Quảng Nam:

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Những cơn mưa rào do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới không đủ làm dịu đi cái nắng kéo dài khiến nhiều khe, suối ở Quảng Nam cạn kiệt thời gian qua; khiến cuộc sống người dân đảo lộn vì "khát" nước.

Nắng nóng gay gắt, nhiều nơi "khát" nước

Tại khu vực khe Hóc, khe Lim, gò Mồ Côi (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), nhiều tháng qua, đời sống người dân đảo lộn khi cả nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt đều bị cạn kiệt.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 1

Người dân thôn Phước Lâm (xã Đại Hồng, Đại Lộc) phải rất vất vả để tìm kiếm nước sinh hoạt.

Theo ông Đỗ Hữu Sơn (trưởng thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng), hầu như khắp nơi ở xã đều rơi vào tình trạng thiếu nước sạch, nhưng thôn Phước Lâm là nghiêm trọng nhất.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 2

Người dân phải đi rất xa để chở nước về dùng trong sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.

"Hơn 3 tháng nay không có giọt mưa, giếng đóng, giếng đào đều rơi vào cảnh khô cạn. Nhiều nơi đào đến gần 200 m nhưng gặp toàn đá, có hộ may mắn gặp được mạch nước nhưng rất yếu, một giếng phải 4-5 hộ cùng chia sẻ nên phải rất tiết kiệm", ông Sơn nói.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 3

Việc đào giếng cũng rất vất vả, có khi đào đến gần 200 m vẫn chỉ gặp đá vôi. Trong ảnh, người thợ đào giếng mất gần 3 tiếng mới chỉ được 2 m đất, vì thiếu nước cung cấp cho việc đào tìm mạch.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên (thôn Phước Lâm) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ qua tháng giêng đến tháng 9 là dân rất khổ vì thiếu nước. Có nhà đóng giếng không được, phải xách can, thùng đi xin.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 4

Ngoài nước sinh hoạt, nông dân trong vùng còn "khát" nước phục vụ sản xuất. Nước khan hiếm, có khi người dân phải mất vài tiếng mới tưới xong một sào ruộng.

"Không chỉ kiệt nguồn, một phần nguồn nước còn lại trong thôn bị nhiễm phèn rất nặng, khiến đời sống người dân chồng chất khó khăn", chị Liên chia sẻ.

Theo UBND huyện Đại Lộc, do đợt lũ lụt vừa qua, khe Lim bị sạt lở, dòng chảy bị biến đổi, nguồn nước khe Lim bị mất, ảnh hưởng tới nhu cầu nước sinh hoạt và nước sạch của 1.300 hộ dân sống ven quốc lộ 14B trên địa bàn xã Đại Hồng.

Cuộc sống của người dân Quảng Nam đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt

Để giải quyết tạm thời, huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với xã Đại Hồng kiểm tra, thực hiện đóng một số giếng lấy nguồn nước ngầm hoặc cấp nước di động cho người dân.

Về giải pháp lâu dài, huyện giao cho HTX nông nghiệp Đại Hồng đầu tư xây dựng bể cấp nước và công trình cấp nước tập trung cấp nước sạch tại trung tâm xã phục vụ nhân dân trên địa bàn, dự kiến hoàn thành trong 2 năm tới.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 5

2 ruộng bắp trồng cùng thời điểm, nhưng ruộng bên phải do thiếu nước tưới dần bị khô héo, kém phát triển, người dân cũng bỏ ruộng.

Người dân thôn Long Thạnh Tây (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nhiều năm nay thiếu nguồn nước ngọt. Ðiệp khúc đến hè lại oằn mình đi gánh nước khiến người dân mệt mỏi.

Ở đây nhà nào cũng có giếng khoan nhưng chỉ dùng được trong mùa mưa, mùa nắng thì nhiễm phèn, mặn. Cả thôn hơn 100 hộ dân trông chờ vào 3 cái giếng đào, tuy nhiên nguồn nước đang khan hiếm dần.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 6

Người dân hằng ngày phải đội nắng nóng để chăm sóc hoa màu.

Cả tháng nay, cảnh người dân "rồng rắn" xếp hàng gánh nước đã trở nên quen thuộc. Ai cũng tranh thủ đi từ sáng sớm hoặc vào giờ trưa, tối khuya để xách nước về dùng.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch xã Tam Hải - cho hay, tại xã có công trình nước sạch bỏ hoang nhiều năm nay. Sở dĩ công trình nước sạch này không thể vận hành là do người dân lo ngại khoan giếng cỡ lớn sẽ làm đứt mạch nước ngầm.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 7

Nhiều ruộng lúa không chờ được nước đã chết cháy.

Hiện huyện Núi Thành đang nghiên cứu thực hiện dự án đưa nước sạch ra xã đảo Tam Hải. Dự án có tổng mức kinh phí 9 tỷ đồng, dự kiến cuối năm nay sẽ phê duyệt triển khai để phục vụ cho bà con xã đảo.

Nông dân "đội" nắng cứu hoa màu

Mặc dù chính quyền các cấp đã tìm giải pháp tạm thời để chống hạn nhưng để đảm bảo có nguồn nước tưới cho cây trồng, cũng như nước sinh hoạt của người dân, là bài toán hết sức nan giải.

Cũng như hàng ngàn hộ dân khác, hơn nửa tháng qua, bà Huỳnh Thị Xuân (thôn Dục Tịnh, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) đi tìm nguồn nước bằng cách đóng giếng bơm để tưới cho các loại cây hoa màu đang thời kỳ phát triển.

Cuộc sống đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt - 8

Bà Xuân bộc bạch, mỗi ngày, bà phải canh ruộng từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Nguồn nước ít nên việc tưới tiêu rất mất thời gian, bên cạnh đó nắng nóng gay gắt, vừa tưới xong tối nay qua trưa mai đã khô đất. Cả ngày, bà phải "đội" nắng nóng hơn 40 độ ngoài đồng

"Không tưới thì cây chết héo. Nhiều hộ đã bỏ ruộng vì đầu ra nông sản gặp khó khăn do Covid-19, mà chăm sóc thì quá vất vả", bà Xuân than thở.

Do nắng nóng khắc nghiệt, các loại cây trồng đang bị chết héo và có nguy cơ mất trắng. Hai công trình nước tự chảy khe Lim và khe Bò (xã Đại Hồng) phục vụ cho hơn 1.500 hộ dân giờ cũng trơ đáy.

Đặc biệt, do không có nước nên vẫn còn hơn 45 ha đất lúa của xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc vẫn chưa thể gieo sạ vụ hè thu, khả năng cao sẽ bỏ hoang. 

Vụ hè thu, một số vùng sản xuất của Đại Lộc khô hạn, thiếu nước cục bộ. Cả trăm ha ở các xã Đại Đồng, Đại Quang và Đại Hưng không chủ động được nguồn nước tưới.

Để ứng phó khô hạn, huyện Đại Lộc cũng khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn như bắp, đậu xanh, rau các loại; thời tiết quá khắc nghiệt khiến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Là một trong 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Quảng Nam, vụ hè thu này huyện Duy Xuyên sản xuất hơn 3.500 ha, chủ yếu giống lúa ngắn và trung ngày để lách thời tiết bất lợi.

Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt và thiếu nước tưới nghiêm trọng nhiều ngày qua ở các xã Duy Sơn, Duy Thu, Duy Phước, Duy Vinh… khiến nhiều cánh đồng bắt đầu nứt nẻ, lúa non hơn 20 ngày tuổi bắt đầu héo khô.

Ông Lê Hai - Chủ tịch xã Duy Phước cho hay, địa phương có diện tích lúa lớn nhất huyện Duy Xuyên, những ngày qua không có mưa, nắng nóng, nhiệt độ gia tăng liên tục, sông Câu Lâu nhiễm mặn, các trạm bơm không thể hoạt động đã làm cho hơn 50% diện tích lúa hè thu thiếu nước, khô héo. Nhiều nông dân chủ động đóng giếng lấy nước ngầm bơm cứu lúa nhưng hiệu quả thấp, làm gia tăng chi phí cho bà con…

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh triển khai gieo sạ hơn 41 nghìn ha (giảm 400 ha), trong đó gần 38 nghìn ha chủ động được nước tưới, diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời.

Tuy nhiên, trước tình trạng nắng nóng, khô hạn ngày càng bất thường thì câu chuyện sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu cần được quan tâm nhiều hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm