Những tai nạn phổ biến trên cung đường phượt

(Dân trí) - Những năm gần đây, trào lưu phượt trở thành niềm đam mê của nhiều bạn trẻ. Sở thích khám phá những miền đất mới dường như làm người ta quên đi những mối nguy hiểm luôn rình rập. Những trường hợp tai nạn điển hình dưới đây sẽ là bài học vô giá cho bạn nếu muốn “xách ba lô lên và đi”.

Thể trạng yếu

Nhiều người chỉ nghĩ rằng đi đến những nơi phong cảnh đẹp, xa xôi để có được những trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên yếu tố sức khỏe chính sẽ một phần quyết định bạn có thể tham gia trò chơi khá mạo hiểm này hay không. Vì thiếu sự chuẩn bị về mặt thể chất cũng như tinh thần, rất nhiều bạn trẻ đã phải bỏ lại tuổi xuân bên cung đường phượt.


Những cung đường phượt mang lại trải nghiệm khám phá cho các phượt thủ, nhưng cũng luôn tiềm ẩn sự rủi ro (ảnh: Internet)

Những cung đường phượt mang lại trải nghiệm khám phá cho các phượt thủ, nhưng cũng luôn tiềm ẩn sự rủi ro (ảnh: Internet)

Tháng 7/2012, một bạn nữ sinh (SN 1991) với nick phượt Hanamichi.tron đã phải bỏ mạng trên đường chinh phục điểm cực Đông của Việt Nam. Chiều ngày 20/7, đoàn dừng lại nghỉ chân và ăn uống sau khi vượt cát và đường rừng. Cô gái cố ăn mì tôm và uống nước để theo đoàn.

Đến giữa đêm 20/7, sức khỏe cô gái dần suy yếu không thể đi lại và có dấu hiệu buồn nôn, hạ huyết áp, co giật. Nhóm đã cấp tốc liên hệ với bác sĩ và tìm cano trở lại đất liền nhưng 10 phút sau khi trở về, nữ phượt thủ qua đời.

Tai nạn giao thông

Có thể nói đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vụ bỏ mạng thương tâm. Những con đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” chính là sự nguy hiểm gần nhất, đáng sợ nhất. Những tay phượt cần có sự cẩn thận tuyệt đối và kinh nghiệm khi đi trên những con đường khó. Bởi chỉ một phút cẩu thả, hấp tấp thì tính mạng của cả “Xế” và “Ôm” sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào.

Tháng 11/2014, một vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi tính mạng của một nữ phượt thủ. Cô gái xấu số tên G (21 tuổi – Hải Dương) tham gia một nhóm phượt đi Hà Giang. Trên đường về Hà Nội do gặp phải thời tiết xấu, sương mù dày đặc, bạn nam điều khiển xe máy chở G không điều khiển được xe máy đã đâm vào xe tải ở một khúc cua gây tai nạn. Tuy đã được cấp cứu kịp thời nhưng G tử vong ngay sau đó, còn bạn nam điều khiển xe bị thương nặng.

Mất tích

Với những chuyến đi xa đòi hỏi cả nhóm phượt cần có những quy tắc nhất định. Đơn giản từ việc kết nối, giữ liên lạc giữa các thành viên. Tình trạng mất tích rất dễ xảy ra đối với những nhóm phượt đông. Nếu các thành viên không chủ động chú ý, theo sát bạn đồng hành thì rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Vụ một nam sinh viên đang theo học một trường Đại học ở Hà Nội bị mất tích khi chinh phục đỉnh Fansipan từng gây rúng động dư luận. Trong quá trình leo núi, cậu sinh viên cùng 3 người bạn có thuê người vác đồ. Khi di chuyển qua điểm nghỉ 2.800m về Trạm Tôn, người vác đồ đi trước đã bị mất dấu nam sinh này. Cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm kiếm nam sinh tuy nhiên không có kết quả. Vụ mất tích để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình, người thân, bạn bè nạn nhân.

Phượt là một thú vui mới của giới trẻ, giúp cho người trẻ có tích lũy thêm kiến thức xã hội và mở rộng mối quan hệ bạn bè. Nhưng đằng sau đó có cả những bất trắc, mối hiểm nguy và thậm chí là những cái chết thương tâm trên từng cung đường khám phá.

Đặng Ngoãn