Quảng Nam:
Nông dân “khóc hết nước mắt” nhìn vườn cây ăn quả thiệt hại nặng sau bão
(Dân trí) - Bão số 9 vừa qua đã khiến hơn 2.000ha vườn cây ăn quả của người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) bị hư hại, hàng loạt cây ngã đổ, trơ cả gốc.
Toàn huyện Tiên Phước có gần 5.600ha vườn cây ăn quả. Trong đó, có gần 300 mô hình kinh tế vườn quy mô lớn và hàng trăm mô hình vườn - nhà đạt tiêu chí xanh sạch đẹp, hiệu quả. Doanh thu mỗi năm của người dân hàng trăm tỷ đồng từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Nhưng bão số 9 đã làm hơn 2.000ha vườn cây ăn quả bị hư hại.
Trên tuyến đường dẫn vào các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả của huyện Tiên Phước (Quảng Nam), chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hàng loạt cây đang cho quả ngã đổ la liệt, nhiều cây ước chừng tuổi đời vài chục năm bị bong cả gốc; hàng loạt vườn keo lá tràm cũng bị bão đánh ngã rạp.
Mặc dù bão đã qua nhiều ngày, nhưng những thiệt hại mà nó để lại khiến người dân “điêu đứng”. Vực dậy sau bão, các nhà vườn đang cố gắng vớt vát những gì còn sót lại, đồng thời chăm bón cho các cây bị hư hại với mong muốn sẽ phục hồi phần nào.
Khu vườn hơn 1ha của ông Đặng Công Dung và ông Nguyễn Truyền (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu, Tiên Phước) có hơn 100 cây sầu riêng, măng cụt gần 12 năm tuổi đang trong giai đoạn cho quả. Nhờ được đầu tư chăm sóc, khu vườn phát triển xanh tốt, cho thu nhập khá ổn định. Vụ mùa vừa qua, sầu riêng cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên bão số 9 càn quét khiến cả 60 cây sầu riêng bị trốc gốc, ngã đổ.
“Cây đang độ sung sức cho ra quả sai nhất, trung bình mỗi cây thu về 100kg. Những cây không thể khôi phục thì đành phá bỏ, một số cây thì tôi nhờ người đến dựng lại với hy vọng vớt vát phần nào, nhưng hiện tại nhiều cây đang bị vàng lá, chỉ sợ khó giữ lại. 12 năm đầu tư, chăm bón, bao công sức bỏ ra không thể nào đo đếm được. Giờ tôi rất sợ ra vườn, nhìn nó mà xót xa quá”, ông Nguyễn Truyền (58 tuổi) buồn bã nói.
Ông Phạm Ngọc Lương (thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) là chủ nhân khu vườn rộng 5.000m2 , trồng 45 cây măng cụt, 20 cây sầu riêng, 100 cây bòn bon và nhiều loại cây ăn quả khác… Thu nhập bình quân mỗi năm từ khu vườn khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, cơn bão số 9 gần như phá hết công sức của vợ chồng ông gầy dựng trong hơn 10 năm qua.
“Lúc trước mọi người đến thăm ai cũng khen vườn sầu riêng, măng cụt và bòn bon của gia đình sai quả, sẽ bán được trong dịp Tết. Nhưng nay, bão số 9 quét qua làm tan tành mọi hy vọng, công sức vợ chồng ngày đêm chăm bón. Những cây sầu riêng, bòn bon bị trốc gốc thì tôi đã phá bỏ, giờ chỉ cố khôi phục những cây ít bị thiệt hại, còn hy vọng. Nhưng số cây khắc phục được thì phải mất nhiều năm sau mới hồi sinh, cho trái trở lại”, ông Lương rớm nước mắt.
Bên cạnh các loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt… thì cây bòn bon vốn là cây ăn quả truyền thống đã làm nên thương hiệu bòn bon xứ Tiên cũng bị thiệt hại trong cơn bão số 9 vừa qua. Nhiều vườn bòn bon từ vài năm đến vài chục năm tuổi bị trốc gốc, hoặc rụng lá, gãy ngang.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bòn bon hơn 100 cây (cây thấp nhất 16 năm tuổi, nhiều cũng hơn 30 năm), vợ chồng ông Hồ Văn Bảy (thôn Thanh Khê, xã Tiên Châu, Tiên Phước) không khỏi xót xa khi chứng kiến hơn 30 cây bòn bon của gia đình đang độ sung sức bị gãy ngang hoặc trốc gốc không thể phục hồi.
“Nếu được mùa, trung bình mỗi cây bòn bon có thể thu về 100-150kg quả. Hơn 16 năm chăm sóc đâu phải dễ, vợ chồng cũng xót xa lắm, cứ đùn đẩy nhau không ai dám ra vườn, chỉ sợ nhìn lại buồn”, ông Bảy rầu rĩ chia sẻ.
Ngay sau khi bão số 9 đi qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tiên Phước đã đi kiểm tra các khu vườn cây ăn quả bị thiệt hại nặng và động viên, chia sẻ khó khăn với nhân dân, đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, khôi phục.
Theo ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, kinh tế vườn của huyện bị thiệt hại hết sức nặng nề do bão số 9. Qua báo cáo sơ bộ của 15 xã, thị trấn, hơn 70% diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện bị trốc gốc, gãy, ngã đổ… Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chỉnh trang vườn điển hình theo Đề án 548 ở các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu bị thiệt hại nặng hơn 80%. Ước giá trị thiệt hại hơn 1.361 tỷ đồng.