Người Việt tại Nga: Chưa dám ra đường, đồ rơi cũng giật mình thon thót
(Dân trí) - Sống cách nơi bị khủng bố 30km, bà mẹ đơn thân người Việt vẫn chưa dám ra đường một cách thoải mái. Nếu bất chợt đồ vật rơi ngoài ban công cũng khiến chị giật mình thon thót.
Đêm quốc tang 24/3 tưởng niệm hơn 130 nạn nhân tử vong trong vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow, anh Hồ Sĩ Bằng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Moscow, lái xe đến hiện trường cách nhà khoảng 30km để đặt hoa tưởng niệm.
Dù đã đêm muộn, trời đổ mưa, hàng dài người dân tay cầm hoa, trật tự xếp hàng đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bên ngoài nhà hát Crocus City Hall.
"Nhìn di ảnh bé gái trạc tuổi con mình, tôi ngồi xuống lau những giọt nước mưa trên ảnh và bật khóc", anh Bằng nhớ lại. Nhiều người dân Nga đứng sau lưng anh cũng không kìm được nước mắt dù là những người đàn ông mạnh mẽ nhất.
Anh Bằng cho biết Moscow được mệnh danh là "thành phố không ngủ". Đêm 22/3 đã thực sự trở thành "đêm không ngủ" không chỉ với thành phố Moscow mà trên toàn lãnh thổ nước Nga.
4 tay súng đã xông vào nhà hát Crocus City Hall, xả súng điên cuồng vào mọi chỗ. Đêm biểu diễn âm nhạc mang tên Không sợ điều gì bỗng chốc trở thành đêm kinh hoàng, những người trong khán phòng hơn 6.000 chỗ ngồi sợ hãi dưới mưa đạn.
Đám đông hỗn loạn trong hội trường đổ xô tìm lối thoát hiểm khi tiếng súng liên tục vang lên cùng những tiếng la hét. Những kẻ tấn công đi quanh khán phòng, nổ súng vào khán giả.
Những kẻ khủng bố đã tẩm xăng vào màn hình sân khấu và ghế ngồi rồi châm lửa đốt, khiến đám cháy bùng lên dữ dội, bao trùm nhà hát khi mọi người vẫn mắc kẹt bên trong. Phần lớn mái của nhà hát sập xuống, chôn vùi nhiều nạn nhân bên dưới.
"Đây là thảm kịch khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm qua, là một nỗi đau vô tận", anh Bằng nói.
Hơn một giờ sáng 25/3, người đàn ông Việt rời hiện trường vụ khủng bố, để lại một giỏ hoa với tấm lòng nặng trĩu. Dòng người ngược xuôi cứ thế vẫn lặng lẽ tiến vào khu vực tưởng niệm thảm kịch.
Ba ngày sau vụ xả súng, chị Đỗ Thị Thắm (34 tuổi, quê Hưng Yên), sống cách nơi bị khủng bố 30km, vẫn chưa dám ra đường một cách thoải mái.
Là mẹ đơn thân của một em bé hơn 3 tuổi, chị nói đi đâu cũng phải mang con đi. Lo ngại chuyện bất an hậu khủng bố, không bảo vệ được con, chị chọn cố thủ ở nhà.
"Xem tin tức về thảm kịch trên báo đài và ti vi, tôi sợ hãi rơi nước mắt. Nghĩ tới bản thân nếu ở trong hoàn cảnh đó, thì có khi tim tôi đã ngừng đập", người phụ nữ Việt nhớ lại, cho hay nếu bất chợt đồ vật rơi ngoài ban công cũng khiến chị giật mình thon thót.
Sáng 24/3, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết lực lượng an ninh của nước này đã bắt giữ 4 nghi phạm chính trong vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall.
Tâm trạng dần ổn định hơn, song chị Thắm vẫn không dám ra ngoài. Tối cùng ngày, chị đến một cửa hàng thực phẩm cách nhà 200m để mua hoa quả và rau, rồi nhanh chóng trở về.
"Đường sá vắng vẻ, trời mưa, nên hầu như không có ai. Nhìn thấy bất kỳ người lạ nào ngoài đường, tôi cũng sợ hãi, đứng nép hẳn một góc phố", chị Thắm nói.
Sự kiện khủng bố đẫm máu không chỉ làm xáo trộn cuộc sống hai mẹ con, mà còn khiến công việc văn phòng bán vé máy bay của chị bị đình trệ. Tuy nhiên, chị cho hay những người đồng hương bán hàng tại chợ người Việt Sadovod mới "thực sự rơi vào thảm cảnh".
Giao thương buôn bán tạm thời ngừng hoạt động, các trung tâm thương mại và chợ đều vắng vẻ. Người dân trong tâm lý bị sốc, không dám ra đường, nhiều tuyến phố bị cảnh sát phong tỏa, kiểm tra an ninh gắt gao.
"Trong hoàn cảnh này, chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng. Một số người dân dần quay lại nhịp sống, chỉ có nỗi ám ảnh là chưa hề nguôi ngoai", chị nói.
Trong khi đó, chị Lê Thị Phương Chung (42 tuổi, sống tại trung tâm Moscow) cho hay cuộc sống dần ổn định sau những ngày chìm trong đau thương. Tuy nhiên, người phụ nữ Việt vẫn thường xuyên theo dõi thông tin trên báo đài, phòng những trường hợp bất an.
Chị cho biết cộng đồng người Việt tại Nga luôn đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Họ thông báo, hỏi thăm đồng hương, sẵn sàng hỗ trợ nếu bất kỳ ai cần giúp đỡ. Nhóm cộng đồng còn kêu gọi hiến máu, chuyển tiền ủng hộ các nạn nhân khủng bố.
Không đủ điều kiện sức khỏe, chị Thắm đăng bài lên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng đi hiến máu, đồng thời ủng hộ qua tài khoản ngân hàng lớn nhất của Nga. Chị cũng thường xuyên cập nhật thông tin sự kiện sau khủng bố, tình trạng của hai mẹ con.
"Chúng tôi mong chờ ánh sáng sau những ngày đen tối của Moscow, trả lại sự bình yên để người dân yên tâm làm việc và sinh sống", chị tâm sự.