Nước mắm chay Liên Thành: Thay đổi diện mạo, tạo sự bứt phá
(Dân trí) - Với tinh thần đổi mới nhưng vẫn giữ yếu tố truyền thống, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành ra mắt diện mạo mới cho sản phẩm nước mắm chay Liên Thành "Vị ngon từ đạm thực vật".
Giữ "lửa" tinh thần Duy Tân
Ngày 9/5, tại số 243 Bến Vân Đồn (phường 2, quận 4, TPHCM), Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành đã tổ chức sự kiện ra mắt diện mạo mới sản phẩm nước mắm chay Liên Thành "Vị ngon từ đạm thực vật". Đây là một bước đi mới trong cuộc hành trình gần 120 năm phát triển của công ty.
Theo đó, sự kiện chào đón diện mạo mới sản phẩm nước mắm chay Liên Thành nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm đến nhiều nhóm khách hàng hơn. Đó là những khách hàng ăn chay kỳ hoặc mới ăn chay, là những người cần đến sản phẩm để vượt qua cảm giác nhạt miệng thường thấy khi ăn chay không thường xuyên.
Đây cũng là cột mốc đánh dấu một bước đi mới trong hành trình lịch sử gần 120 năm phát triển của Liên Thành, tiếp nối tinh thần từ 6 cụ tiền hiền - đã sáng lập Liên Thành.
Phát biểu tại sự kiện, bà Hoàng Thị Kim Châu, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thủy hải sản Liên Thành cho biết, Liên Thành được sáng lập là để ủng hộ phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Gốc truyền thống của Liên Thành là duy tân - sự đổi mới. Giữ gìn truyền thống của Liên Thành không có nghĩa là bảo vệ cách nghĩ cũ, cách làm cũ, mà phải đổi mới để phát triển.
Trên hành trình đó, Liên Thành ý thức rằng sứ mệnh duy tân không còn nữa, nhưng tinh thần duy tân vẫn được duy trì qua những tìm tòi đổi mới trong sản phẩm nước mắm của công ty, để tiếp tục đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
"Với cách nhìn đó, tôi mong muốn sự kiện chào đón diện mạo mới, sản phẩm nước mắm chay là một bước duy tân của Liên Thành. Với thông điệp 'Vị ngon từ đạm thực vật', chúng tôi mở đầu cho một con đường duy tân sản phẩm phía trước. Từ đó, Liên Thành tiếp tục làm ra những sản phẩm phù hợp với thị trường. Đồng thời đầu tư hệ thống phân phối và marketing để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn", bà Kim Châu chia sẻ.
Trong năm 2023, đại diện công ty Liên Thành cho biết thêm, đơn vị dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, lan rộng hơn nữa thông điệp ăn chay ngon cùng đạm thực vật, để việc ăn chay không chỉ gói gọn trong tôn giáo mà thật sự lan toản trong cộng đồng.
Từng bước tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng Việt
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh (Phó giám đốc Marketing công ty Liên Thành), nước mắm chay Liên Thành là sản phẩm nước mắm chay phát triển và sản xuất từ trái thơm theo phương pháp ủ chượp 3 thơm 1 muối truyền thống như nước mắm mặn. Sản phẩm có thành phần chứa 5⁰N (5 độ đạm) đạm thực vật, đem lại vị ngon gần giống như nước mắm truyền thống.
Nước mắm chay Liên Thành được giới thiệu ra thị trường từ năm 2012. Dù không được quảng bá nhiều, nhưng trong hơn 10 năm qua, sản phẩm đã dần tạo được sự tín nhiệm bởi những khách hàng ăn chay trường nhiều nơi trong cả nước.
Cũng trong ngày ra mắt sản phẩm mới, đại diện Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành đã nhắc nhớ về sự hình thành của thương hiệu nước mắm được người Việt tin dùng trong nhiều năm qua.
Theo đó, ngày 6/6/1906, nhà sáng lập đã lấy ý tưởng, cảm hứng từ chí sĩ Phan Châu Trinh và thành lập Công ty Liên Thành tại Phan Thiết, cách đây gần 120 năm. Sáu cụ đã lựa chọn nghề làm nước mắm để khởi nghiệp, phần vì giữ nghề truyền thống của dân tộc, phần vì nước mắm chưa bị các nhà tư bản Pháp, Hoa kiều kiểm soát.
Đại diện thương hiệu cho biết, cái tên Liên Thành nghĩa là thành Hoa Sen, nguyên tên lịch sử của quận Hòa Đa, thủ phủ tỉnh Bình Thuận. Các cụ còn lấy biểu tượng con voi để tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc. Biểu đạt ý nghĩa sâu xa là khát vọng giải phóng dân tộc vừa bằng sức mạnh của loài voi vừa bằng tình đoàn kết.
Trong suốt quá trình hình thành, những thế hệ kế thừa cũng không quên công ơn của 6 vị sáng lập viên của Liên Thành. Đó là các nhà chí sĩ, trí thức yêu nước hội tụ tại tỉnh Bình Thuận, gồm cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (2 người con trai của cụ Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi và cụ Ngô Văn Nhượng.