Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng

Minh Nhân

(Dân trí) - Bị cắt nước sinh hoạt không báo trước, cuộc sống của hàng nghìn người dân tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) bị đảo lộn.

Sáng 16/10, chị T.T.L.H. xin nghỉ làm, ở nhà vừa chăm sóc mẹ già, vừa chờ xe chở nước sạch đến sảnh chung cư. Khi chồng chuẩn bị đi làm, chị dặn mang theo túi quần áo bẩn nặng hơn 20kg đến tiệm giặt là.

"Tôi vừa mang xô đi khắp nơi xin nước cất dành đi vệ sinh", người phụ nữ 39 tuổi ngán ngẩm nói, nhìn vào chồng bát đũa chất cao trong bồn rửa.

Trong bữa cơm tối 15/10, chị H. dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đũa và đĩa. Bằng cách này, sau bữa ăn, chị không cần rửa bát, tái sử dụng lần sau, đồng thời tiết kiệm nước.

Mỗi người trong gia đình 5 thành viên chỉ được sử dụng một ca nước nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân. Họ không tắm, hạn chế đi vệ sinh.

"Tôi tính không nấu ăn mà mua hàng cơm sẵn, đặt đồ giao hàng. Trong nhà hiện chỉ còn một xô nước, phải tiết kiệm cho những nhu cầu thiết yếu nhất của mẹ tôi bị bệnh", chị nói.

Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng - 1

Cư dân khu đô thị Thanh Hà xếp hàng đợi lấy nước sạch, sáng 16/10 (Ảnh: NVCC).

Gần hai ngày qua, chị H. và hàng nghìn cư dân khác tại hơn 10 chung cư thuộc khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) rơi vào cảnh khốn cùng do bị cắt nước đột ngột. Không có thông báo từ đơn vị cấp nước đã đẩy các hộ gia đình vào cảnh bị động, cuộc sống xáo trộn.

Ông Phan Minh Châu (Tổ trưởng Tổ dân phố số 4, sinh sống tại tòa HH03A-B1.3), cho biết từ 19h ngày 14/10, hàng nghìn hộ dân bất ngờ bị cắt nước sinh hoạt. Từ tối 15/10 đến sáng nay, họ quyết định góp tiền mua những xe nước mang đến sảnh chung cư, sau đó chia nhau như "thời bao cấp".

Mỗi xe nước 5m3 có giá 1,2 triệu đồng. Sau khi đàm phán, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông hỗ trợ tiền nước, cư dân chi trả 600.000 đồng tiền thuê xe chở.

Khoảng 21h ngày 15/10, khi xe bồn chở nước về tới sân chung cư, cư dân từ các tòa nhà đồng loạt chạy xuống, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Trên tay họ là xô, chậu hoặc bất cứ vật dụng gì có thể đựng được nước. 2 vòi xả nước của xe bồn luôn chật kín cư dân vây quanh để chờ đến lượt.

Họ thức xuyên đêm, kiên nhẫn xếp hàng. Nhiều người chờ đến lượt thì nước đã cạn, vội sang nhà người thân ở tạm trong đêm. 

"Sáng đầu tuần, nhiều gia đình xin đi làm muộn, cắt cử người nghỉ việc vì có tin 7h xe chở nước tới nhưng mỗi người chỉ được một chút", ông Châu nói.

Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng - 2

Chồng bát đũa trong bồn rửa, chưa được vệ sinh do thiếu nước (Ảnh: NVCC).

Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng - 3

Gia đình chị H. dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đĩa để tái sử dụng (Ảnh: NVCC).

Chị H. nghỉ làm, xuống sảnh chầu trực, mãi mới xách được một chậu nước để hai con kịp đánh răng, song vẫn bị muộn học.

4 năm sống tại khu đô thị Thanh Hà, chị nói việc cắt nước sinh hoạt là điều hiếm gặp. Chung cư từng xảy ra tình trạng cắt nước, nhưng được thông báo từ trước để cư dân kịp tích trữ nước, thời gian lâu nhất là 4 - 5 tiếng.

Chị Lê Ngọc, sống tại tòa HH3A, cho hay từ khi nước sinh hoạt bị cắt, đơn vị cấp nước là Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà không báo trước mà sau đó mới ra văn bản khiến người dân không kịp trở tay. 

"Lúc đó, con trai tôi đang tắm thì kêu mất nước. Do gia đình không tích trữ nước sẵn trong nhà nên tôi đã phải mua nước lọc dưới tạp hóa về gội sạch đầu cho cháu", chị nói.

Thiếu nước sinh hoạt khiến nhịp sống gia đình chị đảo lộn. Xếp hàng đợi đến 23h ngày 15/10 nhưng không còn nước, chị thất vọng về nhà. Sau 30 phút, nghe tin cư dân dùng ô tô đi mua nước, chị lại vội vàng xuống sân, xin được một chậu để dội nước nhà vệ sinh.

Hơn một ngày qua, chị và một vài cư dân phải khổ sở đi một số tòa nhà lân cận, ra tận trụ sở UBND xã để xin nước. Các gia đình đã bỏ ra số tiền không nhỏ để mua nước đóng chai về sử dụng.  

"Tôi không ngờ ở thủ đô mà còn có cảnh dùng nước rửa rau để rửa bát, nước rửa bát thì dùng dội nhà vệ sinh", người phụ nữ than thở.

Lo lắng sức khỏe của trẻ nhỏ, những chậu nước chị xin về đều dành vệ sinh cho hai con. Còn nguồn nước để ăn uống đều từ bình đóng chai, gồm 4 bình to và một thùng nước khoáng, tổng hơn 300.000 đồng.

Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng - 4

Cư dân mang túi quần áo bẩn hơn 20kg ra tiệm giặt, sấy (Ảnh: NVCC).

Chị Dung (tên nhân vật đã thay đổi, thành viên ban đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà), cho hay gia đình 6 thành viên phải dùng lại cả nước thải từ hoạt động sinh hoạt, như giữ lại nước đánh răng để xả nước nhà vệ sinh, nước thoát từ máy điều hòa phải chắt ra dùng tưới cây.

Ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, cho biết toàn bộ lượng nước của khu đô thị Thanh Hà hiện chỉ được cấp từ nguồn nước mặt sông Đuống.

Trước đó, nguồn nước tại khu đô thị Thanh Hà được cung cấp bởi 2 nguồn khác nhau gồm nguồn khai thác ngầm tại nhà máy và nguồn nước mặt sông Đuống. 

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cư dân phản ánh tình trạng nguồn nước họ được cung cấp bị ô nhiễm nặng nề, khiến nhiều người bị nổi mẩn ngứa, bong tróc da...

Ngày 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức họp với đại diện nhiều đơn vị như Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai… cùng đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà liên quan sự việc sức khỏe người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước.

Sau buổi làm việc, trong văn bản gửi cư dân khu đô thị, Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết sẽ dừng việc cấp nước từ nguồn khai thác nước ngầm tại nhà máy. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước của khu đô thị.

"Hiện nước tải về được bao nhiêu, chúng tôi đã cung cấp hết cho người dân", ông Dương Đình Trình nói, cho biết hiện chưa rõ thời gian nguồn nước được khôi phục với lưu lượng đủ dùng cho cả khu đô thị.

Bị cắt nước, dân chung cư Hà Nội nhịn tắm, giữ nước đánh răng tái sử dụng - 5

Cư dân xuyên đêm chờ "hứng" nước sạch (Ảnh: NVCC).

Chị H. chưa nghĩ đến cảnh đi ở nhờ nhà người thân, do mẹ già bị bệnh, khó đi lại, các con học trường gần nhà, trong khi khách sạn, nhà nghỉ cách khu đô thị 3-4km.

Người phụ nữ tính "bám trụ" tại nhà chờ khi nước về, nếu không sẽ mua nước đóng chai tạm phục vụ nhu cầu cá nhân.

"Tôi không biết chờ đến khi nào thì mới chấm dứt viễn cảnh "khát nước sạch" giữa thủ đô", chị nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm