Nỗi khổ mất nước ngày hè: "Nhịn" vệ sinh, giặt đồ lúc nửa đêm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nhà có dụng cụ gì chứa được nước, chị Hiền, thành phố Vinh, Nghệ An đều huy động hết. Cả gia đình tiết kiệm nước hết cỡ, việc đi vệ sinh cũng phải đắn đo vì không có nước.

Chị Nguyễn Thị Mai (trú xã Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An) nhận thông báo mất nước từ hôm thứ 4 (19/6). Nhà chị Mai không có giếng khoan, toàn bộ nhu cầu về nước sinh hoạt, ăn uống đều dùng nước máy.

Tình trạng mất nước diễn ra từ 5h30 đến khoảng 22h30-23h hàng ngày. Việc mất nước gần 1 tuần trong thời tiết nắng nóng khiến sinh hoạt thường ngày của gia đình chị Mai bị đảo lộn.

Nỗi khổ mất nước ngày hè: Nhịn vệ sinh, giặt đồ lúc nửa đêm - 1

Cư dân chung cư vội vã chạy về hứng nước khi được cấp nước trở lại (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhà đông người, chị Mai phải canh thời gian có nước để bơm lên bể dự trữ, đồng thời sử dụng thau, chậu, xô... để hứng nước dùng dần trong ngày. Cũng bởi có nước lúc gần nửa đêm nên chị cũng phải canh giờ để giặt đồ, nếu không ngày mai sẽ phải giặt tay đống quần áo của 6 thành viên trong gia đình.

Thức khuya lấy nước nên chị Mai mất ngủ, bơ phờ, sáng hôm sau lên cơ quan ngủ gà ngủ gật.

"Nước tắm, nước rửa rau, nước tráng bát đũa... phải để lại, tận dụng để tưới cây hay dội bồn vệ sinh", chị Mai cho hay.

Trong khi đó, chung cư nơi chị Phan Thu Hiền (phường Hưng Phúc, thành phố Vinh) sinh sống đã có thông báo cắt nước gần 1 tuần nay.

"Hôm đầu tiên thông báo cắt nước vẫn có nước bình thường nên ai cũng chủ quan. Ngày hôm sau không thấy thông báo mất nước thì mất thật khiến nhiều người trở tay không kịp", chị Hiền chia sẻ.

Nỗi khổ mất nước ngày hè: Nhịn vệ sinh, giặt đồ lúc nửa đêm - 2

Người dân huy động thau, chậu, mua bình chứa về tích trữ nước trong những ngày bị cắt nước (Ảnh: Hoàng Lam).

Chị Hiền mới sinh em bé được gần một tháng, nhu cầu sử dụng để giặt giũ, tắm rửa nhiều. Ngay trong ngày đầu tiên mất nước, chị Hiền phải gọi mẹ chồng cách 5km "chi viện".

Mỗi ngày, tầm 18h, chung cư sẽ mở nước cho người dân lấy nước. Bởi vậy, những vật dụng có thể chứa nước đều được cư dân chung cư mang ra để trữ nước. Nhà nào cũng trong tình trạng thùng to, thùng nhỏ, xô, chậu đặt chật nhà tắm, ban công.

"Chung cư chúng tôi có 30 tầng, mỗi tầng hơn 10 căn hộ, vị chi cũng đến trên 300 hộ dân. Mỗi ngày có 1 tiếng để bơm nước nhưng không phải tầng nào nước cũng chảy đủ mạnh để hứng, mặt khác, có nhiều hộ đi làm, giờ đó chưa kịp về để lấy nước, nên nhiều người bức xúc, phản ánh trong nhóm của chung cư", chị Hiền chia sẻ thêm.

Dù đã chủ động tích nước nhưng do nhu cầu sử dụng lớn, chị Hiền luôn trong tình trạng nơm nớp sợ hết nước. Bởi vậy, thói quen sử dụng nước sạch cũng được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế.

Nỗi khổ mất nước ngày hè: Nhịn vệ sinh, giặt đồ lúc nửa đêm - 3

Thông báo về mất nước, yếu nước tại địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận của Công ty CP cấp nước Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

"Tắm cho con xong thì mẹ dùng lại nước đó tắm, rồi tráng lại người bằng nước sạch. Nước rửa rau, giặt đồ cũng phải trữ lại để dội bồn vệ sinh. Sợ nhất là đi vệ sinh mà không có nước để dội nên việc vệ sinh cũng phải tính toán, đắn đo", chị Hiền nói thêm.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An, thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao. 

Tổng công suất hiện tại của 3 nhà máy nước cung cấp cho thành phố Vinh và vùng phụ cận là 92.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên nhu cầu sử dụng nước trong tháng 6 của người dân lên tới 120.000m3 -130.000m3/ngày đêm.

Mặc dù đã huy động 2.000m3 nước dự phòng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, buộc công ty phải điều chỉnh nguồn nước giữa các vùng. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước, nước yếu tại thành phố Vinh và vùng phụ cận.

Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng cao, đặc biệt trong cao điểm mùa nắng nóng, đơn vị này đang có kế hoạch nâng cấp nhà máy nước Cầu Bạch (xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An), nâng công suất từ 20.000m3 lên 50.000m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, công ty đã xây dựng phương án đầu tư mở rộng nâng công suất 3 nhà máy nước sạch và mạng lưới cung cấp đến năm 2030, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.