Người phụ nữ ở TPHCM sống trong nhà 1m2, 12 năm ngủ không duỗi thẳng chân
(Dân trí) - Bà Lê Thu Vân (58 tuổi) sống trong ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 1m2, nơi đồ đạc được xếp chồng, người luôn co ro để tiết kiệm diện tích.
Ngôi nhà "tí hon" tọa lạc đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM được người em của bà Lê Thu Vân mua lại từ năm 2011 để làm chỗ ở cho chị gái. Bà Vân lớn lên tại khu vực cầu Ông Lãnh, gia đình đông anh em nhưng chỉ sống trong ngôi nhà 2,2m2 gồm hai tầng lầu.
"Người này thức đi làm thì người kia mới về nhà ngủ, thay ca như vậy mới đủ chỗ", bà Vân mô tả. Chồng qua đời, bà Vân mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu, cơm tấm để nuôi con gái.
Thương hoàn cảnh của chị, người em gái đã mua lại ngôi nhà 1m2, cách nhà cũ của bà Vân 50m. Nhà chật nhưng nằm ngay mặt đường trung tâm quận 1.
Căn nhà có hình vuông, chiều dài một cạnh đến mép tường là 1,2m, tổng diện tích căn nhà khoảng 1,4 m2. Theo bà Vân, ngôi nhà này chỉ vừa đủ cho hai người sinh hoạt, người thứ ba muốn đến thăm nhà phải đứng bên ngoài. Trước đó, có người cháu cũng đến ở cùng bà Vân, tuy nhiên, cháu lớn tầm 14 tuổi phải chuyển nơi khác sống vì chật chội, không ngủ thoải mái được.
Em họ bà Vân bán tạp hóa ở tầng trệt, dây xà bông được mắc lên cửa sổ, bên trong là mắm, muối, đường, bột ngọt, kem đánh răng... được xếp chồng lên nhau. Hai tủ kính được đặt trước tiệm, chứa mì gói, bánh kẹo.
Những ngày đầu mới chuyển về, bà Vân ngủ trên ghế bố đặt trước nhà, mưa gió mới chạy vào. Hai mẹ con ngủ phải đưa chân ra ngoài do nhà quá hẹp.
Con gái lớn đi làm, bà Vân sống một mình trong nhà, trưng dụng tầng 1 để làm "phòng". Bà đậy nắp cầu thang bằng ván gỗ vuông để có thêm diện tích, tuy nhiên, người phụ nữ này chưa bao giờ được ngủ thẳng chân mà luôn phải co lại.
Nhà chật, bà treo hết quần áo hoặc xếp gọn chúng vào góc. Tủ kệ, túi nilong, hộp xốp để bán cơm... chiếm khoảng 2/3 không gian. Bà đặt chiếc ti vi sát trong góc tường để mở ca nhạc nghe vào mỗi tối.
Cầu thang trong nhà là cầu thang treo mà theo bà Vân, ai đi không quen sẽ ngã. Người phụ nữ này chỉ mất vài giây để leo lên lầu, nhưng với người ngoài, họ sẽ phải chầm chậm từng bước bởi các thanh chắn trên cầu thang chỉ vừa đủ lòng bàn chân người lớn.
Mùa hè, nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào kính, hơi ẩm từ mặt đường bốc lên khiến ngôi nhà như lò xông hơi, quạt máy dường như vô tác dụng. Bà Vân hầu như không thể ở trên lầu, luôn ở tầng trệt tránh nóng. Để tắm gội, giặt quần áo, bà phải đi bộ về nhà mẹ ruột ở gần đó.
Tuy nhiên, bà Vân chưa bao giờ cảm thấy mình bất hạnh. "Cả đời sống ở vỉa hè, có nhà ở là quý lắm rồi", người phụ nữ 58 tuổi giải thích.
Ngôi nhà 1m2 cũng là nơi bà Vân tất bật chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế để nấu hơn 20 món cho quán cơm trưa của mình, mở cửa từ 10h đến 14h hằng ngày. Bà Vân thức dậy từ 5h để đi chợ sáng, tranh thủ gọt rau củ, rửa thịt, làm cá, nhặt rau...
Bà Vân tận dụng khoảng trống trước nhà, đặt 1 bếp than, 4 bếp gas để nấu ăn. Khoảng 10h, mùi thức ăn đã tỏa ra khắp nhà, bà Vân tỉ mỉ bày ra chục món ăn như mực xào cà ri, cá thu kho thơm, ba rọi chiên, canh măng...
Khách đến quán bà Vân đa số là lao động bình dân, họ dùng cơm với giá 33.000 đồng/phần, tặng kèm rau sống, trà đá. Bốn chiếc bàn con luôn kín khách ngồi vào giờ cao điểm.
"Bán lời ít thiệt, nhưng chủ yếu có chỗ để người lao động dừng chân. Có cậu bảo vệ đến ăn thường tôi chỉ lấy giá 30.000 đồng, còn làm thêm phích trà đá", bà Vân kể.
Bà Vân cho biết, bản thân mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Mỗi ngày, bà lời khoảng 300.000 - 500.000 đồng, đủ chi phí sinh hoạt, mua thuốc chữa bệnh thận và khớp. Tuy nhiên, công việc bán cơm vất vả, bà một mình thức khuya dậy sớm nên tuột cân nhanh chóng.
Chỉ trong 3 năm, bà Vân từ 60kg chỉ còn khoảng 45kg. Tuần rồi, trận mưa tháng 8 đến đột ngột, bà Vân hấp tấp xoay sở kéo bạt che cho khách nên vô ý làm đổ nồi thức ăn, bữa đó gần lỗ vốn.
Khoảng 14h, bà Vân bắt đầu dọn dẹp quán, rửa chén cùng hai người em họ. Xong việc, bà xếp mớ nồi, xoong, chảo... ngăn nắp vào góc nhà.
Mưa mùa hè làm dịu đi cái nóng, bà thong thả xếp quần áo. Tầm 20h, ti vi đều đều tiếng hát cải lương, bà Vân bắt đầu chìm vào giấc ngủ, khép lại một ngày tất bật.