Những điều tối kỵ cần tránh trong ngày cúng ông Công ông Táo
(Dân trí) - Tục cúng ông Công ông Táo là một tín ngưỡng văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của người Việt không phải là hủ tục mê tín dị đoan. Để có được ngày Tết ông Công ông Táo thật ý nghĩa và tốt đẹp, các gia đình cần phải hiểu đúng ý nghĩa cũng như các nghi thức cần thiết trong ngày này.
Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại có phong tục làm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền và gìn giữ từ nhiều đời nay.
Theo các chuyên gia văn hóa, tục lệ này bắt nguồn từ câu chuyện ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” trong đó bao gồm thần đất, thần nhà và vị thần bếp núc. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Thực tế, tục cúng ông Công ông Táo không phải là hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian hướng con người đến những điều thiện và giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt, đề cao và nhắc nhở mỗi cá nhân phải chăm lo, thu vén cho tổ ấm gia đình. Để có được ngày Tết ông Công ông Táo thật ý nghĩa và tốt đẹp, các gia đình cần chú ý tránh những điều sau.
Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào?
Theo quan niệm dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp chính là thời điểm ông Công, ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hàng trước giờ này. Tùy theo điều kiện từng gia đình, việc cúng lễ có thể được thực hiện bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Nên cúng cá chép giấy hay cá chép thật?
Theo các chuyên gia văn hóa, trong ngày cúng ông Công ông táo các gia đình có thể dùng cá chép thật hoặc cá giấy đều được. Tuy nhiên, với các gia đình có điều kiện thì nên dùng cá chép thật để làm lễ sau đó thả phóng sinh. Hành động này vừa mang ý nghĩa “đưa ông Táo bay về trời” theo phong tục dân gian vừa hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Cúng cỗ mặn hay cúng cỗ chay?
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng đối với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp.
Trong đó, các gia đình có thể làm cỗ chay hoặc cúng lễ mặn. Lễ vật chuẩn bị theo mâm cúng truyền thống gồm: cá chép, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc (một khổ hoặc chân giò), mâm ngũ quả, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà và trái cây… Ngoài ra cần chuẩn bị thêm sớ hoặc có thể in văn khấn để đốt cùng tiền vàng. Đối với quần áo mua cúng các vị thần cần chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó lưu ý là đồ dành cho 2 vị thần nam 1 vị thần nữ.
Trước khi tiến hành làm lễ cúng cần dọn dẹp ban thờ sạch sẽ. Trong đó, có thể dùng tinh dầu hòa nước lau bàn thờ và đồ thờ.
Thả cá chép thế nào cho đúng?
Trong tâm thức người Việt, cá chép là loài đã “vượt vũ môn hóa rồng” nên được coi là biểu tượng của sự thăng hoa, an lành và sung túc. Với giới trí thức, cá chép sẽ đem đến công danh, thăng tiến và may mắn. Việc phóng sinh cá chép vào ngày ông Công ông Táo là thuần phong mỹ tục từ bao đời nay của người Việt.
Khi thả cá chép nhất thiết phải làm với tấm lòng thành kính, hướng tới những ý nghĩa tốt đẹp. Khi phóng sinh cần phải tìm sông ngòi sạch sẽ, trong đó cách thả đúng nhất là dùng hai tay, đưa cá sát mặt nước mới được thả xuống. Tuyệt đối không được đứng từ trên cao ném cá xuống hoặc thả cả túi bóng xuống sống hồ.
Khấn xin tài lộc, sung túc
Ý nghĩa thật sự của lễ cúng ông Công ông Táo là mang ý nghĩa tiễn đưa các vị thần lên chầu trời báo cáo những công việc trong năm của gia đình. Vì thế, khi làm lễ cúng, mọi người nên chỉ xin khấn các Táo báo cáo những điều tốt đẹp trong năm và đưa ra các mục tiêu thực hiện trong năm mới.
Dọn bàn thờ
Người Việt tin rằng, sau khi tiễn Táo quân, trong nhà thời gian này vắng thần linh. Có thể tháo bàn thờ lau rửa trước ngày 30 Tết, hóa bớt chân hương. Đồng thời, theo quan niệm dân gian trong những ngày này không nên thờ cúng, thắp hương để tránh “vong linh cô hồn” vào nhà.
Chú ý, sau khi cúng tiễn vào ngày 23, còn có một lễ cúng rước Thần về ngự tại gia đình vào ngày 30 Tết.
Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, việc cúng Táo quân có thể thực hiện ở bàn thờ gia tiên, hoặc tại bếp trong các gia đình chung cư. Tuy nhiên, nơi cúng phải sạch sẽ, trang trọng, trước khi cúng phải dùng tinh dầu hòa nước lau bàn thờ và đồ thờ.
Hiệp Nguyễn