Quảng Ngãi:

Nuôi cá tầm, trồng cây "triệu đô" trên núi cao

(Dân trí) - Nhằm giúp đồng bào Ca Dong thoát nghèo, huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn thí điểm mô hình nuôi cá tầm và trồng cây mắc ca trên đồi núi. Sau gần 3 năm triển khai 2 mô hình kinh tế táo bạo này bước đầu cho thấy thành công.

Anh Trần Quý - Trạm trưởng trạm Khuyến nông Sơn Tây đưa chúng tôi đến khu vực thả nuôi cá tầm tại đầu nguồn suối Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây). Tại đây, 5 hồ nuôi cá tầm với diện tích 500 m2 đang được cán bộ kỹ thuật thay nước để lộ ra những chú cá to bằng bắp chân, đen trũi.

Anh Quý cho biết, mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm được thực hiện cách đây 2 năm. Lần đầu thả nuôi 500 con, sau đó tiếp tục mở rộng mô hình với 2.000 con cá giống. Đến nay lứa cá đầu tiên có con đã trên 10 kg, lứa cá sau cũng đạt trọng lượng trung bình 4 - 5 kg/con.


Gần 2.000 con cá tầm phát triển tốt do thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước của huyện miền núi Sơn Tây.

Gần 2.000 con cá tầm phát triển tốt do thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước của huyện miền núi Sơn Tây.


Sau hơn 2 năm được thả nuôi, lứa cá tầm đầu tiên đã đạt trọng lượng từ 10 - 12 kg mỗi con.

Sau hơn 2 năm được thả nuôi, lứa cá tầm đầu tiên đã đạt trọng lượng từ 10 - 12 kg mỗi con.

"Dự án thí điểm nuôi cá tầm được huyện Sơn Tây triển khai vào cuối năm 2014 ngay sau khi đi học tập, nghiên cứu mô hình nuôi cá tầm ở một số tỉnh Tây Nguyên. Xác định địa hình, khí hậu có sự tương đồng với các địa phương đã nuôi cá tầm thành công, huyện Sơn Tây đã nghiên cứu, đi đến quyết định thả nuôi cá tầm ở đầu nguồn suối Bua với mục đích nếu mô hình thành công sẽ nhân ra diện rộng", anh Quý cho biết.

Cá tầm là giống cá xứ lạnh, nhiệt độ nước thích hợp nhất từ 18 - 23 độ C. Chính vì vậy khu vực huyện Sơn Tây chọn nuôi cá tầm có nhiệt độ nước cao nhất vào mùa hè cũng không quá 28 độ C. Với điều kiện khí hậu phù hợp như vậy đã giúp cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, sau 1 năm thả nuôi cá tầm ở Sơn Tây đạt trọng lượng trung bình 3kg/con, cao hơn 0,5 kg so với các số liệu được công bố trước đó của các điểm nuôi cá tầm trên khắp cả nước. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi chưa đến 10%. Điều này cho thấy, việc thử nghiệm nuôi cá tầm ở Sơn Tây đã đạt hiệu quả ngoài mong đợi.

"Với giá bán từ 200 - 300 ngàn đồng/kg, số cá tầm hiện có sẽ mang về lợi nhuận khá lớn so với kinh phí 800 triệu đầu tư cho cả mô hình. Tuy nhiên đây là mô hình thử nghiệm nên chúng tôi chưa bán mà tiếp tục nuôi và đang nghiên cứu để lấy trứng. Với sự thành công bước đầu, chúng tôi đã sẵn sàng nhân rộng mô hình cho người dân trên địa bàn huyện Sơn Tây", anh Quý cho biết thêm.

Cùng thời điểm đưa cá tầm về nuôi thử nghiệm, huyện miền núi Sơn Tây còn khá táo bạo khi đưa cây mắc ca - loại cây được mệnh danh cây triệu đô, về trồng trên diện tích 6 ha đồi núi. Và cũng giống cá tầm, những cây mắc ca đã "bén duyên" với vùng đất Sơn Tây nghèo khó khi phát triển khá tốt. Mô hình thí điểm trồng cây mắc ca ở huyện Sơn Tây được triển khai tại 3 xã Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long với tổng diện tích 6 ha, tổng kinh phí lên đến 1,29 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau gần 30 tháng kể từ khi trồng nhiều cây mắc ca đã ra lứa quả bói đầu tiên.


Những cây mắc ca đã bắt đầu ra quả.

Những cây mắc ca đã bắt đầu ra quả.


Sau 5 năm gieo trồng, dự tính cây mắc ca sẽ mang về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Sau 5 năm gieo trồng, dự tính cây mắc ca sẽ mang về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Anh Trần Quý - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cũng là người được tin tưởng giao trọng trách đảm nhận thực hiện mô hình trồng mắc ca, cho biết: "Số mắc ca đã trồng sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên vào cuối năm 2017. Sang năm 2018, khi cây cho quả đều sẽ mang về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/ha. Điều đáng lo nhất là đầu ra cho sản phẩm cũng được giải quyết khi có đơn vị nhận bao tiêu. Như vậy, cây mắc ca bước đầu cho thấy là loại cây thích hợp để thay thế cây keo giúp người đồng bào Ca Dong thoát nghèo".

Tuy nhiên, mắc ca là loại cây có thời gian sinh trưởng, ra hoa và cho thu hoạch quả tương đương với thời gian sinh trưởng của cây keo, tức khoảng 4 - 5 năm. Trong khi diện tích đồi núi ở Sơn Tây đã được người dân trồng keo, vì vậy muốn người dân thay đổi loại cây trồng không phải là điều đơn giản. Trước mắt, huyện Sơn Tây sẽ hỗ trợ kinh phí cây giống, kỹ thuật cho một số hộ dân để phát triển diện tích mắc ca trên địa bàn huyện. Mục đích chính là làm sao để người dân thấy được hiệu quả từ cây mắc ca mang lại cho chính "hàng xóm" của mình, từ đó họ sẽ tự chuyển sang loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

“Nhiều năm qua, người dân Sơn Tây cũng chỉ biết trồng keo, cau, lúa trên đất đồi núi nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên đời sống còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu trồng mắc ca chỉ cần lợi nhuận mang lại ở mức thấp nhất là 100 triệu đồng/ha/năm cũng sẽ giúp kinh tế người dân khá lên. Khi đó, người dân trên địa bàn huyện sẽ biết phải chọn loại cây nào để trồng nhằm phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững", ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây chia sẻ.

Hà Xuyên