Phản cảm trò đùa "nhảy cầu", "cầm sổ đỏ" tràn ngập MXH mùa World Cup
(Dân trí) - Thời gian này, những lời đùa cợt về việc "nhảy cầu tự tử", "cầm sổ đỏ" tràn ngập mạng xã hội sau các trận đấu World Cup.
Đùa vô duyên "nhảy cầu", "cầm sổ đỏ" mùa World Cup
World Cup 2022 đã chính thức khởi tranh từ ngày 20/11. Hơn một tuần qua, trên các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam, bên cạnh những bài viết bình luận về cầu thủ và các trận đấu, cũng xuất hiện những hình ảnh, thông tin về một số vấn đề nhạy cảm, như: "Nhảy cầu", "cầm sổ đỏ", "bán nhà"… mùa World Cup.
Thậm chí, một số tài khoản cá nhân hay trang Fanpage còn đưa ra bảng giá "nhảy cầu" kèm địa điểm, như một hình thức cổ súy theo những câu đùa trên.
Anh Lê Hải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, thời gian này hễ lướt Facebook liên tiếp thấy những bài đăng về "nhảy cầu mùa World Cup", "Thông báo bảng giá dịch vụ nhảy cầu", dù biết là trêu đùa, nhưng phản cảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
"Một vài người bạn nói rằng đăng bài chỉ để giải trí mùa bóng đá, nhưng tôi lo ngại từ những status đơn giản này sẽ thành phong trào khiến giới trẻ suy nghĩ lệch lạc, thậm chí hưởng ứng", anh nói.
Theo anh Hải, World Cup - giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh được người hâm mộ trên khắp thế giới mong chờ, vốn mang lại niềm vui tinh thần, nhưng những trò đùa lại khiến nhiều người "ám ảnh".
Tương tự, chị Nguyễn Uyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm thấy khó chịu đến nỗi unfollow (bỏ theo dõi) nhiều trang Fanpage hay những tài khoản mạng xã hội thường xuyên chia sẻ những bài viết "độc hại" thời điểm World Cup.
"Cứ thấy mấy từ tiêu cực, tôi lại sợ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Mấy người ngụy biện rằng những trò đùa này là lời châm biếm nhằm cảnh tỉnh xã hội, nhưng thực chất đã đi quá giới hạn của một lời nói đùa", Uyên bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, sau mỗi trận đấu trong khuôn khổ World Cup, nhiều người hay đùa "cầm cố tài sản", hoặc đề cập đến chuyện không hay như "nhảy cầu" với những từ ngữ mang tính cổ súy như: "Mọi người xếp hàng trên cầu đừng chen lấn", "Coi kết quả xong thì nhớ đăng ký chứ không là cầu kín chỗ", tệ hơn là chụp ảnh đứng ở cầu với đôi dép để lại rất phản cảm, tạo lối suy nghĩ tiêu cực.
Theo ông Tiền, cách đây mấy tháng, dư luận còn phản ứng gay gắt với việc MV ca nhạc của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có chi tiết nghi là cảnh nhảy lầu tự tử.
Họ cho rằng sản phẩm này chứa "nội dung u tối", "cái kết tiêu cực" và "ám ảnh", sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của thế hệ trẻ.
Sau phản ánh của dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc, ngay lập tức gỡ MV ca nhạc này khỏi các nền tảng.
"Cùng một vấn đề, nhưng thái độ của mọi người đối với việc cổ súy nhảy cầu mùa World Cup và MV có cảnh nhảy lầu hoàn toàn khác biệt.
Theo ý kiến của tôi, hai việc này đều mang ý nghĩa tiêu cực và có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.
Do đó, những bài đăng về nhảy cầu, đùa giỡn với vấn đề tự tử cần phải bị gỡ bỏ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử phạt những người đăng tải hoặc chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của mình", luật sư phân tích.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay, từ trước đến nay "tự tử" là một vấn đề nhạy cảm, bởi tâm lý của con người dễ bị ảnh hưởng, dẫn dắt, lệch lạc trước những bài đăng, video, …
Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều người mang việc "nhảy cầu mùa World Cup" như trò tiêu khiển, thậm chí cắt ghép video để "câu view", "câu like" mà chưa lường trước được hậu quả.
"Khi mọi người đùa giỡn nhiều về vấn đề này, tức là đang bình thường hóa việc tự tử, khiến nó không còn là một chủ đề nhạy cảm, hạn chế nữa. Điều này vô hình có thể khiến cho những người có tâm lý yếu, giới trẻ dễ bị ảnh hưởng", ông Tiền nói.
Trêu đùa hay tiếp tay cho vấn nạn cá độ bóng đá?
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, đùa giỡn với tự tử, cầm sổ đỏ… không phải là hành vi trái pháp luật, tuy nhiên đã tiếp tay cho vấn nạn cá độ bóng đá.
Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ hành vi, mà người cá độ hoặc người tổ chức cá độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp số tiền cá độ nhỏ (dưới 5 triệu đồng), thì theo quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; mức phạt này tăng gấp đôi đối với tổ chức.
Trường hợp số tiền cá độ từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc, đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Người có hành vi tổ chức cá độ có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm d khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ - CP. Mức xử phạt gấp đôi đối với tổ chức.
Trường hợp có căn cứ chứng minh người vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức đánh bạc.
Theo đó, người vi phạm có thể đối diện với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và cao nhất lên đến 10 năm, đồng thời có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về vấn đề này, Bộ Công an từng cảnh báo, các đường dây cá độ bóng đá được hình thành bởi các đối tượng cầm đầu tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp, thường là những đối tượng hình sự, giới "anh/chị", móc nối với "nhà cái" quản lý các trang web cá độ (M88.com, Fun88.com, Bong88.com…) có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn công khai bằng tiếng Việt.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.
Đồng thời, người dân cần quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá.