Phượt và những góc khuất:
Phượt vì… a dua theo trào lưu
(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, “phượt” trở thành một từ khóa “hot” đối với giới trẻ và những người theo chủ nghĩa xê dịch. Nhưng sau hàng loạt những cuộc tử nạn cùng nhiều câu chuyện tiêu cực xảy ra trên cung đường phượt, câu hỏi được đặt ra: phải chăng, phượt đang trở thành sự lựa chọn của những kẻ a dua?
Phượt theo phong trào
Gõ vài từ khóa trên thanh công cụ tìm kiếm, chỉ trong vài giây, ta cũng có thể thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm các diễn đàn, hội nhóm bàn luận về phượt. Người ta đánh giá địa điểm du lịch, cùng chia sẻ kinh nghiệm xương máu và không thể thiếu những hội, nhóm được lập ra để bóc mẽ, vạch trần những mặt trái, góc khuất mà người ngoài cuộc không thể nhìn thấy.
Phượt, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là một hình thức du lịch bụi. Phượt là những chuyến đi, những cuộc hành trình đầy vất vả mà không theo lịch trình, kế hoạch cụ thể. Đừng tìm đến phượt nếu như bạn đòi hỏi những dịch vụ rườm rà hay đã quen với "chăn ấm đệm êm" trong mỗi chuyến đi xa. Phượt là đi bằng sự tò mò và niềm đam mê khám phá.
Bất kì loại hình du lịch nào cũng là một hình thức giải trí. Tạm rời xa cuộc sống nơi đô thị khói bụi và chồng chéo rất nhiều áp lực, người đi phượt sẽ tìm thấy sự giải phóng năng lượng và sự cân bằng khi trở về với cuộc sống đời thường. Thậm chí, nhiều người trẻ tuổi như Huyền Chip, Hachi8,… sau nhiều ngày rong ruổi trên vùng đất mới đã cho ra đời những cuốn sách gây hứng thú cho nhiều đối tượng độc giả.
Về bản chất, phượt là một hoạt động tích cực. Nhưng có quá nhiều lý do để biến một hoạt động tích cực trở thành một xu hướng đám đông và mang chiều hướng tiêu cực. Một bộ phận giới trẻ ngày nay đang phượt theo phong trào và phượt một cách mù quáng.
Không biết từ bao giờ, cứ nhắc đến phượt, người ta sẽ ngay lập tức thiếu thiện cảm. Đó không phải điều ngẫu nhiên, bởi sau mỗi chuyến đi, ấn tượng đoàn phượt để lại là những chuyện đông đúc xe cộ, phóng nhanh vượt ẩu, tàn phá thiên nhiên và lấy trộm nông sản của người dân bản địa.
Phượt là phương tiện đánh bóng bản thân?
Cách đây vài năm, những tai nạn đến mất mạng trong các chuyến đi của dân phượt có thể nói gần như không có. Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, những vụ tai nạn cứ liên tiếp xảy ra, để lại nhiều nuối tiếc, ân hận cho người thân, bè bạn.
Nguyên nhân một phần có thể do sự kết nối trên mạng xã hội phát triển quá mạnh. Các bạn trẻ có cùng đam mê tìm đến nhau bằng những hình thức quá dễ dàng và nhanh chóng tổ chức chuyến đi đầy ngẫu hứng. Tuổi trẻ nông nổi, thiếu kinh nghiệm lại đặt trong những mối quan hệ xa lạ sẽ dễ bị kích động, ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông nên những điều không mong muốn ập đến là khó tránh khỏi.
Nhiều người luôn nêu cao quan điểm “xách balo lên và đi” mà không hề chuẩn bị cho mình bất cứ một kỹ năng sinh tồn nào. Người ta đi chỉ để thể hiện, và mục đích lớn nhất là chụp vài tấm ảnh, đăng trên Facebook cho bằng bạn bằng bè. Cứ như thế, phượt trở thành phương tiện để đánh bóng bản thân, để khoe mẽ và cho thiên hạ thấy rằng mình bắt kịp xu hướng.
Sẽ rất nguy hiểm nếu du lịch bụi trở thành một xu hướng a dua trong giới trẻ. Hầu hết dân phượt chân chính đều có sẵn trong mình sự trải nghiệm, có thêm máu liều và sự phóng khoáng. Rất nhiều mối nguy hiểm rình rập, rất nhiều sự cố xảy ra đòi hỏi phải có một bộ óc tỉnh táo và kiến thức nhất định. Nếu không có sự trang bị, việc đi phượt theo bản năng sẽ trở thành một mối nguy lớn đối với những người thiếu kỹ năng và sự từng trải, thậm chí mất mạng.
Chính một chút nông nổi, bốc đồng sẽ làm nên những tháng ngày tuổi trẻ. Nhưng mỗi người cũng cần ý thức rằng, trên mỗi chuyến hành trình không chỉ có bản thân mà còn có cả gia đình phía sau. Những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai còn coi phượt như thú vui tiêu khiển, chạy theo bởi a dua và mong muốn đánh bóng bản thân.
Hoàng Ngọc