Hội An:

Những “bóng hồng” mưu sinh bên rừng dừa nước

(Dân trí) - “Bốn tiếng ướt, bốn tiếng khô” là câu nói vui của những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề cắt tàu dừa tại rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An, Quảng Nam) khi miêu tả về nghề nghiệp của mình.

Dầm mình dưới nước hơn 4 tiếng đồng hồ để cắt lá dừa, rồi 4 tiếng phơi lưng dưới cái nắng như đổ lửa để rọc rồi phơi lá là công việc hằng ngày của những người phụ nữ nơi đây.

Nghề “Bốn tiếng ướt, bốn tiếng khô” của những người phụ nữ tại rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An
Nghề “Bốn tiếng ướt, bốn tiếng khô” của những người phụ nữ tại rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An

“Công việc này chỉ có cánh phụ nữ lớn tuổi như chúng tôi làm thôi, chứ đàn ông hay mấy đứa nhỏ tuổi nghe đến dầm mình dưới nước cả mấy tiếng là sợ rồi. Nghề nó chọn mình mà, chịu thôi, miễn sao có tiền lo cho con ăn học là vui rồi”, bà Nguyễn Thị Hường (thôn Thanh Tam Đông, Cẩm Thanh, Hội An) chia sẻ khi được hỏi về công việc hái lá dừa nước đi bán.

Thức dậy từ tờ mờ sáng, bà Hường cùng các “đồng nghiệp” mang theo dao, rựa dầm mình xuống dòng nước ngang bụng, cố gắng len lỏi qua những gốc dừa chắc nịch để cắt rồi kéo tàu lá ra ngoài. Những tàu lá sau khi cắt sẽ được xếp ngay ngắn lên ghe vận chuyển lên bãi tập kết.

Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng vì tương lai con cái, vì sức sống làng dừa nên họ vẫn cố gắng duy trì
Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng vì tương lai con cái, vì sức sống làng dừa nên họ vẫn cố gắng duy trì

“Sở dĩ chúng tôi phải cắt thật sớm vì lúc đó nước lớn dễ đẩy ghe hơn, chứ đến trưa nước xuống thì rất vất vả. Tàu dừa sau khi đẩy về nơi tập kết, tiếp đó sẽ đến công đoạn rọc lá và phơi khô. Vừa dầm mình cả mấy tiếng dưới nước, rồi phải tiếp tục phơi lưng dưới cái nắng nóng khiến nhiều người bỏ cuộc. Ngày xưa cũng nhiều người làm nghề này vì do ông bà truyền lại, nhưng rồi cực khổ quá người ta cũng bỏ nghề. Bây giờ du lịch phát triển nhiều chị em chuyển sang chèo thúng, làm việc tại các khách sạn, nhà hàng...”, bà Hường cho biết thêm.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, bà Nguyễn Thị Bảy (59 tuổi, xã Cẩm Thanh, Hội An) kể, ngày xưa nơi đây là vùng đất anh hùng trong chiến tranh, đến thời bình nó lại là nơi sinh kế cho bao con người. Xưa lá dừa dùng để lợp nhà, bây giờ du lịch phát triển lá dừa được ưa chuộng hơn, nhiều nhà hàng, khách sạn đặt mua, làm không ngơi tay. Nhưng người làm nghề cũng chẳng còn nhiều, bởi lẽ nó quá cực khổ.

Bám trụ mưu sinh nơi rừng dừa
Bám trụ mưu sinh nơi rừng dừa

“Mỗi tàu dừa cắt xong, phơi khô mình bán với giá 1.500-2.000 đồng. Mỗi ngày nếu chịu khó cũng kiếm được 200.000-250.000 đồng/người. Vất vả là vậy nhưng có công việc còn hơn không, chúng tôi chọn ở lại nối nghiệp cha ông để giữ nghề, để làng dừa tiếp tục vươn sức sống. Mình phải chặt tàu dừa để cây tiếp tục sinh sôi, phát triển chứ không chặt cây sẽ chết dần. Mỗi gốc dừa bị chặt lần lượt từng tàu lá chỉ để lại một bẹ và một tàu lá. Cứ thế vài tháng sau gốc dừa lại sinh sôi nảy nở, mình lại khai thác tiếp”, bà Bảy bộc bạch.

Theo những người phụ nữ làng dừa cho biết, công việc chặt tàu dừa chỉ được thực hiện từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch. Còn vào mùa mưa, do nước lên cao, lá dừa mang về không có chỗ phơi nên phải nghỉ.

Những “bóng hồng” hái lá dừa người chia sẻ về nghề

Mồ hôi đầm đìa dù đang dầm mình dưới dòng nước lạnh, bà Trần Thị Nga (57 tuổi, Cẩm Thanh, Hội An) kể thêm, dù tiền công cũng khá nhưng họ cũng đối mặt với nhiều vất vả, nguy hiểm, chưa kể là bệnh tật. Cả ngày dầm mình, ngụp lặn dưới dòng nước lạnh, bị nước ăn da, tay chân lở loét là thường, rồi cả bệnh phụ khoa… Lúc cắt tàu dừa nhiều người có thể bị lá dừa cứa vào mặt, tay. Ẩn sâu dưới lớp bùn lầy cũng có nhiều mảnh chai, chẳng may cứa vào chân rất dễ đứt gân chảy máu.

“Cắt xong chúng tôi phải đẩy ghe đi theo dòng nước, cũng có nhiều lúc ghe nặng quá mà lật. Có những khi đi ngang qua dòng nước sâu hơn đầu người, chị em phải bám theo ghe mà di chuyển rất nguy hiểm. Những chỗ nước quá sâu hay sụt lún không biết là chết đuối như chơi. Nhưng âu cũng là nghề chọn mình, vì mưu sinh, vì tương lai con cái cũng phải cố gắng theo nghề thôi”, bà Nga tâm sự.

Trong âm thanh tiếng rựa thoăn thoắt rọc lá, chúng tôi nghe loáng thoáng tiếng thở than “Sao mà nghèo, mà khổ quá ri hè”. Nhiều người có lẽ đã là người cao tuổi, nhưng vì gia đình, con cái, vì cái nghèo… nên họ vẫn cố gắng bám trụ nơi rừng dừa dù biết vất vả, nguy hiểm.

N.Linh