Nông dân kiếm trăm triệu nhờ trồng sim, “nhặt lá” tre rừng
(Dân trí) - Với những ý tưởng kinh doanh độc lạ như: trồng sim dại, thu mua lá tre xuất khẩu, nuôi lợn bằng thảo dược… nhiều nông dân đã nhanh chóng làm giàu, xây dựng cho mình cơ ngơi bề thế khiến nhiều người thán phục.
Nhặt lá tre rừng… kiếm tiền triệu mỗi ngày
Mặc dù chỉ mới học hết lớp 3, nhưng chị Đặng Thị Triệu (An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) hiện đã trở thành tỷ phú. Câu chuyện làm giàu của chị bắt đầu rất tình cờ vào năm 1992, trong một lần đi làm ruộng, chị bắt gặp một thương lái hỏi mua lá tre. Sau khi tìm hiểu, chị Triệu quyết định đi học nghề và thu mua lá tre từ trong làng ngoài xã, cho đến cả mạn Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), Phú Thọ, Yên Bái, và Hà Giang,… rồi bán cho chủ thu mua người Đài Loan ở Đoan Hùng, Phú Thọ.
Không chỉ dừng lại ở thu mua, chị còn học hỏi công nghệ sấy khô, ép lá bằng máy, bí quyết làm lá đủ độ dai mà không bị mốc. Sau đó, chị Triệu vay tiền để đầu tư mua thiết bị máy móc, mời 1 kỹ sư về nhà nhờ người này dạy cách chế lá tre sao cho hiệu quả cao.
Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 30.000 đồng/kg; lá tre tươi là 7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ chị Triệu xuất đi 100 - 200 tấn lá tre sang nước ngoài, trừ các chi phí nguyên liệu và nhân công, cũng thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Thu trăm triệu nhờ… trồng sim dại
Từng bị gọi là “điên” khi phá 2ha rừng keo để trồng sim dại, nhưng ngay vụ đầu tiên, anh nông dân Phan Thanh Nhàn ở xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thu được hơn trăm triệu đồng…
Anh Nhàn cho biết, đây mới là vụ thu hoạch đầu tiên nên cây sim cho quả chưa như ý muốn. Tuy vậy, 5 ngày qua gia đình anh cũng tập trung thu được hơn 5 tạ quả.
Quả sim hiện có giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, 5 ngày qua anh Nhàn đã thu về hơn 10 triệu đồng, trong khi đó vườn sim của anh Nhàn phải thu hoạch đến hơn 1 tháng nữa mới hết quả.
“Mới vụ đầu tiên nên cây sim cho quả chưa nhiều, nhưng tính ra nếu thu hoạch hết thì vụ sim này tui cũng thu được trên dưới 100 triệu đồng, bằng tiền thu hoạch 2 ha keo, trong khi cây keo phải hơn 5 năm mới cho thu hoạch", anh Nhàn chia sẻ.
Còn nhớ cách một năm trước, khi anh Nhàn mới bắt đầu phá vườn keo để trồng sim, nhiều người dân ở xã Quảng Tiến mắt tròn, mắt dẹt bảo anh Nhàn “điên” khi không lại đi đào sim dại về trồng. Mặc kệ những lời đàm tiếu, anh Nhàn vẫn bỏ tiền làm đất, thuê người lên đồi, vào rừng đào sim dại về trồng ở 2ha đất vừa phá vườn keo.
Về đầu ra của quả sim, anh Nhàn cho biết, hiện anh đang làm đại lý đứng ra thu mua sim ở vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh cho người bạn ở TP.HCM để làm nguyên liệu sản xuất rượu vang. Những năm qua, mỗi vụ sim rừng anh thu mua hàng trăm tấn sim của bà con khắp vùng đi hái về. Nhu cầu thực tế rất lớn, tuy nhiên, lượng sim trong tự nhiên ngày càng khan hiếm vì diện tích đất hoang hóa ngày càng bị thu hẹp, người dân khai khoang để trồng các loại cây trồng khác…Vì thế trồng sim, anh Nhàn không lo lắng về khâu tiêu thụ.
Lão nông trở thành tỷ phú nhờ… cây cảnh
Ông Nguyễn Văn Ngọ (63 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh Hà thành nhờ sở hữu vườn cây cảnh độc đáo lên tới hàng trăm cây, trong đó có nhiều loại cây thuộc vào hàng quý hiếm “có một không hai”. Nổi tiếng nhất trong đó phải kể đến “siêu cây” trâm vối từng được định giá lên tới 10 tỷ đồng. Hay, cây sanh có dáng “song long thập toàn” với tuổi đời lên tới hơn 100 năm tuổi, có giá vào khoảng 3 tỷ đồng. Đây đều là những cây được ông Ngọ coi là bảo bối trong vườn nhà mình.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Ngọ đã từng bán bộ bàn ghế, con trâu duy nhất của đình, vay tiền của họ hàng…
Năm 1999, ông Ngọ vay được 1,5 triệu đồng của người anh em mua cây lộc vừng. Mặc dù không học qua một trường lớp đào tạo về cây cảnh nhưng sau gần 1 năm chăm sóc, cây ra hoa rất đẹp, ông bán với giá 7,5 triệu đồng.
Ông kể: “Hồi đó muốn vay tiền ngân hàng nhưng họ đến kiểm tra thấy gia tài chả có gì đáng giá, nhà thì lụp xụp, trong nhà không có bàn ghế mà ngồi. Họ hàng thì cũng khó khăn, cây cảnh đầu tiên bán với giá 7,5 triệu là động lực cho tôi cố gắng”.
Ban đầu ý tưởng của ông bị vợ con phản đối nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi. Nhiều khi gặp trục trặc ông giấu bởi sợ vợ con lo.
Đến nay, sau gần 20 năm gắn bó với nghề cây cảnh, ông Ngọ đã xây dựng cho mình được một cơ ngơi bề thế, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Lão nông này cũng được biết đến như một tỷ phú nhờ vườn cây bạc tỷ.
Kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ đầm sen quý 10 loại hoa
Anh Nguyễn Văn Hạnh (48 tuổi, Ninh Xá, Thường Tín, Hà Nội) thường bị người dân quanh vùng gọi là “Hạnh Khùng” bởi cách đây 5 năm anh dám đứng ra vay hàng trăm triệu để mua đầm lầy, cải tạo trồng sen. Sau nhiều lần thất bại, đến nay anh Hạnh đã gây dựng cho mình đầm sen rộng trên 8.000m2, quy tụ khoảng 10 loại sen quý.
Ngoài thu nhập từ việc bán hoa, đầm sen của anh Hạnh còn đón hàng đoàn khách tới tham quan, chụp ảnh. Giá vé vào cửa cho mỗi người là 50.000 đồng. Ngày cao điểm, anh Hạnh thu được gần 4 triệu tiền vé vào cổng, chưa tính các dịch vụ khác.
Người đàn ông có dáng người khắc khổ, da đen sạm cho biết, trước khi cải tạo đầm trồng sen anh và vợ phải bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Công việc không ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vốn là người yêu thích hoa đặc biệt là hoa sen nên anh Hạnh nảy ra ý tưởng, vay tiền thuê đầm cải tạo trồng hoa để bán. Ban đầu, mặt nước đầm rộng 5.000m2 sau đó được anh khai hoang lên tới trên 8.000m2.
Để tạo ra sự độc đáo cho vườn sen của mình, nghe tin ở đâu có sen quý anh Hạnh đều bỏ công việc lặn lội tới xin giống và tìm hiểu cách ươm trồng. Ban đầu, đầm sen chỉ có một hai loại sen phổ thông sau đó cứ tăng dần lên. Hiện tại, đầm có khoảng 10 loại sen (4 loại sen trắng, 5 loại sen hồng và một loài sen Nam Bộ). Trong đó, rất nhiều loại sen quý hiếm, độc đáo như sen Cung đình, sen Bách Diệp, sen Trắng, sen hai màu… được anh ươm trồng thành công trong đầm của mình.
Anh Hạnh khẳng định, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn sen của anh là vườn sen duy nhất miền Bắc nở hoa sớm nhất trong năm. Từ tháng 2 đã có hoa nở và kéo dài đến tận tháng 9 hàng năm. Trung bình, mỗi bông sen anh Hạnh bán ra thị trường có giá buôn từ 4 nghìn đồng, bán lẻ khoảng 7.000 đồng/ bông. Vào mùa, có ngày anh thu hoạch gần 1000 bông, cho thu nhập không hề nhỏ.
Nuôi lợn thảo dược, lão nông “đút túi” trăm triệu mỗi tháng
Trang trại của anh Phùng Ngọc Vĩnh (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) nằm biệt lập bên cạnh một con đê lớn, xung quanh là bạt ngàn những loại cây thảo dược được trồng đan xen. Trại rộng khoảng 5,3 ha, với 400 con lợn thịt và hơn 100 lợn giống. Trung bình mỗi tháng cơ sở anh Vĩnh xuất ra thị trường từ 6 – 7 tạ lợn, cho doanh thu khoảng 80 -100 triệu đồng.
Khác với các loại lợn nuôi theo hình thức công nghiệp, anh Vĩnh chỉ sử dụng thức ăn từ các phế phẩm nông nghiệp như cám ngô, gạo, cám mỳ, sau đó trộn với các loại thảo dược như kim ngân, hồng ngọc, bồ công anh… theo một tỷ lệ nhất định. Cách cho ăn này sẽ giúp mang lại chất lượng thịt tốt, thơm ngon và an toàn hơn. “Lá kim ngân có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, còn các loại thảo dược khác cũng giúp vật nuôi giải độc, tẩy giun sán, kích thích tiêu hóa và giúp lợn sinh trưởng tốt”, anh Vĩnh giải thích.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh thông thường, hàng ngày anh cũng nghiền thêm tỏi, gừng… sau đó trộn vào thức ăn cho lợn. Tất cả quy trình, tỷ lệ cho ăn này đều được anh Vĩnh nghiên cứu và đưa ra một công thức nhất định.
Ban đầu vốn ít, anh chỉ dám đầu tư nuôi thử nghiệm 15 con lợn hương, sau đó mới nhân rộng ra với số lượng lớn. Thời gian đầu, để tiếp thị sản phẩm, anh phải đi xe máy tìm đến hầu khắp các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội.
Với mỗi khách hàng anh đều cẩn thận xin lại số điện thoại sau đó hỏi xin đánh giá, phản hồi về chất lượng. Anh cũng mạnh dạn đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm lợn thảo dược của mình ở các hội chợ, triển lãm. Cứ như thế, từ vài chục lợn hương nuôi ban đầu đến nay quy mô trang trại của anh Vĩnh đã được mở rộng ra đáng kể với trên 500 lợn sạch.
Hiện tại, giá thịt lợn sạch nuôi bằng thảo dược của anh Vĩnh có giá bán trên thị trường là 130.000 đồng/ kg lợn hơi, nếu bán lẻ vào khoảng 200 nghìn/1kg, đắt hơn lợn nuôi công nghiệp khoảng 2 lần.
Hà Trang
Tổng hợp