Ông bố "điên" ở Hà Nội xin gạch cũ, mua ngói bạc màu làm nhà vườn 10.000m2
(Dân trí) - Từ những vật liệu cũ bị bỏ đi như gạch, ngói, thanh ray tàu hỏa, gỗ đóng thuyền mục... anh Hồng Kiên đã sửa chữa, tái chế, sử dụng để làm nên ngôi nhà vườn mang dấu ấn thời gian.
Sáng sớm tinh mơ, anh Kiên thức dậy, hít hà không khí trong lành, nghe chim hót, tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Thời tiết vùng ngoại ô lạnh hơn so với thành phố nên anh thường đốt một bếp củi nhỏ ở khu chòi trước sân nhà. Anh ngồi bên bếp củi ăn sáng, uống trà, lên lịch trình công việc trong ngày.
"Tôi dự định sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng để dịp Tết Nguyên đán có thể đón gia đình, bạn bè về thăm, chụp ảnh, nghỉ ngơi nên công việc rất nhiều. Các vật liệu xây dựng hầu hết là gạch, ngói, gỗ đã qua sử dụng nên phải làm tỉ mỉ, cẩn thận chút một. Nhiều hôm, tôi với thợ làm đến tối mịt mới nghỉ", anh Kiên chia sẻ.
Anh Lê Hồng Kiên (Hà Nội) vốn có nhiều năm làm nghề gỗ mỹ nghệ. Với niềm đam mê nghệ thuật kiến trúc, văn hóa cổ truyền Việt Nam, năm 2020, anh Kiên quyết định "bỏ phố về quê" xây dựng khu nhà vườn trên mảnh đất của cha mẹ tại thôn Tân Sơn, xã hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khu vực này nằm ngay sát Hà Nội, cách khu vực trung tâm Thủ đô khoảng 50km.
Mảnh đất nằm ở vùng bán sơn địa. Một mặt khu đất nằm gần đường giao thông lớn nên rất thuận tiện di chuyển nhưng không quá ồn ào, tấp nập. Phía lưng khu đất tựa vào núi, bao quanh là suối, ao, vườn thoai thoải. Khi cha mẹ anh Kiên mua mảnh đất này, tại đây đã có nhiều cây ăn quả, cây bóng mát lâu năm. Ông bà đều giữ gìn và trồng thêm để khu vườn phong phú, đa dạng.
"Tuy tôi không học về kiến trúc nhưng trong nhiều năm làm nghề gỗ mỹ nghệ, tôi được đến nhiều vùng miền, thăm quan các công trình truyền thống khắp cả nước. Những ngôi nhà Việt cổ không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn có sự cân bằng về sinh thái, mang ý nghĩa phong thủy", anh Kiên cho biết.
Trên diện tích 10.000m2, anh Kiên tự lên ý tưởng thiết kế và xây dựng những công trình nhà cổ khác nhau. Anh xây dựng khu nhà Phụ Mẫu - cải tạo từ chính ngôi nhà sàn bố mẹ anh từng ở nhiều năm; khu nhà Phu Thê; khu Lầu Cô Cô - tặng riêng con gái; Khu Ngọa Lon Am Am dành tặng con trai; khu nhà trưng bày đồ gỗ, đồ cổ anh sưu tầm nhiều năm… Bên cạnh đó, anh Kiên cũng quy hoạch các góc vườn khác nhau trồng rau xanh, hoa, làm bể bơi "vô cực"…
Khu nhà Phu Thê được anh Kiên xây dựng và hoàn thành đầu tiên. Đây là ngôi nhà 3 gian xây dựng từ ngói cổ, gạch đá ong.
"Khi thấy một số ngôi nhà cổ phá dỡ, mình đến ngỏ ý mua hoặc xin lại đá ong, ngói, gạch và mang về cải tạo, xây dựng. Mình rất yêu nét cổ xưa, mang dấu ấn thời gian của những vật phẩm này", anh Kiên chia sẻ.
Toàn bộ đồ vật sẽ được gia chủ tự tay sưu tầm và bày biện. "Rất nhiều vật dụng trong nhà được tôi tái chế từ đồ "đồng nát", bị người ta bỏ đi", anh Kiên nói.
Chiếc giường trong phòng ngủ được anh đóng từ phần gỗ của con tàu biển lâu năm. "Con tàu này đã vượt hàng ngàn chuyến phong ba bão táp ngoài biển khơi nên ngoài dấu ấn thời gian còn mang ý nghĩa phong thủy. Xác con tàu được mình tìm mua từ Hội An và mang ra Hà Nội", anh Kiên cho biết.
Trong nhà có một số chiếc ghế dài được anh tự đóng từ những thanh ray trên đường ray tàu hỏa bị bỏ đi. Ở gian bếp anh Kiên khéo léo đặt vào một cột đá trăm năm tuổi do anh sưu tầm từ ngôi nhà cổ của vị Trấn tổng Trấn Quốc Oai xưa.
Phía ngoài sân, anh Kiên lát nền từ loại gạch bát cổ được nung đốt bằng lò thủ công. Đây vốn là gạch của các sân đình cổ. Khi các công trình này dỡ nền để thay loại gạch mới đẹp hơn, khang trang hơn, anh Kiên đến mua lại, mang về xây dựng trong nhà mình. "Những viên gạch này mình mua với giá rẻ như cho vì họ chẳng dùng đến nữa. Loại gạch giả cổ Bát Tràng có giá 60.000 đồng/viên nhưng mình mua gạch cổ thật chỉ 1/10", anh Kiên chia sẻ.
Anh Hồng Kiên có một con gái và một con trai. Tại ngôi nhà vườn này, anh tự thiết kế và xây dựng không gian riêng cho các con.
Khu Lầu Cô Cô dành tặng con gái được anh Kiên thiết kế từ một ngôi nhà Mường được mua từ Đà Bắc, Hòa Bình. Khi chủ nhân ngôi nhà phá dỡ để xây dựng nhà bê tông hiện đại, anh Kiên không quản ngại xa xôi tìm tới mua lại, tháo dỡ và mang về lắp đặt.
"Ngôi nhà của người Mường hoàn toàn không sử dụng bê tông cốt thép mà vẫn kiên cố, chắc chắn. Đó là điều tôi rất yêu thích", anh Kiên chia sẻ.
Cách khu Lầu Cô Cô một hồ bơi nhỏ là không gian Ngọa Long Am Am anh Kiên xây dựng cho con trai. Khu nhà này xây dựng bằng gỗ thông kết hợp hệ kính trải từ sàn lên trần giúp gia chủ tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh: hồ nước, vườn bưởi, rặng tre… Trong nhà, anh Kiên sắp xếp những góc rất lãng mạn để con thư thả đọc sách, câu cá…
Anh Kiên hài hước kể, khi có ý tưởng xây dựng ngôi nhà vườn này, anh sưu tầm, mua về rất nhiều vật liệu cũ như ngói, gạch, cửa, gỗ, thanh ray tàu hỏa… Tất cả đều đã sờn bạc, bong tróc, thậm chí méo mó. Nhiều người không tin những vật liệu chỉ "đồng nát mới nhặt" này có thể làm thành ngôi nhà đẹp.
"Có người nói tôi điên, dở hơi nhưng tôi không để tâm lắm. Tôi thích những gì mang dấu ấn thời gian như vậy, thêm vào đó việc tái sử dụng nguyên vật liệu có thể góp phần bảo vệ môi trường. Tôi cũng hy vọng khi về đây, các con cảm nhận và thấu hiểu về giá trị kiến trúc, văn hóa quê hương", anh nói.