Nhà hàng đặc biệt ở phố du lịch sầm uất nhất Đà Nẵng của bà chủ khuyết tật
(Dân trí) - Ở nhà hàng đặc biệt nằm trên khu phố du lịch sầm uất bậc nhất Đà Nẵng này, nhân viên đa phần đều là người khuyết tật câm điếc bẩm sinh.
Vượt lên nghịch cảnh
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến khu phố du lịch An Thượng vốn tấp nập bậc nhất Đà thành vắng vẻ hẳn. Nhìn bề ngoài, Happy Heart cũng như các nhà hàng, quán cà phê theo phong cách phương Tây trong khu vực. Đặc biệt ở chỗ, nhân viên của nhà hàng đa phần là người câm điếc.
Chủ nhân của nhà hàng đặc biệt này là chị Hồ Thị Phương Thảo (42 tuổi). Từ lúc 6 tuổi, do một tai nạn, chân của chị bị nhiễm trùng. Tiếp sau đó là những ngày tháng liên tục nằm trên giường bệnh với những ca mổ.
Vốn sinh ra ở vùng quê nghèo xã Đại Quang (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), khoản tiền chạy chữa cho cô con gái nhỏ khiến bố mẹ chị phải nghỉ dạy ở trường, thay nhau vừa chăm sóc chị, vừa bươn chải làm đủ thứ nghề để kiếm tiền.
Năm 2001, chị Thảo phải trải qua phẫu thuật cắt chân. Sau khi mới bình phục, đang tập đi trên đôi nạng gỗ, chị Thảo quyết định ra Đà Nẵng để kiếm sống.
"Những năm tháng chạy chữa khiến tôi luôn cảm thấy mình là gánh nặng của ba mẹ. Lúc đó, có một tổ chức hỗ trợ chỗ ở học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng nên tôi đăng ký luôn. Thú thực là thời điểm đó, tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì để kiếm ra tiền nhưng vẫn quyết tâm đi để kiếm tiền lo cho bản thân", chị Thảo kể.
Ở Đà Nẵng, chị làm đủ thứ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống, dành dụm tiền gửi về cho gia đình. Đến năm 2005, cơ duyên giúp chị gặp gỡ với chủ tiệm bánh hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật rồi trở thành nhân viên ở đó.
Đến năm 2018, vợ chồng chủ tiệm trở về nước và sang nhượng lại quán, chị ấp ủ kế hoạch mở một tiệm cà phê để tiếp nối mô hình trên, tạo việc làm cho những người câm điếc.
"Ấp ủ là vậy, nhưng để mở một tiệm cà phê cần nhiều vốn. Tôi tìm đến một người bạn người Canada đang mở trung tâm tiếng Anh ở Đà Nẵng và nhận được cái gật đầu để cùng khởi nghiệp với Happy Heart", chị Thảo nhớ lại.
Thời điểm đó, tiệm được đặt ở tầng 1 của trung tâm tiếng Anh, nhân viên ở quán là những đồng nghiệp từng cùng làm việc với chị Thảo. Nhờ những kinh nghiệm khi làm ở chỗ cũ, chị bắt đầu gây dựng một mái nhà dành cho những nhân viên khuyết tật.
Đến năm 2019, người bạn của chị về nước, chị tiếp quản lại Happy Heart, chuyển mặt bằng về khu phố du lịch An Thượng, tiếp tục đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho những người có nhu cầu.
Mái nhà chung của những người khuyết tật
Thấy vị khách quen bước vào, anh Phan Tài Toàn (sinh năm 1979, ở Đà Nẵng) vội cầm menu đến, vẫy tay ra gửi lời chào và mời khách chọn món. Anh Toàn có vóc dáng cao ráo, nhanh nhẹn. Nếu lần đầu vào quán, ít ai nghĩ rằng anh vốn câm điếc từ nhỏ.
Đã quen với phong cách phục vụ ở đây, vị khách Tây mở cuốn menu rồi ghi lại những món ăn, đồ uống mình muốn gọi vào cuốn sổ nhỏ rồi giao lại cho Toàn. Ở Happy Heart, anh Toàn là người có thâm niên làm việc khá lâu và là "cánh tay phải" của chủ quán. Anh cũng rất đa năng khi có thể làm bồi bàn, bếp chính, thợ bánh, pha chế, thu ngân…
"Tôi rất đam mê nấu ăn, vì thế tôi rất thích công việc này. Hiện, tôi đã có một đứa con, thu nhập tại quán giúp tôi trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Tôi mong dịch bệnh được kiểm soát để khách đến quán đông hơn", anh Toàn chia sẻ.
Anh Toàn chỉ là một trong nhiều người khuyết tật được chị Thảo hỗ trợ đào tạo nghề và có thu nhập ổn định. Trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, Happy Heart có khoảng 15 nhân viên khuyết tật câm điếc bẩm sinh, đảm nhiệm tất cả các vị trí ở nhà hàng. Chị Thảo cũng dành khu vực tầng 3 của nhà hàng để làm chỗ ở cho các nhân viên.
"Các bạn câm điếc rất khó kiếm được một công việc ổn định bởi các bạn đều gặp khó khăn trong giao tiếp. Ở Happy Heart, ngoài đào tạo nghề, tôi còn hướng dẫn các bạn những kỹ năng, kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, dạy cả ngôn ngữ cử chỉ để các bạn giao tiếp với nhau", chị Thảo nói.
Đào tạo một nhân viên bình thường đã khó, đào tạo nhân viên là người khuyết tật còn khó và tốn thời gian hơn gấp bội. Theo chị Thảo, khó khăn nhất đó làm hướng dẫn các bạn tuân thủ theo nguyên tắc, nề nếp để tạo ra phong cách làm việc chuyên nghiệp nhất.
"Mong muốn của tôi là nếu không còn làm việc ở đây, các bạn có thể dễ dàng xin được công việc ở nơi khách hoặc mở cửa hàng kinh doanh riêng với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo", chị Thảo nói.
Hiện Happy Heart đang sản xuất bánh mì để bỏ cho các nhà hàng trên địa bàn, đồng thời, phục vụ đồ ăn, thức uống cho đa phần khách là người nước ngoài đang sinh sống ở Đà Nẵng.
Dịch bệnh khiến việc kinh doanh của Happy Heart ảnh hưởng rất nhiều. Giữa lúc nhiều chủ quán lựa chọn đóng cửa để không tốn tiền thuê nhà, tiện điện nước…, chị Thảo vẫn duy trì hoạt động để các nhân viên có công việc ổn định.
"Nhiều bạn bè của tôi cũng nói sao mà phải chọn con đường khó như thế, làm vậy sao mà giàu. Nhưng nếu muốn làm giàu, tôi đã không chọn gắn bó với Happy Heart. Niềm vui của tôi đó làm thấy Happy Heart thực sự trở thành mái nhà chung của các bạn, các em khuyết tật, để mọi nhân viên ở đây đều luôn cảm thấy hạnh phúc", chị Thảo nói.
Happy Heart cũng đều đặn hỗ trợ các bữa ăn dinh dưỡng cho các em nhỏ chất độc màu da cam ở các trung tâm bảo trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Ngoài ra, chị Thảo cũng kết nối để tìm kiếm các nguồn tài trợ từ bạn bè, các mạnh thường quân để hỗ trợ các hoạt động của trung tâm, tìm kiếm các tình nguyện viên người nước ngoài để dạy các kỹ năng như hát, múa, vẽ, làm đồ thủ công… cho các em nhỏ ở đây.