Nhiệm vụ "đặc biệt" của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư

Toàn Vũ Hà Hiền

(Dân trí) - Trong suốt 23 năm làm công việc khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K, Ths.Bs Đồng Văn Hưởng mới có thêm 1 nhiệm vụ đó là phòng chống dịch Covid-19 tại khu cách ly của bệnh viện.

Nhiệm vụ "đặc biệt" của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư

Ths.Bs CKII Đồng Văn Hưởng hiện là Phó Trưởng khoa Xạ lồng ngực, Phó Phụ trách Đơn vị cách ly, Bệnh viện K, song song với đó, anh còn là phó phụ trách đơn vị cách ly của Bệnh viện.

Sinh ra trong gia đình có mẹ, chú và bác đều là cán bộ y tế, nên ngay từ nhỏ, anh Hưởng đã nuôi giấc mơ trở thành một bác sĩ để nối nghiệp cứu chữa người bệnh của gia đình.

Ban đầu, anh theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, nhưng nhận thấy ung thư là căn bệnh đang ngày phổ biến trong xã hội và cần nhiều cán bộ y tế nên anh đã chuyển sang học chuyên khoa ung bướu. Năm 1997, anh chuyển về công tác tại Bệnh viện K.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, anh là 1 trong 30 bác sĩ và điều dưỡng của viện phải kiêm nhiệm cùng lúc 2 nhiệm vụ: Khám chữa bệnh tại Khoa, Phòng và phòng chống dịch trong khu cách ly của bệnh viện.

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 1
Ths.Bs Đồng Văn Hưởng lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tại khu cách ly trong bệnh viện.

Mặc bộ bảo hộ kín mít, bác sĩ Hưởng vừa thận trọng lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân, vừa động viên người bệnh lạc quan và thực hiện khai báo y tế trung thực. Sau một ngày chờ đợi sau khi người xét nghiệm có kết quả âm tính bác sĩ Hưởng mới thở phào nhẹ nhõm.

Tất cả vì "nhiệm vụ kép"

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Trong thời gian qua, bệnh viện K đã thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế và của các cơ quan chức năng. Bệnh viện K luôn làm cao hơn 1 mức so với khuyến cáo".

Bởi nơi đây điều trị những bệnh nhân ung thư là 1 bệnh lý nền rất nặng, khi điều trị ung thư thì suy giảm miễn dịch, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ rất khó lường, khả năng tử vong rất cao.

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 2
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bệnh viện K luôn thực hiện theo "mục tiêu kép"  là vừa đảm bảo công tác chữa bệnh, vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ngay từ đợt bùng phát dịch thứ 1, Bệnh viện K đã xây dựng hệ thống khu cách ly, đợt bùng dịch thứ 2, bệnh viện đã trang bị hệ thống xét nghiệm Covid-19 realtime RT-PCR phục vụ cho công tác sàng lọc. Nhờ hệ thống này mà đội ngũ y bác sĩ giảm bớt được căng thẳng khi có trường hợp nghi nhiễm.

Ngoài sàng lọc ở các cửa ra vào, khai báo y tế điện tử hàng ngày, Bệnh viện K còn sàng lọc ở các khoa, phòng. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ, ho, sốt lập tức được đưa xuống khu cách ly để theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm.

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 3

Sau đó sẽ được đo nhiệt độ trước khi vào các khoa, phòng điều trị.

Bác sĩ Hưởng cho biết, trong thời điểm này, công việc của anh và các cán bộ y tế trực tại khu cách ly cũng bận bịu hơn nhiều. Cơ sở vật chất tại khu cách ly cũng không được tiện nghi như trên các khoa, phòng, nhân lực không cố định, nhưng đội ngũ y bác sĩ của viện K đều xác định chống dịch đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên tất cả đều đoàn kết, đồng tâm hiệp lực chia sẻ với nhau.

Tháng 8/2020, Bệnh viện K đã triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa và phát huy hiệu quả rất cao. Đối với ngành ung thư, sau khi có hệ thống khám chữa bệnh từ xa thì đã giải quyết được rất nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới qua hệ thống Telehealth.

"Đặc biệt trong đợt dịch này thì lại càng có ý nghĩa hơn vì người dân hạn chế di chuyển nên việc hội chẩn qua Telehealth đã giải quyết được những bệnh nhân ở tuyến dưới, đem lại hiệu quả cả kinh tế lẫn xã hội, giúp phát triển được chuyên môn tuyến dưới", PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K cho biết thêm.

"Gia đình vừa là động lực vừa là điểm tựa"

Bác sĩ Hưởng cho biết, anh cảm thấy may mắn vì luôn có gia đình ở bên chia sẻ, thông cảm công việc của mình, tạo điểu kiện tốt nhất để anh yên tâm chống dịch và điều trị cho các bệnh nhân ung thư.

"Khi dịch Covid-19 xảy ra, vợ tôi cũng đọc thông tin qua báo đài và cũng hiểu được tính nguy hiểm và nghiêm trọng của dịch bệnh này cũng như vai trò của nhân viên y tế trong phòng chống dịch, trong đó có chồng mình. Vợ tôi rất thông cảm, chia sẻ, động viên kịp thời để chồng yên tâm khi đến cơ quan làm việc", bác sĩ Hưởng tâm sự.

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 4
Bác sĩ Hưởng luôn coi phòng chống dịch Covid-19 trong khu cách ly là một nhiệm vụ "đặc biệt".

Khi có 1 bệnh nhân nghi nhiễm, anh Hưởng cùng đội ngũ y bác sĩ sẽ phải tiến hành sàng lọc, sau đó lấy mẫu xét nghiệm và đợi đến khi có kết quả. Nếu người bệnh có kết quả âm tính thì đội ngũ y bác sĩ của ca trực mới được ra khỏi khu cách ly. Vì vậy, có những đợt lượng bệnh nhân của bệnh viện quá tải, ca trực của anh có thể kéo dài trong 3-4 ngày.

Trực liên tiếp trong nhiều ngày, không được về nhà, nên các con anh thường xuyên gọi điện động viên bố, chia sẻ với bố những câu chuyện, những hình ảnh sinh hoạt của mọi người trong gia đình để anh yên tâm hơn.

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 5
Sau khi hoàn thành ca trực trong khu cách ly, bác sĩ Hưởng lại trở về Khoa Xạ Lồng ngực để thực hiện các công việc chuyên môn.

Những câu hỏi ngây ngô của con khiến anh xúc động trong suốt những ngày thực hiện nhiệm vụ "đặc biệt": "Mỗi khi có thời gian rảnh tôi đều gọi điện về nhà và ở đầu dây bên kia các cháu lại hỏi: Bố ở trong đấy trực có nhiều bệnh nhân không? bệnh nhân của bố có nặng không? bố có thiếu thốn gì không?

Đó là giây phút hạnh phúc nhất của tôi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Đây cũng là may mắn lớn nhất của tôi khi có hậu phương vững chắc để tôi có thể vững tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất".

Nhiệm vụ đặc biệt của bác sĩ 23 năm cứu chữa bệnh nhân ung thư - 6
Bác sĩ Hưởng xúc động khi nhớ đến những câu hỏi ngây ngô của con và sự quan tâm, động viên của vợ.

Với 23 năm kinh nghiệm công tác trong ngành y, anh Hưởng không cảm thấy hối tiếc khi chọn theo nghề và nếu có có điều ước, anh chỉ ước rằng mình có tài năng hơn nữa, có nhiều sức khỏe để cứu giúp được nhiều bệnh nhân hơn.

Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin kính chúc các "chiến sĩ áo trắng" trên mọi miền Tổ quốc luôn có thật nhiều sức khỏe, giữ vững tinh thần "chiến đấu" với dịch bệnh, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 đầy cam go.