Bình Định:

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19

Doãn Công

(Dân trí) - Do dịch Covid-19, người trồng hoa cúc Tết ở Bình Định giảm đi nhiều, có nhà vườn "treo chậu". Trong khi những hộ trồng cúc lại phập phồng nỗi lo cuối năm dịch bùng phát.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 1

Người trồng hoa cúc ở Bình Định thấp thỏm lo mất Tết vì Covid-19.

Thời điểm này, nếu như không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng hoa bận rộn chăm sóc, cắm cọc định hình những chậu cúc phát triển đẹp. Thế nhưng năm nay, nhiều nơi còn nhà vườn bỏ trống đất, người trồng cúc cũng chẳng hào hứng kể về nghề.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại các làng chuyên trồng hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tại Bình Định như: làng cúc Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn), làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) hay làng hoa ngay bên cầu Hà Thanh 2 thuộc phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) không khí không còn nhộn nhịp như mọi năm.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 2

Năm nay, người trồng cốc và số lượng cúc cũng giảm đi gần một nửa so với mọi năm.

Ông Võ Văn Sơn (60 tuổi) - một trong bảy hộ dân còn gắn bó với nghề trồng cúc Tết ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) chia sẻ: "Nghề trồng cúc Tết bấp bênh lắm, lúc mới xuống giống thì lo sâu bệnh, bão lũ gây hại, đến lúc bán thì ế ẩm, thậm chí có khi 30 Tết bán rẻ như cho nên có người đập chậu bỏ. Những hộ còn trồng cúc ở đây là vì mến mộ cái nghề, chứ nhiều người bỏ trồng. Năm nay dịch bệnh Covid-19 nên nhiều nơi người dân bỏ trồng, những người trồng thì số lượng cũng giảm lại".

Theo ông Sơn, vụ cúc Tết năm nay, hai anh em ông hùn vốn trồng 300 chậu, chỉ trồng vừa sức chứ không dám trồng nhiều. Tuy nhiên, nhiều hộ mọi năm trồng trên cả 1.000 chậu thì năm nay trồng chỉ còn 500 - 600 chậu.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 3

Mọi năm 3 cha con ông Lễ, trồng trên cả 1.000 chậu cúc nhưng năm nay chỉ còn khoảng 600 chậu.

Sát bên cạnh, vườn cúc của gia đình ông Huỳnh Tấn Lễ (66 tuổi, phường Đống Đa) cho biết, bình thường 3 cha con ông trồng trên 1.000 chậu nhưng năm nay trồng giảm xuống còn gần 600 chậu. Dịch giã cái gì cũng khó khăn, đã vậy năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng cao.

"Chưa năm nào người trồng cúc Tết lại vừa trồng vừa thấp thỏm lo như năm nay. Gần Tết mà dịch bùng phát chỉ cần áp dụng theo Chỉ thị 15 thôi thì người trồng hoa có nước húp cháo", ông Lễ nói.

Trong khi đó, ở làng hoa Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn) có khoảng 70 hộ trồng với 20.000 chậu cúc cung cấp thị trường mỗi năm. Trong đó, chủ yếu chủ vườn bán sỉ cho lái buôn đưa đi các địa phương khác trong ngoài và ngoài tỉnh bán, nhưng năm nay cũng giảm đi một nửa.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 4

Do dịch bệnh nên năm nay vợ chồng anh Dân chỉ trồng trên 250 chậu cúc để bán dịp Tết.

Có trên 15 năm trồng cúc bán dịp Tết, anh Huỳnh Thanh Dân (42 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn) cho biết: "Mọi năm vợ chồng tôi trồng trên 400 chậu cúc bán Tết, nhưng năm nay dịch giã nên chỉ trồng 250 chậu. Nghề trồng hoa may rủi lắm, do dịch bệnh khó khăn nên không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng trồng giảm lại. Năm nay, người trồng ít lại mà số lượng trồng cũng giảm chỉ còn một nửa, nhưng mà lòng vẫn lo vì tiền của, công sức đổ vào những chậu cúc không phải ít".

Theo anh Dân, mỗi chậu hoa cúc tầm trung, từ lúc trồng đến khi bán phải đầu tư chi phí khoảng 150.000 đồng. Đó là chưa kể tiền công, cuối vụ trồng không kịp phải thuê người cắm cọc thì chi phí mỗi chậu cúc tăng đến 200.000 đồng. Trong khi đó, nếu thuận lợi bán sỉ được 300.000- 350.000 đồng/chậu, thì 250 chậu cúc người trồng chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 5

Mỗi chậu cúc tầm trung, người trồng "đổ" vào trên 200.000 đồng.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 6

Người trồng cúc không chỉ lo lắng vì dịch bệnh mà hàng năm còn lo bão lũ.

"Tuy nhiên, gặp năm ế ẩm thì người trồng cúc phải chịu lỗ. Có năm gặp mưa bão, lũ lớn lùa về xô ngã, nhất là bị bùn non cúc bị rụng lá thì bán chẳng ai mua", anh Dân nói.

Còn tại làng trồng cúc truyền thống ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), cũng bởi lo Covid-19 nên số hộ trồng cúc cũng giảm, nhiều hộ không dám trồng vì sợ mất vốn.

Người trồng hoa cúc thấp thỏm lo mất Tết vì sợ Covid-19 - 7

300 chậu cúc của gia đình ông Sơn phải tốn thêm 28 triệu tiền mua cọc để cắm định hình cho từng cây cúc phát triển.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cho biết, vụ hoa Tết năm nay, địa phương chỉ có 110 hộ trồng khoảng 30.000 chậu cúc, giảm gần 20.000 chậu so với vụ hoa cúc Tết năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay có gần 50 hộ không dám trồng.