn Đô (SN 1986, con trai cô Thanh) vốn quen sống lênh đênh trên mặt hồ nên cũng có gần 20 năm theo nghề lặn. Chỉ trong vòng một tháng qua, anh cũng 3 lần suýt chết trong lúc lặn xuống lòng hồ thủy điện tìm xác người, “ấy vậy mà hà bá lại thương tình mà cho mình sống”, người đàn ông nói giọng xuề xòa.
Từng ấy năm gắn bó với nghề lặn, đã hơn 5 lần anh chứng kiến “đồng nghiệp” phải bỏ mạng vì cái nghề bạc bẽo này. Phần lớn họ chết do lặn sâu, thời gian lặn quá lâu hoặc ngoi lên mặt nước quá đột ngột.
Đánh đổi sức khỏe để mưu sinh
“Làm nghề này vất vả, nguy hiểm lắm. Nhưng vì cuộc sống nên phải mưu sinh, mỗi lần lặn họ trả cho 3 triệu đồng, bằng công đi đánh cá cả tháng trời nên cũng phải chấp nhận thôi. Bây giờ không như ngày xưa, những lúc lặn sâu đều có bình khí và đồ lặn nên đi làm cũng đỡ lo lắng”, anh Đô cho hay.
Dụng cụ hành nghề của những người thợ lặn hồ thủy điện rất đơn giản, ngoài bộ đồ lặn bình hơi và kính bảo hộ thì chỉ có thêm một sợi dây thừng dài khoảng vài chục mét. Trước khi có những công cụ hỗ trợ hiện đại, nhiều thợ lặn thường chỉ sử dụng dây thừng và kính nên trong lúc lặn sâu bị thủng màng nhĩ, điếc tạm thời.
Bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1956), người lớn tuổi nhất trong xóm chài lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 nối tiếp câu chuyện về cuộc sống của những thợ lặn bằng chính cuộc đời của mình và chồng.
Người phụ nữ dáng vẻ lam lũ, khắc khổ là minh chứng cho việc trải qua hàng trăm lần sóng gió, hiểm nguy của cuộc đời thợ lặn. Bà bảo, chuyện thợ lặn bỏ mạng dưới lòng hồ hoặc teo cơ chân, tay, nằm liệt giường, tàn tật suốt đời không phải là chuyện hiếm của dân trong nghề, đến ngay bây giờ cả hai vợ chồng bà đều bị điếc do nhiều năm liền làm nghề.
“Ngày ông ấy (chồng bà Thuận) còn khỏe, họ rủ ông ấy đi khắp các hồ thủy điện để mò sắt và cây gỗ. Thế nên hơn 30 năm theo nghề lặn, sức khỏe ông ấy bị ảnh hưởng nặng, bây giờ cứ như người điên. Suốt ngày chỉ nằm một chỗ, hết nói nhảm thì lại quay sang chửi bới tôi. Cả hai vợ chồng già cả, không nuôi được cá nên vẫn phải đi lặn để kiếm miếng ăn”.
Dương Phong