Nhận dạng và sử dụng măng khô an toàn ngày Tết

(Dân trí) - Ngày Tết canh măng khô là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Để sử dụng măng khô một cách an toàn, người tiêu dùng cần tinh ý trong việc lựa chọn cũng như chế biến măng khô.

Măng khô là thực phẩm quen thuộc đối với các gia đình ở Việt Nam. Từ măng khô, chúng ta có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như canh măng chân giò, măng nấu vịt, măng khô nấu xườn… Măng khô thường có 4 loại: Măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, măng là thực phẩm có chứa chất axit cyanhydric là một chất độc tự nhiên. Trong nhiều trường hợp ăn măng sống có thể gây ra tử vong. Song thực chất, nếu biết cách sơ chế thì có thể sử dụng măng bình thường.

Măng được chia làm 2 loại là măng khô và măng tươi. Đối với măng tươi người ta có thể ăn măng luộc hoặc măng đã qua sơ chế bằng cách muối chua. Trong quá trình muối chua thì axit cyanhydric sẽ được hòa tan và đảm bảo an toàn khi ăn. Còn với măng tươi, trước khi ăn nếu măng được ngâm trong nước hoặc luộc qua sẽ loại bỏ được chất độc hại.

Với măng khô, trước khi được bày bán ra ngoài thị trường măng sẽ được ngâm nước và phơi khô nhằm giúp măng ngon hơn và không còn vị đắng. Để măng không bị mốc người ta sẽ sử dụng biện pháp xông qua lưu huỳnh (SO2).

Măng khô là thực phẩm không thể thiếu tronng dịp Tết của mỗi gia đình (Ảnh: Internet)
Măng khô là thực phẩm không thể thiếu tronng dịp Tết của mỗi gia đình (Ảnh: Internet)

Một điều mà PGS.TS Thịnh nhấn mạnh là thời gian qua rất nhiều người tiêu dùng, thậm chí là giới truyền thông cho rằng việc sử dụng măng khô xông lưu huỳnh sẽ gây nhiều tác hại song thực chất lại không hoàn toàn là như vậy. Nguyên nhân là trước khi chúng ta ăn, măng đã được xử lý qua khâu sơ chế bằng cách ngâm nước hoặc luộc kỹ. Trong quá trình luộc chín, chất lưu huỳnh sẽ bị bay hơi hết và không nhiễm vào cơ thể để gây ra độc hại. Với những trường hợp măng khô xông lưu huỳnh quá mức 20mg/kg sản phẩm sẽ gây mùi khét đặc trưng và người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và tránh mua sản phẩm.

Theo PGS.TS Duy Thịnh, nên xét chất độc hại trong từng thời điểm cụ thể của thực phẩm. Nếu sau khi chế biến chất độc hại vẫn còn lưu trữ trong thực phẩm thì mới gây ra nguy hiểm. Còn khi đã qua chế biến, chất độc hại không còn nữa thì chúng ta có thể sử dụng thực phẩm.

Nên ngâm măng khô và luộc kỹ trước khi sử dụng (Ảnh: Internet)
Nên ngâm măng khô và luộc kỹ trước khi sử dụng (Ảnh: Internet)

Nhận biết măng khô sạch

Để chọn măng khô ngon, người tiêu dùng nên chọn măng có màu vàng đất nhạt, còn lưu giữ mùi hương đặc trưng, có đường vân tỉ mỉ, bề thịt rộng dày. Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nên chọn măng búp có màu đều nhau, đốt ngắn, không có xơ.

Chọn những miếng măng có nhiều ngọn khi nấu sẽ mềm và ngon hơn phần gốc. Không chọn măng có mùi lạ như mùi nồng nặc và khét … Chỉ nên mua măng khô ở những cửa hàng uy tín, siêu thị lớn, cam kết đảm bảo măng khô sạch, an toàn, không tẩm ướp hóa chất hay bị mốc.

Cách xử lý măng khô trước khi chế biến

Để loại bỏ các độc tố tự nhiên cũng như lưu huỳnh có trong măng, trước khi chế biến món ăn các bà nội trợ cần rửa măng khô thật sạch sau đó ngâm măng bằng nước ấm hoặc nước vo gạo. Nên ngâm để qua đêm hoặc ngâm ít nhất 5 - 6 giờ, để cho măng nở và mềm hơn.

Lưu ý là trong quá trình ngâm, thường xuyên thay nước để lọc sạch vị đắng, đào thải bớt được chất độc hại. Sau khi ngâm măng khô xong, bạn vớt ra, để ráo nước rồi cho vào nồi luộc ngập nước. Lưu ý thay nước 2 - 3 lần. Mỗi lần cách nhau khoảng 30 phút sau đó vớt măng ra, để ráo và chế biến. Nếu sử dụng măng không hết nên bọc cẩn thận và bảo quản trong tủ lạnh.

Nhữ Trang