Ông bố 2 con bỏ việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn để vợ đi làm kiếm tiền

Huy Hoàng

(Dân trí) - Kể từ khi 2 cô con gái lần lượt chào đời, Kris Tan (Singapore) quyết định nghỉ việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn, giúp vợ toàn tâm toàn ý ra ngoài kiếm tiền.

Có công việc ổn định, vẫn quyết định làm nội trợ

"Tôi có thể làm bất cứ việc gì mà một người mẹ vẫn đảm nhận, trừ việc cho con bú", Kris Tan, người đàn ông 41 tuổi là bố của hai cô con gái, vui vẻ chia sẻ.

Rất ít nam giới ở Singapore quyết định gác sự nghiệp bản thân để ở nhà trông con. Nhưng Tan lại có quan điểm rất khác. Hiện là bố của hai bé gái 6 và 3 tuổi, anh từ bỏ công việc quản lý cộng đồng mạng xã hội để dành toàn thời gian chăm con.

Trong 6 năm qua, anh đã chứng kiến những mốc phát triển quan trọng nhất của con, thay bỉm, cho con ăn đêm thành thạo không kém gì vợ.

Ông bố 2 con bỏ việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn để vợ đi làm kiếm tiền - 1
Tan bên hai cô con gái.

Và Tan cũng trải qua giai đoạn trầm cảm lâm sàng một phần do thiếu ngủ trầm trọng và căng thẳng khi chăm sóc con cái. Bất chấp những khó khăn, người đàn ông Singapore nhận định, mọi thứ đều xứng đáng.

Tan tâm sự, khi kết hôn, anh hoàn toàn không có ý định trở thành một ông bố nội trợ. Anh có công việc ổn định làm tại nhà. Trong khi đó, vợ anh, chị Li Ruifang, 38 tuổi, là thế hệ thứ 3 được truyền lại cửa tiệm ăn uống chuyên phục vụ món mỳ ở trung tâm Tekka.

Li làm việc 6 ngày mỗi tuần. Chị rời khỏi nhà lúc 2h30 sáng và về khoảng 4 giờ chiều.

Do không muốn thuê người giúp việc nên khi sinh con, hai vợ chồng bàn nhau, anh sẽ chăm con để vợ đi làm kiếm tiền. Nếu có thời gian rảnh, Li sẽ hỗ trợ việc nhà giúp chồng.

Tuy nhiên, khi cô con gái lớn Kyra chào đời năm 2016, Li bị chấn thương xương cụt trong quá trình sinh nở. Bảo mẫu nghỉ, Tan phải đảm nhận hoàn toàn việc chăm con.

"Bệnh của vợ tôi kéo dài hơn một năm khiến cô ấy rất đau đớn. Dù cô bắt đầu đi làm sau khi nghỉ thai sản 4 tháng, nhưng cuối tuần phải dành thời gian hồi phục sức khỏe. Toàn bộ việc chăm sóc con giao hết cho tôi", Tan nói.

Vào thời điểm đó, anh đang quản lý hai tài khoản mạng xã hội, làm việc ở nhà từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều.

"Khi Kyra là em bé sơ sinh, mọi cử động còn hạn chế, tôi vẫn kiểm soát công việc được. Nhưng khi con bé bắt đầu tập bò và cần tương tác với người lớn nhiều hơn, tôi thấy căng thẳng", anh nhớ lại.

Lúc Kyra 5-6 tháng tuổi, cô bé gặp vấn đề về giấc ngủ, thường tỉnh nhiều lần về đêm khiến Tan phải thức cả đêm để dỗ con. Thiếu ngủ kéo dài, áp lực bủa vây khiến anh suy sụp, có dấu hiệu trầm cảm.

Ông bố 2 con bỏ việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn để vợ đi làm kiếm tiền - 2
Hai vợ chồng đón cô con gái thứ 2 vào năm 2019.

Mọi thứ càng tệ hơn khi con lớn dần. Kyra lên một tuổi là lúc Tan phải giảm khối lượng công việc của mình. Tới lúc con lên 2, anh phải từ bỏ những khách hàng cuối cùng, trở thành người chồng nội trợ toàn thời gian.

"Con bé cần tôi dành nhiều thời gian hơn cho nó, nên tôi sẵn lòng gác lại sự nghiệp vì không thể cân bằng mọi thứ", anh nói.

Vợ gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình

Cũng trong khoảng thời gian đó, Li tìm cơ hội mở rộng kinh doanh sang Hàn Quốc. Cô nhờ chồng hỗ trợ về mạng xã hội và quan hệ công chúng. Nhưng Tan không thể làm được vì tâm trí anh lúc này chỉ còn tập trung cho con cái hoàn toàn.

Hai tháng sau, Li và chồng vào bệnh viện. Anh được chẩn đoán mắc trầm cảm lâm sàng và bắt đầu phải dùng thuốc từ năm 2018.

Ông bố 2 con bỏ việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn để vợ đi làm kiếm tiền - 3
Hai con gái chụp ảnh cùng mẹ tại quán ăn gia đình.

Đến tháng 10/2019, cặp đôi có thêm cô con gái thứ 2, tên là Ella. Lúc này, Tan tiếp tục chiến đấu với chứng trầm cảm và mới chỉ ngừng dùng thuốc vài tháng trước.

Khi nhìn lại chặng đường đã qua, Tan nhận thấy đó là hành trình đầy khó khăn.

"Tôi tin rằng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không thuê người giúp việc hoặc gửi con đi học sớm. Kyra chỉ tới trường mầm non khi 19 tháng tuổi", anh kể.

Ở nhà nội trợ đồng nghĩa với việc mọi vấn đề tài chính trong gia đình, chị Li sẽ gánh vác hết. Tan phải từ bỏ một số quyền kiểm soát liên quan tới tiền.

"Khi cần mua gì cho con hay bản thân, tôi đều phải hỏi vợ. Khi chúng tôi đi ăn, người phục vụ thường đưa hóa đơn cho người đàn ông, là tôi. Và tôi phải nói với họ chuyển cho vợ vì cô ấy là người trả tiền", anh vui vẻ kể.

Chuyện Tan ở nhà được họ hàng vợ đều biết và khen ngợi rất nhiều. Còn chị Li cũng thấy tự hào với quyết định của chồng.

"Anh ấy chăm sóc bọn trẻ rất tốt, có thể làm mọi thứ", chị nói. 

Ảnh: Kris Tan